Xác lập những kỷ lục thế giới mới
Tại cuộc hội ngộ, nhiều hạng mục quan trọng được trao tặng như 3 kỷ lục thế giới mới của Việt Nam do Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) xác lập; 10 Đĩa vàng cống hiến cho các giá trị kỷ lục được Viện Nội dung kỷ lục thế giới trực thuộc WorldKings trao tặng; 4 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập; trên 30 kỷ lục Việt Nam mới được ghi nhận và trao bằng; VietKings trao tặng biểu tượng Hoa tre cho các kỷ lục gia tiêu biểu...
1 trong 3 kỷ lục thế giới mới của Việt Nam thuộc về Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long (sinh năm 1974), tốt nghiệp thạc sĩ khoa kiến trúc tại một trường đại học ở nước ngoài - Người đầu tiên sáng tạo và tái hiện các mô hình về nhiều công trình di sản kiến trúc nổi tiếng trên thế giới bằng nghệ thuật BOARC. Anh đã phát minh ra loại hình nghệ thuật đặc biệt này từ năm 2015, là sự kết hợp giữa vật liệu cổ truyền Việt Nam là cây giang (họ tre) và công nghệ laser trên các tấm acrylic. Các công trình bằng tăm giang do anh Long thực hiện: chùa Một Cột (Việt Nam), Điện Capitol (Mỹ), tháp đồng hồ Big Ben (Anh)... liên tục được mời trưng bày tại các triển lãm uy tín trong nước và quốc tế, được người xem thán phục bởi khả năng sáng tạo, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Trong đó Nhà Quốc hội Mỹ tỷ lệ 1/100 được làm từ 250.000 cây tăm với hơn 750.000 lỗ khoan, mất 7 tháng thi công, đã được chọn để trưng bày ở bảo tàng lớn tại Mỹ. Anh Long mong muốn có thể thương mại hóa các sản phẩm của mình, từ đó mời những người khuyết tật tham gia ở khâu lắp ráp tăm vì đây là công việc tỉ mỉ, nhẹ nhàng mà người khuyết tật có thể làm được, từ đó xây dựng một trung tâm việc làm cho người khuyết tật để họ cùng tạo nên những công trình lớn hơn, ấn tượng hơn.
|
Người thứ hai là kỷ lục gia
Võ Thị Kim Hoàng - Nam Hương - Người phụ nữ sở hữu 13 bộ sưu tập đa dạng chủng loại nhất được sưu tầm trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm nay ở tuổi 73, bà đã có hành trình 53 năm miệt mài sưu tập các hiện vật ở 100 quốc gia trên thế giới. Bà từng thiết lập tới 15 kỷ lục Việt Nam với 13 bộ sưu tập đa chủng loại, như bộ sưu tập đồng hồ đeo tay với 5.273 chiếc, trong đó có 9 chiếc Patek Philippe cao cấp được cấp “khai sinh” từ chính hãng đồng hồ Thụy Sĩ; bộ sưu tập ấm trà với 1.050 chiếc; bộ sưu tập dây thắt lưng với 2.016 chiếc; 5.273 chiếc khăn choàng; đặc biệt là bộ sưu tập 4.225 con tem từ 133 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 29 con tem từ 30 năm đến trên 100 năm).
Bà Kim Hoàng mong muốn sớm tổ chức các cuộc triển lãm hoặc xây dựng một bảo tàng về thời trang, nghệ thuật tư nhân, là nơi lưu giữ và quảng bá các giá trị di sản văn hóa của quốc gia và thế giới thông qua các hiện vật lịch sử đa dạng về phong cách, phong phú về nguồn gốc, chất liệu, và những tính năng, đặc trưng.
Ngoài ra, kỷ lục Bộ sưu tập bonsai và tiểu cảnh mini với số lượng lớn nhất thế giới đã thuộc về Nguyễn Văn Phúng, một chuyên gia xây dựng sinh vật cảnh, hiện đang sống và làm việc tại Nha Trang. Sau khi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, ông bắt đầu thực hiện việc trồng và tạo nắn những tác phẩm bonsai và tiểu cảnh các giống cây, hoa để khách đến đây thưởng ngoạn. Sau hơn 15 năm dày công thực hiện, bộ sưu tập hiện có 5.631 chậu bonsai và tiểu cảnh mini được làm theo các chủ đề: hang Sơn Đoòng, Tam Cốc Bích Động, chùa Hương, tháp Rùa hồ Gươm...
|
Biến tài nguyên kỷ lục thành tài sản giá trị
Bộ môn Siêu trí nhớ ghi nhớ những dãy số lên tới 300 số, 500 số chỉ áp dụng được cho rất ít người. Làm sao để bộ môn này giúp ích tốt nhất cho học sinh Việt Nam, để các em học tập một cách nhẹ nhàng nhất và trở thành bí kíp phục vụ cho số đông và xã hội? Từ ý tưởng của ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc VietKings, chương trình huấn luyện trí nhớ, não bộ và cơ thể đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện với sự hướng dẫn của kỷ lục gia thế giới - TS Biswaroop Roy Chowdhury; đồng thời giao nhiệm vụ cho kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Siêu trí nhớ toàn cầu tại Việt Nam Nguyễn Phùng Phong thực hiện với sứ mệnh Mang tinh hoa Việt Nam ra thế giới - Mang tinh hoa thế giới về Việt Nam.
Năm 2019, cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam đầu tiên được triển khai trở thành nền tảng cốt lõi để hình thành nên dự án Siêu trí nhớ học đường. Khởi động là công trình xuất bản Siêu trí nhớ học đường do Nguyễn Phùng Phong cùng đội ngũ Tâm Trí Lực và Tổ chức Trí nhớ Việt Nam thực hiện, ra mắt trong cuộc hội ngộ Hoa tre. Công trình là thành quả của 6 năm trải nghiệm thực tế, nghiên cứu, đúc kết những phương pháp, kỹ thuật ghi nhớ kiến thức trong học đường, trở thành một hệ thống hỗ trợ hiệu quả cho các em trong các môn học. Bên cạnh cuốn sách sẽ có một phần mềm học tập chuyên sâu do các giảng viên, thầy cô giáo và đội ngũ Siêu trí tuệ, Siêu trí nhớ Việt Nam, cộng đồng Outliers Camp phối hợp thực hiện, hoạt động 24/24, nhằm hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc của các bạn học sinh, đồng thời trao đổi các phương pháp học tập, ghi nhớ các kiến thức học đường hiệu quả nhất. Các bạn học sinh cũng có thể đề xuất hoặc thêm các yêu cầu mới để được hỗ trợ tối đa cho việc học tập.
“Dự án là sự nâng tầm giá trị của các kỷ lục nhằm “biến tài nguyên kỷ lục thành tài sản có giá trị”. Trong đó anh Nguyễn Phùng Phong là đại diện cho tinh thần sẵn sàng bứt phá, tích hợp sức mạnh và bản lĩnh để ứng dụng và thực hành, thực chứng kết quả của cộng đồng kỷ lục. Chỉ có sự nỗ lực như vậy, kỷ lục mới không dừng lại ở một danh hiệu mà từ đó sớm phát hiện, bồi dưỡng những tài năng tại Việt Nam, bởi giá trị của kỷ lục chính là những tinh hoa và tinh hoa chính là thành tựu cốt lõi để lại cho cộng đồng, cho xã hội và lưu lại cho thế hệ mai sau...”, ông Lê Trần Trường An chia sẻ.
Bình luận (0)