Thủy Tiên quyết trực tiếp trao tiền từ thiện, nêu kế hoạch sử dụng 100 tỉ đồng

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
21/10/2020 16:07 GMT+7

Sau khi công bố số tiền quyên góp cứu trợ miền Trung trong cơn lũ lịch sử năm 2020 đã hơn 100 tỉ đồng, chiều nay 21.10, Thủy Tiên đã có tiếp những chia sẻ mới về kế hoạch sử dụng số tiền lớn này.

Chiều 20.10, sau 6 ngày lặn lội đến tận nhà từng người dân chịu cảnh lũ lụt ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Thủy Tiên đã đáp chuyến bay từ Huế về TP.HCM vì dầm mưa, ngâm nước đuối sức và phải về nhà để giải quyết công việc tồn đọng. Cùng với việc cho biết sẽ trở lại miền Trung vào hai ngày tới, Thủy Tiên tâm tư rất nhiều khi “đông đảo người hâm mộ, bạn bè, thân hữu, nhà báo… gọi điện thoại cho cô cũng như nhắn tin rất nghiêm trọng”. Thủy Tiên nói: “Họ lo lắng cho mình, dặn mình nên khóa tài khoản lại, vì nếu không cẩn thận là coi như mất hết cả sự nghiệp tạo dựng. Mình nhận rất nhiều lời khuyên cân nhắc của các Facebooker, nhà báo về việc nên làm như thế nào để sử dụng số tiền minh bạch hiệu quả”.

Thủy Tiên: "Nếu vì việc từ thiện mà mất hết, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận"

Chính vì sự quan tâm quá lớn của mọi người về số tiền 100 tỉ đồng từ thiện nhận được lần này, Thủy Tiên đã trình bày một số quan điểm và nói rõ cách cô sử dụng số tiền từ thiện này như thế nào.

Thủy Tiên trong các hoạt động showbiz trước ngày bay ra miền Trung cứu trợ lũ lụt

Ảnh: BIL

Về ý kiến số tiền quá lớn nên cần 1 tổ chức cứu trợ như 1 bộ máy thu nhỏ để làm việc này hiệu quả hơn, hoặc giao cho 1 cơ quan chức năng nào đó để giải ngân tài chính minh bạch, hoặc thuê 1 bên thứ 3 nào để đi kiểm tra tài chính, Thủy Tiên bày tỏ sự cảm ơn và ghi nhận. Nhưng cô thẳng thắn cho biết: “Mình không làm theo được. Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng để làm từ thiện và làm theo một cách riêng để giúp đỡ cộng đồng. Việc tổ chức một bộ máy cồng kềnh càng làm rắc rối, mất thời gian họp hành rồi đưa ra quyết định. Nhỡ đâu trong bộ máy mình xây dựng nên, có người không đàng hoàng, gây ảnh hưởng đến tổ chức thì lại càng nguy hiểm, trở thành miếng mồi ngon cho các tổ chức phản động chống phá nhà nước, nên tuyệt đối tôi không thể!”.
Thủy Tiên giãi bày thêm: “Tôi chỉ là một cá nhân và Thủy Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua 1 tổ chức nào cả, và cũng không tạo ra 1 tổ chức nào cả. Tiền người dân gửi cho Thủy Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Thủy Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy đi chăng nữa. Nếu giao cho một cơ quan tổ chức nào thì khác gì tôi lừa họ?

Thủy Tiên bắt đầu thấy lo khi tiền quyên góp lên đến hơn 100 tỉ đồng

Sức tôi đến đâu tôi sẽ cố gắng làm đến đó, tổ chức bộ máy là công việc của nhà nước để giúp đỡ nhân dân, như dịch Covid-19 vừa qua hay là việc cứu hộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm bão lũ ở miền Trung đều là có công không nhỏ của nhà nước mình. Tôi đã đi ra hiện trường thực tế nên tôi thấy rõ điều đó. Vì thế tôi rất trân trọng họ. Nhà nước mình làm những việc lớn, họ chi ngân sách nuôi quân để bảo vệ đất nước, giữ yên bình Tổ quốc; còn công việc của một người dân nhỏ bé như mình thì chỉ là làm sao giúp được cộng đồng càng nhiều càng tốt, theo tinh thần lá lành đùm lá rách thế thôi".

Thủy Tiên cứu trợ tại Quảng Bình

Ảnh: Chụp từ clip livestream

Thủy Tiên chia sẻ thật lòng: “Lúc nghe nhiều người nói và lo lắng cho mình, sợ sẽ bị làm khó dễ khi cầm số tiền quá lớn, mình có gọi điện hỏi mẹ mình. Mình hỏi: “Con có nên đóng tài khoản không?”. Mẹ mình nói: “Thôi không phải đóng, bởi tiền bao nhiêu là cho đủ. Bao nhiêu người dân còn cực khổ, mình còn lo giúp nhiều người, con cứ để đó đi, bao nhiêu đó không đủ mà giúp người ta xây lại nhà cửa, mua giống làm ăn đâu, con cứ làm đúng thì tự khắc Trời Phật sẽ giúp mình, không phải lo”. Thực ra, mình hỏi thử lòng mẹ mình coi có sợ không, chứ với mình: “Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm!”. Chết mình còn không sợ thì những việc cỏn con này sợ gì mà không cố gắng được. Người ta sống trên đời khi chết đi không mang theo được gì cả, tiền bạc, danh vọng, địa vị, gia đình… Chết đi chỉ mang theo được cái gì người ta tạo ra bằng suy nghĩ hay hành động. Nên yêu thương được ai thì yêu thương, giúp được ai thì giúp. Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết, mình cũng vui vẻ chấp nhận, vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ”.

Thủy Tiên bị soi mói khi hỗ trợ người dân miền Trung, Lyly: Không công bằng cho chị!

Xoay quanh những ý kiến phản bác cho rằng việc trao tiền mặt cho người dân là không nên, chỉ nên giúp thức ăn cho họ, Thủy Tiên nói: “Tôi rõ ràng quan điểm, mục đích chính của mình là giúp tiền mặt để người dân tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Mình ngồi nhà qua báo chí thì nghe vậy thôi, chứ không đến thực tế tận nơi thì không thể hiểu được đâu. Tôi nói thật là người dân không đói đến mức không còn gì ăn, họ vẫn có hàng xóm giúp đỡ nhau, chính quyền địa phương một số nơi vẫn cố gắng gửi thức ăn cho người dân, mỗi hộ 4 gói mì/1 ngày. Tôi đã nhìn thấy một số nơi nguy hiểm, nước dâng cao trở tay không kịp, mất người và tài sản... Nước lũ dâng lên thì vài hôm cũng rút, nhưng cái mà tôi chứng kiến và ám ảnh chính là sự hoảng loạn của người dân khi họ mất hết tài sản, trôi hết đồ đạc nhà cửa… Các bạn có xem các clip tôi post không? Gia súc gia cầm họ vay ngân hàng để làm ăn, họ bảo mất hết rồi, tủi thân lắm. Cái chén cái nồi cũng không còn mà ăn; nóc nhà, cửa, giường chiếu, gia cầm, trôi mất hết rồi. Tôi đứng nghe họ nói mà khóc luôn. Vì thế, cái mà tôi có thể làm lúc đó là chỉ cho vài triệu đồng tiền chợ búa thôi, chẳng thấm vào đâu so với mất mát của họ. Cái được lớn nhất khi tôi có mặt ở đó là đưa cho họ một cái phao bằng những lời động viên. Thủy Tiên hứa là sẽ cho họ kinh phí để xây nhà lại cao hơn, cho họ một số tiền mua lại những cái đã trôi đi, cho vốn làm ăn để họ có thể tái thiết lập cuộc sống sau lũ. Đó là cái chính mà Thủy Tiên muốn làm, chứ không phải chỉ là đến cho vài triệu tiền chợ chữa cháy”.
Thủy Tiên tâm sự thêm về bản thân mình: “Tôi cũng từng khó khăn, cũng từng ước gì có ai cho mình tiền để mình ăn một cái bánh mì thịt hay một ly nước mía cho đỡ đói khát, cũng từng tủi thân khi không biết ngày mai mình sẽ sống ra sao, nên tôi hiểu khi mình quăng cho người ta một cái phao ngay lúc hoảng loạn, nó sẽ giúp cho người ta yên tâm và có động lực sinh tồn nhiều đến như thế nào”.

Thủy Tiên và Công Vinh lúc Công Vinh ra mắt cuốn tự truyện đời cầu thủ

Ảnh: BIL

Riêng ý kiến về việc chi tiêu minh bạch đến mức phải ghi ra từng khoản chi và phải có ê kíp theo làm việc này, Thủy Tiên nói: “Thật sự là tôi không đủ tiền để chi trả cho ê kíp làm việc này đâu ạ, đây là việc thiện từ tâm, tất cả những anh em đi theo Tiên đều có công ăn việc làm ổn định, không quen biết nhau, nhưng khi gọi thuê xe thì họ bỏ việc, không lấy tiền công, còn kêu gọi thêm anh em trong nhóm tình nguyện để giúp đỡ bảo vệ Thủy Tiên những lúc đông dân quá và những khi gặp phải tình hình thiếu kiểm soát. Để đi gom được hàng cứu trợ là cả một vấn đề lớn, các bạn gái giúp Tiên là các em sinh viên đại học, tình nguyện viên tại địa phương. Lũ lớn nên giao thông khó khăn, hàng hóa khan hiếm, chúng tôi phải chạy đi gom hàng từng đại lý lớn, siêu thị, đến những tiệm tạp hoá, tiệm thuốc nhỏ, vài chục thùng mì, 5-10 chai dầu gió mỗi nơi một ít mà thành đến con số hàng nghìn phần quà mỗi ngày. Vì thế, các chuyển khoản và tiền mặt chi tiêu nhỏ lẻ rất nhiều. Những hàng hóa này không thể mua từ công ty có hóa đơn chuyên nghiệp được. Hoặc khi cho tiền chợ, Tiên cũng phải nhìn mặt từng người và từng hoàn cảnh mới cho, và cho nhiều trường hợp như thế, hằng ngày bao nhiêu trường hợp gặp, nước cao vừa lo an toàn, vừa lo khiêng hàng hóa nặng, vừa phải chạy việc cho nhanh để giúp được nhiều người hơn. Nên không cách gì để mà thuê nổi người theo ghi rõ ràng từng khoản chút chút rồi về tính được. Cái lo của tôi là lo không biết mọi người có thể chia sẻ về vấn đề này giúp tôi để hiểu hay không mà thôi”.
Cô tiếp lời: “Mình ngồi nhà, nghĩ trên giấy thì việc nói thôi nó rất là đơn giản. Để làm được thì hãy đặt thử hoàn cảnh rồi mới thấy khó như thế nào, khi thời gian vừa hạn hẹp mà vài chục người chạy việc còn không xuể để giúp bà con; ăn trưa chỉ dám ăn vội cái bánh mì không trên xe sau khi làm xong việc. Hôm cuối cùng, chúng tôi ăn được bát mì tôm lúc đợi thuyền đón là bữa ăn ngon nhất trong tuần rồi. Làm gì đủ nhân lực thời gian, nên ý tưởng minh bạch đến chi li chi tiết , Thủy Tiên chắc với mọi người là chỉ có bộ máy trả lương chuyên nghiệp, mà còn chưa chắc làm được hay không”.
Hiện tại, Thủy Tiên đang gọi xin ngân hàng thống kê các khoản chi ra: “Vì số đầu vào quá nhiều, không giấy nào mà in nổi được hết các thông tin chuyển vào. Tôi nghĩ tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào, và mình xin số sao kê chi ra chi tiết, có đóng dấu ngân hàng, trên các khoản chi ra đó, tôi sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì, mục đích gì...”.

Thủy Tiên dành rất nhiều trăn trở, tâm trạng cho lần cứu trợ miền Trung này

Ảnh: BIL

Cuối cùng, Thủy Tiên khẳng khái: “Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỉ đồng thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng mà bản thân tôi thật sự thấy không biết là có đủ hay là không đủ để hỗ trợ sau lũ cho 3-4 tỉnh ngập lũ. Ngoài xây nhà, chúng tôi còn làm cầu cống, đường sá cho người dân ở vùng sâu vùng xa. Đợt lũ này đã cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được, phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người. Như đợt Covid-19 vừa rồi, Thủy Tiên mà có tiền là phát lương cho các anh chị em công nhân thất nghiệp để họ nuôi con nhỏ và cha mẹ già rồi. Lúc đó tôi chỉ có thể lo được cho một số gia đình quá khổ qua mùa dịch bằng cách chuyển tiền để giúp họ có cái ăn thôi. Mùa này ai cũng khổ đâu dám kêu gọi thêm. Thế nên thật sự tiền giúp dân không biết bao nhiêu là đủ đâu ạ. Tôi tin là nếu mình là một công dân tốt, biết giúp đỡ người khác, không làm gì trái pháp luật thì chính quyền nhà nước nào cũng ủng hộ cho mình cả, các bạn đừng lo nha!”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.