Thương nhớ mắm cà

02/08/2020 06:41 GMT+7

Ký ức về bữa cơm gia đình trong tôi thường gắn với hình ảnh mẹ lui cui trong bếp lửa, với mùi khói rơm rạ bốc lên bay lơ lửng trên không trung, đặc biệt là mấy hũ mắm cà của mẹ.

Vốn người hay lo, lại sợ các con đói mỗi khi mùa mưa bão đến nên mẹ thường chuẩn bị mấy hũ mắm, nào là mắm đu đủ, mắm thính, mắm dưa… Trong mấy món mắm đó tôi thích nhất là món mắm cà mà tôi thường gọi là món ăn ngày lụt. Những khi Quảng Trị vào mùa bão lụt mà được ăn cơm với mắm cà thì còn gì bằng.
Ca dao có câu “Tháng chạp là tháng trồng khoai/Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”. Ra giêng, khi đất đã tơi xốp, mẹ lấy gói hạt cà giống treo trên gác bếp ra ươm. Khi cà đủ 4 lá, mẹ mới cuốc đất, làm luống rồi chọn lựa những cây tốt đem trồng. Nhờ mẹ chăm tưới nước, lại vun xới gốc cẩn thận nên chưa đầy 3 tháng sau cà trổ hoa chi chít rồi kết trái, cho thu hoạch. Dân quê tôi thường làm mắm cà để cất trữ phòng khi gió bão. Đây là cách chế biến cà ngon nhất vì hòa trộn bên trong miếng cà giòn rụm đậm đà còn có thêm vị ngọt thơm của cá biển kèm vị cay của ớt trái đã phơi héo.
Muốn mắm cà ngon đúng điệu thì mẹ làm như sau: cá được sử dụng làm mắm thường là cá trích, hoặc cá nục vẫn đang còn tươi rói không ướp đá, làm sạch rồi băm nhuyễn sau đó trộn với muối theo tỷ lệ “3 kg cá 1 kg muối”. Khoảng 1 tháng sau đem trộn với cà đã phơi qua nắng. Cà phơi nắng phải chọn thời điểm nắng to nhưng không được phơi lâu vì như thế cà sẽ dai khi ăn (có thêm ớt trái phơi khô nữa thì càng tốt). Cà sau khi phơi héo thì ngâm vào thau nước muối loãng vài tiếng để giảm độ hăng chát, rồi vớt ra để ráo. Khi trộn mắm với cà phải ép cà xuống không để bị khô nước. Lấy nang măng ép lên và đậy nắp kín. Sau đó cất chỗ thoáng mát khoảng 3 tháng thì có món mắm cà thơm ngon, đậm vị ăn được.
Tôi vẫn nhớ sự háo hức hít hà của mấy chị em hồi nhỏ khi mẹ bưng nồi cơm ra, mùi mắm cà xộc lên mũi thật hấp dẫn. Bữa cơm đạm bạc nhưng đông đủ con cái, chuyện trò rôm rả, mẹ hỏi han và khuyên bảo dặn dò chị em tôi đủ thứ chuyện. Còn nhớ ngày xưa chị em tôi đi học lót dạ buổi sáng cũng bằng cơm với mắm cà. Thường thì 5 giờ sáng mẹ đã dậy thổi cơm bằng rơm, rồi hấp thêm chén mắm cà. Mắm mẹ làm thơm và ngon lắm, nên chị em tôi ăn hết nồi cơm, còn cạo cháy, tráng nồi bằng mắm cà. Mẹ nói “con gái con lứa ăn chi mà dữ rứa”, chị em tôi cười khề khề. Rứa đó, mắm cà mẹ làm nuôi hai chị em tôi khôn lớn trưởng thành.
Nhớ nhất trận lụt năm 1999, cả nhà tôi chỉ ăn cơm với mắm cà thế nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon, không ngán, ngon chi lạ. Đặc biệt bữa cơm tối, cả nhà xúm xít nhau quanh cây đèn dầu vì lụt thường mất điện, ngồi trên gác gỗ (quê tôi có nơi gọi là cái tra, có nơi gọi cái rầm) chống lụt ăn cơm. Những bữa cơm gia đình ngày ấy lúc nào cũng thật ngon, thật vui, cho dù mâm cơm nhà nhiều khi chỉ có mắm cà.
Những hũ mắm cà của mẹ đã giúp gia đình tôi vượt qua những ngày bão lụt. Vị mặn mòi, ngọt thơm của cá quyện trong miếng cà giòn sựt, đan hòa vị cay của ớt đã khiến những bữa cơm độn khoai sắn dường như ngon hơn bình thường. Chất chứa sâu trong những cung vị dung dị ấy còn là tình mẫu tử bao la và tình cảm gia đình ấm áp.
Giờ đây, mỗi lần ăn đĩa cơm bụi tôi lại hồi tưởng ngày thơ bé, nhớ đến món mắm cà mà năm xưa mẹ làm cho cả nhà ăn vào mùa mưa bão, lụt lội hay chị em tôi lót dạ buổi sáng đến trường. Hai mí mắt tôi chợt ươn ướt, nhớ mẹ, nhớ quê nhà. Có lẽ người con quê hương Quảng Trị dù ở quê hay đi xa đều không thể nào quên món ăn quê hương đã in đậm vào máu thịt của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.