Triển lãm trưng bày theo dạng tổ hợp - nhóm các hiện vật liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng, bao gồm khoảng 100 hiện vật gỗ sơn thếp có niên đại thời Lê, Nguyễn tiêu biểu.
Có 4 nhóm hiện vật được trưng bày tại triển lãm. Nhóm hiện vật Phật giáo gồm các tượng Tam Thế phật, tượng phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng Hậu; hương án, sập thờ cùng các hoành phi câu đối. Nhóm hiện vật ban thờ thần gồm hương án, khám thờ, ngai thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa. Nhóm hiện vật ban thờ gia tiên, gồm hương án, khám thờ, hộp đựng bài vị, bình, lọ hoa, cùng các hoành phi câu đối có nội dung phù hợp. Nhóm các hiện vật khác gồm những hiện vật có kích thước nhỏ phù hợp trong các dàn tủ trưng bày như thuyền thờ, mõ, tượng nghê, kiếm thờ, đôn, hộp, bình phong...
Bên cạnh đó, phòng trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh và công cụ, dụng cụ, các công đoạn của nghề làm vàng quỳ, nghề làm đồ sơn thếp như chàng, đục, giấy bản, búa, sơn, chổi. Trưng bày cũng sử dụng một số hình ảnh tư liệu, phim tài liệu về các làng nghề truyền thống đồ sơn thếp như làng làm vàng quỳ Kiêu Kỵ, làng nghề sơn thếp Sơn Đồng. Những đoạn tư liệu này cho biết quá trình chế tác, nguyên liệu, dụng cụ sử dụng trong quá trình chế tác đồ sơn thếp.
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, những dấu tích đồ gỗ sơn son đã xuất hiện trong văn hóa Đông Sơn từ 2.000 năm trước, sau đó cũng phát triển suốt chiều dài lịch sử, rực rỡ nhất là thời Lê, Nguyễn. Đồ gỗ sơn thếp với nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng của vàng cùng những đề tài trang trí sinh động mang ý nghĩa tốt lành, cao quý gắn liền với những nơi tôn nghiêm như cung đình, thờ tự.
Bình luận (0)