Tuổi xế chiều những nghệ sĩ vang bóng một thời

13/10/2014 06:00 GMT+7

(TNO) Nhiều nghệ sĩ một thời vàng son của ngày trước giờ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Có người vẫn còn sức khỏe dẻo dai đến kỳ lạ, người lâm cảnh đau yếu bệnh tật và cơ cực đến nhói lòng, nhưng cái tình cảm thiêng liêng với nghệ thuật vẫn là hơi thở giúp họ vui sống và trân quý từng phút giây tuổi chiều tà..

Kỳ 1 - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Tuổi 90 sống bằng những dư âm


Clip: Tuổi xế chiều của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online 

Chúng tôi đến thăm nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào một buổi sáng tháng 10. Thấy có khách đến, mặc dù đang khá mệt nhưng ông vẫn vội nhờ người thân dìu ra phòng khách…

Sống với dư âm

Tiếng nhạc bài Dư âm phát từ chiếc máy cát-sét đã dìu dắt chúng tôi đến nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm trong một con hẻm trên đường Trần Khắc Chân (Q.1, TP.HCM) như tách biệt khỏi những âm thanh ồn ã bên ngoài.

 

Nghề sáng tác mang đến cho tôi nhiều cái quý hơn tiền

Hiện tại, thu nhập của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phần lớn đến từ tiền tác quyền, 3 tháng lãnh một lần với số tiền hiện tại khoảng 3-4 triệu/tháng. “Ngày xưa sáng tác, tôi không lấy một đồng nào, có chăng là được người ta cho ăn bữa cơm hay đi  một chuyến xe. Sau này nhờ có tiền bản quyền mới sống được qua ngày. Đôi khi cũng cảm thấy tủi thân vì sinh ra kiếp người trót đeo mang cái nghề này. Nếu làm nghề khác có khi kiếm được nhiều tiền hơn, sung sướng cái đời mình. Thế nhưng, cái nghề này mang đến cho tôi nhiều cái quý hơn cả tiền”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ.

Thấy chúng tôi đến, vị nhạc sĩ già vội nhờ con rể đỡ ra phòng khách. Những chuyển động chậm chạp nhưng đầy vẻ gấp gáp như thể nỗi cô đơn không để ông chờ thêm phút giây nào nữa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là tác giả nổi tiếng với những ca khúc như Dư âm, Mẹ yêu con, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Dáng đứng Bến Tre... Thế nhưng, ở tuổi xế chiều, ông chỉ có thể tìm vui từ những dư âm của chính mình.

Người vợ đầu sinh cho ông một cô con gái thì qua đời. Người vợ thứ hai là bà Bạch Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, cũng bỏ ông mà đi gần 10 năm nay. Gần 90 tuổi, cái tuổi mà đáng ra người ta được an hưởng tuổi già bên con cháu thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại sống trong nỗi cô đơn và chịu sự hành hạ của bệnh tật.

Ông có hai người con. Người con đầu sống tại Hà Nội. Cô con gái thứ hai là nghệ sĩ piano Thái Linh thì sống cùng gia đình tại TP.HCM. Anh Nguyễn Thành Tư, chồng nghệ sĩ Thái Linh và cũng là người kề cận chăm sóc ông những ngày qua, cho biết hai vợ chồng anh từng đưa nhạc sĩ về sống chung nhưng chỉ được 1 tháng, ông đã đòi trở lại nhà mình vì… buồn chán và không quen.

Với vị nhạc sĩ già, căn nhà cũ kỹ, bốn bức tường hoen ố, bộ ấm chén ố vàng cùng chiếc máy cát-sét cũ từ lâu đã là những người bạn tri âm tri kỷ giúp ông vui vầy sống qua tuổi già.

 Ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm trong một con hèm trên đường Trần Khắc Chân, Q.1, TP.HCM
Căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm trong một con hẻm trên đường Trần Khắc Chân,
Q.1, TP.HCM

Giờ đây mỗi ngày từ 5 giờ sáng, anh Nguyễn Thành Tư dậy nấu nước, cho bố vợ uống thuốc, ngâm chân, lau mình. Đến 7 giờ thì có người đến cho ông ăn và xoa bóp. Ngoài ra, còn có một người giúp việc đến nấu ăn cho ông. Thời gian còn lại đều do người con rể lo liệu.

Anh Tư cho biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã hai lần bị tai biến mạch máu não. Cách đây hơn 1 tháng, ông còn bị té khiến việc đi lại hết sức khó khăn, phải nhờ đến gậy và người dìu. Cũng vì bị tai biến mà từ đó nhạc sĩ không được phép sáng tác nữa theo lời bác sĩ.

Niềm vui của ông là hằng ngày nghe lại những sáng tác của mình bằng chiếc máy cát-sét. Trong căn phòng chỉ rộng chừng 10m2 vẫn còn treo đầy những bằng khen, giấy khen, giải thưởng âm nhạc, những bức ảnh cùng cây đàn tì bà như niềm an ủi của vị nhạc sĩ lừng danh ở tuổi xế chiều.

Ông bảo tuổi già khó tìm người bầu bạn. Những học trò ngày xưa chẳng mấy khi đến thăm. Anh em đồng nghiệp mỗi người một nơi, ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng nên những cuộc chuyện trò cũng vơi dần. Hướng đôi mắt đỏ hoe ra ngoài song cửa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lẩm nhẩm những câu hát trong bài Dư âm:

Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ

Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ

Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió

Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời

Những mối tình khắc cốt ghi tâm

Dư âm là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là bài hát gắn liền với câu chuyện tình đầy day dứt của ông. Bằng giọng chậm rãi, ông kể lại như thể trước mắt là cuốn phim chiếu chậm.

“Ngày đó tôi được người bạn dẫn đến nhà chơi cốt là để giới thiệu cho tôi cô chị 22 tuổi. Thế nhưng khi cô em xuất hiện tì cằm lên chiếc ghế, hướng đôi mắt đen láy nhìn tôi thì tôi như người mất hồn. Tuy nhiên, vì thời đó con gái 18 tuổi mới được phép nói chuyện yêu đương trong khi cô em chỉ mới 16 tuổi nên tôi đành nén lại tình cảm của mình. Sau đó vào một đêm trăng, tôi lại tình cờ nhìn thấy cô em ngồi ngoài thềm hong tóc, sau đó ôm đàn khẽ hát. Hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi viết bài Dư âm với những câu hát Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ… Tôi yêu tiếng hát đó và yêu cái dư âm của tiếng hát”.

 Những bằng khen, giấy khen, giải thưởng được nhạc sĩ treo trang trọng trong nhà

Những bằng khen, giấy khen, giải thưởng được nhạc sĩ treo trang trọng trong nhà 2
Những bằng khen, giấy khen, giải thưởng được nhạc sĩ treo trang trọng trong nhà

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng cho biết ông tâm đắc nhất là câu Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ, thế nhưng nhiều ca sĩ vẫn hay hát sai từ “êm” thành từ “trong” làm mất đi ý nghĩa mà ông muốn gửi gắm.  “Hình bóng cô ấy lúc nào cũng trong tâm trí tôi dù tôi chưa bao giờ thổ lộ điều gì với cô ấy”, vị nhạc sĩ trầm ngâm.

Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tình yêu không cần phải nói ra nhưng vẫn đủ để khắc cốt ghi tâm. Những người phụ nữ, những mối tình thầm lặng vẫn thường phảng phất trong các sáng tác của ông với tất cả yêu thương và cả sự day dứt.

  Ca khúc Dư âm gắn với nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Ca khúc Dư âm gắn với nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Hình ảnh cô gái 16 tuổi sau đó không chỉ xuất hiện trong ca khúc Dư âm mà một lần nữa phảng phất trong ca khúc Một ánh sao trời mà ông vẫn gọi là Dư âm 2 khi một lần tình cờ bắt gặp một cô gái có đôi mắt đen láy giống hệt cô gái năm xưa.

“Dù cô ấy đã mất nhưng vĩnh viễn vẫn còn hiện hữu trong tâm tưởng của tôi. Tình yêu đó còn mãi mãi dù đã gần 60 năm trôi qua”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ.

 Ảnh chụp chung cùng nhạc sĩ Phạm Duy
Ảnh chụp chung cùng nhạc sĩ Phạm Duy

Ông cũng khẳng định: “Trời sinh ra người phụ nữ là thiên thần của nhân loại nên người phụ nữ đáng để tôn thờ. Đã yêu thì phải tôn thờ chứ không được mạt sát, vùi dập người ta”.

Đối với tình yêu là vậy nhưng khi nói về tình người trong xã hội, vị nhạc sĩ lại lắc đầu ngao ngán: “Không ít ca sĩ bây giờ bạc lắm. Họ không biết tình nghĩa là gì, kiếm được tiền thì mua xe, xây nhà lầu, sẵn sàng vứt trăm triệu cho những cuộc vui. Cũng có những người có lòng nhưng không giúp được vì họ còn phải lo cho cuộc sống của họ. Còn những người có tuổi như tôi nói tới lễ nghĩa thì quý trọng vô cùng”.

 Chiếc giường nơi nhạc sĩ nghỉ ngơi. Căn phòng đã được dọn dẹp lại gọn gàng hơn lúc trước để tiện cho người đến thăm
Chiếc giường nơi nhạc sĩ nghỉ ngơi. Căn phòng đã được dọn dẹp lại gọn gàng hơn
lúc trước để tiện cho người đến thăm

Nói đoạn, ông “khoe” vừa được ca sĩ Cẩm Vân mua tặng chiếc đệm mới. Các ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Tùng Dương, Đồng Lan… gần đây cũng đến thăm, hát cho ông nghe. Nhiều khán giả, người hâm mộ từ các nơi cũng đến thăm, tặng quà khiến vị nhạc sĩ được an ủi phần nào.

Ông bảo cuối đời không mong gì hơn, chỉ mong được yên ổn và sống trong tình cảm của mọi người…

 Niềm vui của ông là hằng ngày nghe lại những sáng tác của mình từ chiếc radio
Niềm vui của ông là hằng ngày nghe lại những sáng tác của mình từ chiếc cát-sét

 Con rể đỡ ông nằm nghỉ
Con rể đỡ ông nằm nghỉ

 Ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm trong một con hèm trên đường Trần Khắc Chân, Q.1, TP.HCM
Bác sĩ đến khám bệnh cho ông tại nhà

 Ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm trong một con hèm trên đường Trần Khắc Chân, Q.1, TP.HCM
Nhạc sĩ nằm trên giường, để con rể đút cơm vì tay ông run, không cầm nổi vật gì

Thiên Hương
Ảnh: Độc Lập
Clip: Thanh Hải - Thiên Hương

>> Nghệ sĩ lão thành được 'cưng'
>> Nghệ sĩ già Mạc Can ra đảo
>> Nghệ sĩ già xin miễn thuế
>> Chuyện của một nghệ sĩ già
>> Nghệ sĩ "già" đắt sô nhất miền Tây
>> Vang bóng một thời: Trường Sơn - lấy đình làm nhà
>> Vang bóng một thời: Thanh Hải - Vua Tao Đàn câu cá hưởng già
>> Vang bóng một thời: Kim Hương - nàng Tiểu Loan "Bên cầu dệt lụa
>> Vang bóng một thời: Thanh Nguyệt - Từ giải Thanh Tâm 1965
>> Vang bóng một thời: Tấn Tài - Hoàng đế đĩa nhựa
>> Những huyền thoại vang bóng một thời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.