Truyền nhân bánh tráng phơi sương

Giang Phương
Giang Phương
29/01/2019 14:32 GMT+7

Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh) được lưu truyền suốt hơn 1 thế kỷ qua trở thành nét văn hóa ẩm thực nổi tiếng, độc đáo bậc nhất của người dân nơi đây.

Giai thoại về bánh tráng phơi sương

Ngày nay, nghề làm bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng tập trung nhiều nhất ở KP.Lộc Du, xã Gia Lộc (H.Trảng Bàng). Theo những tài liệu nghiên cứu của tỉnh Tây Ninh, nghề làm bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng xuất hiện từ thế kỷ 18. Xung quanh nguồn gốc về bánh tráng phơi sương có nhiều giai thoại khác nhau. Trong đó, tương truyền hơn 100 năm trước, có một gia đình đưa nhau từ miền Trung vào đất Trảng Bàng, Gia Định (nay thuộc Tây Ninh) khai hoang lập ấp và sinh sống. Họ lấy nghề làm bánh tráng truyền thống và bánh tráng nướng để mưu sinh. Một hôm, cô con dâu vì quá mệt nên khi gom bánh đã để quên hai vỉ bánh nướng ở ngoài vườn. Sáng ra cô bị mẹ mắng vì tiếc của. Người chồng vì thương vợ nên đã gỡ những chiếc bánh nướng phơi qua đêm và hái mấy đọt rau xanh cặp bờ sông để mang vào ăn. Không ngờ rằng chiếc bánh ấy lại có vị ngon lạ thường khiến ai cũng đều thích thú. Từ đây, công thức bánh tráng phơi sương Trảng Bàng bắt đầu được truyền đi.
Công đoạn phơi bánh Ảnh: Giang Phương
Công đoạn tráng bánh Ảnh: Giang Phương
Ngày nay món bánh tráng phơi sương được duy trì thành món món đặc sản tại các quán bánh tráng, bánh canh nổi tiếng ở TT.Trảng Bàng như Năm Dung, Hoàng Minh, Sáu Liên, Út Huệ...

Chuyện những người giữ lửa cho xưởng hấp

Chiếc bánh phơi sương ra đời vốn phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ với những đôi bàn tay cực kỳ khéo léo của nhiều người. Thế nhưng, bí quyết làm ra loại bánh độc đáo này vẫn được những truyền nhân ở Trảng Bàng lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.
Nối nghiệp nghề làm bánh tráng phơi sương truyền thống, lò làm bánh tráng của 2 vợ chồng bà Đặng Thị Trang (45 tuổi, ở KP.Lộc Du, TT.Trảng Bàng) vẫn đỏ lửa hằng ngày ngót nghét gần 20 năm qua. Hiện gia đình bà Trang là một trong số những gia đình hiếm hoi còn tráng bánh bằng thủ công nên vẫn giữ được hương vị nhiều năm qua.
Tỉ mỉ tráng từng chiếc bánh tráng, trắng tròn, bốc mùi thơm lừng của gạo lên vỉ bánh bằng tre, bà Trang cho biết để có được cái bánh tráng ngon, mang đặc trưng riêng thì bột phải được làm từ gạo lúa mùa ngon, vo sạch rồi đem ngâm 2-3 tiếng cho mềm mới đem xay.
Lúc pha bột, nhớ phải cho thêm một ít muối để bánh được mềm, trắng và có độ dai. Lúc tráng, nước hấp phải thật sôi, đồ tráng bánh phải thật nhẵn để bánh không bị sướt, rách. Bánh được tráng tuần tự thành 2 lớp cách nhau 5-10 giây nhưng phải đủ độ mỏng rồi đậy nắp trong 30 giây mới đem ra vỉ tre. “Khi mới vào nghề làm bánh tráng, suốt hơn 3 năm trời tôi chỉ học tráng loại bánh mỏng cho thạo tay rồi mới tráng được loại bánh 2 lớp được như bây giờ”, bà Trang kể lại.
Thời gian đem bánh tráng ra phơi từ lúc hé nắng cho đến khoảng 10 giờ sáng. Do đó, các lò làm bánh thường phải làm từ khuya. Khi bánh khô sẽ được tháo ra khỏi vỉ để bắt đầu cho công đoạn nướng, sau đó phơi sương để trở thành món đặc sản độc đáo cho xứ Trảng Bàng.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bánh tráng phơi sương không chỉ được đánh giá là một món ăn đặc sản mà còn mang một giá trị khoa học rất lớn với nét văn hóa ẩm thực rất riêng và độc đáo chỉ có ở địa danh Trảng Bàng, Tây Ninh. Bởi bản thân nghề làm bánh tráng phơi sương đã phản ánh sự sáng tạo của con người trong văn hóa ẩm thực. Cái tạo nên sự khác biệt của bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là được tráng đến 2 lớp, sau khi phơi nắng, nó được mang đi nướng và cuối cùng mới đến phơi sương. Từ năm 2016, nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.