Trên trang cá nhân, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết: “Tôi yêu tiếng nước tôi” là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt có một cách là không chen tiếng nước ngoài một cách lố lăng. Chúng ta dạy học sinh, dạy trẻ nhỏ cố gắng dùng tiếng Việt đúng, hay. Vậy mà một chương trình đang phát trên VTV3 thế này đây!”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyên cho hay, ông phản đối cách đặt tên chương trình như vậy. “Tại sao lại không dùng hoàn toàn là tiếng Việt? Có thể đặt tên chương trình là Ngày xưa ngộ phết, chẳng hạn thế. Cái tên vẫn ý nghĩa mà vẫn rất bắt tai”, ông nói.
Ông Nguyên cho rằng, việc chen từ nước ngoài vào tên chương trình như vậy rất phản cảm. Ông cũng không hiểu nổi vì sao VTV lại đặt tên chương trình như vậy, trong khi, ngay sau chương trình Ngày xưa Chill phết, họ lại phát sóng chương trình Vua tiếng Việt. “Chương trình này chả phải để cổ vũ mọi người yêu, hiểu và dùng tiếng Việt cho đúng, cho hay sao”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, chúng ta từng có thời gọi là “ông tây An Nam” tức là chen tiếng Pháp vào câu tiếng Việt, như dùng cách xưng hô toa (toi - tôi) - moa (moi - cậu). “Những bậc đi trước đã cố gắng loại trừ hay có công chuyển ngữ nhiều từ tiếng nước ngoài. Ngôn ngữ tiếng Việt rất đa dạng, không phải thiếu từ, mà do chúng ta không chịu tìm”, ông Nguyên nói.
Dưới chia sẻ của ông Nguyên trên trang mạng cá nhân, có những ý kiến đồng tình với ông, cho rằng cách dùng từ như vậy “dở dở ương ương”, người thì “không hiểu “chill” là gì”. Nhà phê bình Ngô Thảo bình luận: “Sử dụng tiếng Việt trên truyền hình quốc gia là vấn đề nên bàn nghiêm túc!".
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc bắt bẻ từ “chill” có phần hơi khắt khe, bởi “chương trình dành cho lứa tuổi nào thì ngôn ngữ cũng phải linh hoạt để thu hút”, hay “chương trình hướng đến đối tượng trẻ thì tên đặt cho trẻ trung, đúng với tính chất”…
Bình luận (0)