Tìm chỗ cho nghệ thuật đương đại Việt

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/01/2021 06:39 GMT+7

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam mong muốn có nhiều hơn các bảo tàng sưu tập tác phẩm nghệ thuật trong nước để công chúng dễ dàng tiếp cận.

Nghệ thuật trong rừng đến container

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã theo dõi các hoạt động mỹ thuật tại Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) suốt gần chục năm qua. Ở đó, liên tục có những trại sáng tác cho nghệ sĩ, cả hội họa và điêu khắc. Art in the Forest đã trở nên rất quen với công chúng qua các tác phẩm điêu khắc trong không gian khu nghỉ dưỡng Flamingo. Và từ 26.12.2020, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo (FCAM) đã chính thức ra mắt. “Họ tập trung các tác phẩm từng bảo trợ sáng tác tại đó để trưng bày. Cách thức trưng bày khá chuyên nghiệp. Lâu dài, họ cũng sẽ mua tác phẩm của nghệ sĩ đương đại nhiều hơn, và có thể kỳ vọng nhiều hơn. Đây là bước tiếp tục dự án 10 năm của Flamingo để lưu giữ tác phẩm có giá trị”, ông Đoàn chia sẻ.
Trong ngày khai mạc, nhiều nghệ sĩ đã có mặt tại bảo tàng để xem lại tác phẩm của mình và của bạn bè. Dự kiến, FCAM cũng sẽ được mở rộng diện tích và trưng bày thêm nhiều loại hình nghệ thuật ngoài giá vẽ khác. Các gian trưng bày của FCAM sẽ đặt trong lòng các container trong rừng thông. Họa sĩ Nguyễn Sơn, người từng tham gia sáng tác với
Art in the Forest, cho biết ông tin tưởng vào cam kết của những người tổ chức FCAM. Họ đã làm việc với nghệ sĩ mỹ thuật trong nước từ nhiều năm, truyền cảm hứng cho nghệ sĩ và đồng lòng đưa mỹ thuật tới gần công chúng hơn.
Rất hào hứng cùng các không gian trưng bày với ánh sáng thiết kế đẹp, các ngăn cách để bảo vệ tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Linh cho biết ông sẵn sàng cho FCAM mượn bộ sưu tập tranh của mình để trưng bày tại đây. Ông Linh hiện là nhà sưu tập có nhiều tác phẩm của danh họa Việt. “Tôi có thể cho FCAM mượn từng phần nhỏ để giới thiệu nghệ thuật Việt”, ông nói.

Hiu quạnh

Trong khi đó, phải thừa nhận việc sưu tầm, trưng bày tác phẩm của các họa sĩ đương đại tại nhiều bảo tàng còn đang rất kẹt. “Anh cả” trong việc sưu tập tác phẩm mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - hiện đang “yếu sức”. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến các tác phẩm đương đại và rất mong muốn sưu tầm nhưng kinh phí hạn chế. Có nhiều họa sĩ bên ngoài nổi tiếng và có tranh tốt nhưng không mua được vì thiếu kinh phí”.
Tìm chỗ cho nghệ thuật đương đại Việt1

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa có không gian riêng cho nghệ thuật đương đại

ẢNH: BẢO TÀNG CUNG CẤP

Cũng theo ông Minh, các bảo tàng mỹ thuật hiện nay còn rất khó khăn về cơ sở vật chất để bảo quản tác phẩm; để trưng bày, phát huy tác phẩm thì cũng chưa có cách gì. Với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, điều đó không ngoại lệ. “Với các tác phẩm sắp đặt hay video art chẳng hạn, do không gian bảo tàng chật hẹp nên việc trưng bày, trình chiếu rất khó khăn. Vấn đề là chưa có không gian, mà không gian cho nghệ thuật đương đại lại có nhiều yêu cầu về kỹ thuật hiện đại. Có những tác phẩm thể hiện cả ở âm thanh và ánh sáng”, ông Minh chia sẻ.
Về hiện trạng này, ông Lương Xuân Đoàn đánh giá kinh phí mua tác phẩm của các bảo tàng rất thấp. Trong khi tác phẩm của nghệ sĩ đương đại mua không dễ, giá cũng rất cao. “Có lần đi mua tác phẩm của một số anh em thời kỳ Đổi mới, thập niên 1990, tại TP.HCM mà có mua được đâu. Tôi nghĩ lâu nay tác phẩm đương đại vào bảo tàng không nhiều. Mà cũng không có không gian vì đã ấn định phòng bày rồi. Thỉnh thoảng thay tranh thì lấy ở kho ra để luân chuyển thôi. Còn lại đa số là bày cố định”, ông Đoàn nói.

Thay đổi tư duy, không gian

Giám tuyển Trần Lương cho biết việc bảo tàng ít mua được tác phẩm đương đại là vì chính tư duy của họ. “Nếu không có khái niệm đương đại trong đầu thì làm sao có chỗ cho tác phẩm đương đại”, ông Lương nói. Ông cũng cho biết thời kỳ tác phẩm của ông còn có giá có thể mua được, thì bảo tàng lại… ngại. Nhiều người cho rằng tranh của ông không có những nét hàn lâm theo kiểu Pháp. Những nét đó vốn quen thuộc với kiểu vẽ nét vần vũ chồng màu như tranh Monet, hay tranh Bùi Xuân Phái. Nếu người làm bảo tàng lấy điều đó làm chuẩn thì những người không theo cách đó không được chấp nhận.
Bỏ qua cơ hội ấy, tác phẩm của ông Lương sau đó đã lên giá rất cao và được nhiều nhà sưu tập cũng như bảo tàng nước ngoài mua. Những nghệ sĩ đương đại 8X giờ giá tranh cũng lên cao chất ngất. Chưa kể, có những bảo tàng nước ngoài còn đầu tư để gìn giữ và phát huy tác phẩm của nghệ sĩ Việt. Chẳng hạn, cách đây vài năm, dự án Mạo Khê (về công nhân mỏ than, 2001) của ông Lương đã được Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore hỗ trợ chuyển thành bản số.
Trước nguy cơ “chảy máu nghệ thuật” rõ ràng, ông Đoàn nói: “Tôi mong muốn sẽ có các cú hích từ các đại gia, nhà sưu tập khác sau khi FCAM ra đời để có thêm các bảo tàng nghệ thuật tương tự”.
Trong khi đó, ông Minh cũng cho biết hiện tại dù khó khăn và chậm chạp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đang tìm cách sưu tầm và giới thiệu tác phẩm nhiều hơn. “Bộ VH-TT-DL đang nghiên cứu để xây dựng không gian trưng bày ở cơ sở 2 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (nằm trên phố Hoàng Cầu). Kho lưu trữ cũng là một vấn đề. Hiện nay các tác phẩm hiện đại và đương đại của bảo tàng chưa phát huy được vì chưa có không gian”, ông Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.