Văn nghệ sĩ chia buồn trước sự ra đi của vợ cũ nhà thơ Phạm Thiên Thư

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/11/2019 13:51 GMT+7

Sáng nay 16.11, thi hài nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị, vợ cũ của nhà thơ Phạm Thiên Thư đã được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa (TP.HCM) trong sự tiếc thương của gia đình và những người bạn yêu văn chương.

Thi sĩ Mai Trinh Đỗ Thị, vợ cũ nhà thơ Phạm Thiên Thư là con gái nhà văn Hoàng Ly với những tác phẩm kiếm hiệp đường rừng nổi tiếng của Việt Nam. Bà từng được nhà thơ Phạm Thiên Thư nhận xét như 'bản sao' của nhân vật chính Ngày xưa Hoàng Thị: "Cô này quê ở Hải Dương, như chính nhân vật trong bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của tôi. Họ giống nhau như hai giọt nước".
Dù đã sinh cho ông ba người con và thường đi bên cạnh như một đồng nghiệp tài hoa nhưng cuối cùng cuộc tình đẹp của họ cũng đành… gởi lại, với nỗi đau như trong những câu thơ bà Mai Trinh Đỗ Thị thổ lộ: "Gửi anh sợi tóc/ Gói khăn mang về/ Anh ơi tóc bạc/ Có trắng lời thề/ Xin anh giữ lấy/ Ấm tình đêm khuya…".

Nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị lúc còn trẻ

Đạo diễn, nhà văn Lê Văn Duy có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị, thậm chí có hai lần ông còn mời bà đóng phim. Ông kể: “Tôi quen nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị khá lâu, lúc tôi chơi thân với nhóm văn thơ trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM, như: Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Ung Ngọc Trí... trong những buổi hàn huyên tại quán 81 Trần Quốc Thảo. Chỉ biết nhà thơ nữ hiền hòa, giọng nói nhỏ nhẹ pha giọng miền Bắc - Sài Gòn này thường thù tạc với nhóm văn thơ trẻ và luôn có mặt tại bất cứ nơi nào họ mời đến. Rồi sau đó tôi còn biết Mai Trinh thường đăng thơ trong các tạp chí của Mặc Tuyền, Minh Triết xứ Cần Đước nên tôi quen”.
Từ mối lương duyên ấy, khi Lê Văn Duy bắt tay vào nghiên cứu kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để làm phim Thời thơ ấu, ông bỗng dưng nhớ đến nhà thơ nữ hiền hòa Mai Trinh Đỗ Thị. Đạo diễn Lê Văn Duy kể tiếp: “Vậy là tôi mời Mai Trinh vào vai ma sơ trong nhà thờ Cù lao Giêng. Và tôi không hiểu làm thế nào nữ diễn viên nhập vai rất thánh thiện này, lại thuyết phục được vị linh mục cai quản Cù lao Giêng cho phép đoàn phim quay trong nhà thờ, và còn cho đoàn phim mượn tất cả những cổ vật linh thiêng đang lưu trữ. Tôi xúc động nhất là Mai Trinh phải mang theo cháu nhỏ đi suốt với đoàn phim kéo dài trong 5 tập phim, trong suốt thời gian quay tại An Giang ngay trong mùa nước nổi, và để tranh thủ những ngày không đóng phim, Mai Trinh dành thời gian dạy chữ cho cô con gái nhỏ...”.
Sau này, từ thành công của vai ma sơ trong bộ phim Thời thơ ấu, Mai Trinh được Lê Văn Duy mời tham gia đóng phim Nàng Hương cũng do ông làm đạo diễn. “Tôi nhớ cô nói: 'Em chỉ đóng phim anh Duy thôi. Vì em nghĩ anh là nhà văn'. Tôi thật sự xúc động trước câu nói thân tình này. Không chỉ có vậy. Khi tôi về thành phố làm giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Mai Trinh còn tin cậy gửi con trai vào làm công nhân viên hãng phim tôi", đạo diễn Lê Văn Duy tâm sự.

Đồng nghiệp tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của nhà thơ

Nhà thơ lúc tuổi già

Sau này gặp lại, Lê Văn Duy có nghe số bạn văn thơ thì thầm: "Mai Trinh đang mắc bệnh nan y nhưng vẫn hồn nhiên giao du với bạn hữu thân quen tại TP.HCM, dù lúc đó cô sống tận xứ biển miền Trung", đạo diễn càng cảm thấy thương cho bà nhiều hơn.
Nghĩ về người đã khuất, nhà thơ Lê Thị Kim cảm động: “Chúng tôi vừa đau đớn mất đi một nhà thơ cực kỳ đáng yêu là Mai Trinh Đỗ Thị. Một nhà thơ có một giọng thơ dịu dàng đôi khi đầy cảm xúc, đau đáu nỗi đau nhưng vẫn cuốn hút bởi những nồng nàn trong chất giọng: Một cõi mộng, Đỉnh trời gió hú, Mai em theo chồng… và còn nhiều tập thơ khác nữa của chị. Tôi vẫn nhớ mãi khuôn mặt trắng thơm của Mai Trinh. Với những câu nói nhỏ nhẹ, nhõng nhẽo: “Có thương Mai Trinh không? Không thương là tui buồn lắm đó à nhe, rồi cười một cái, rồi ôm vai hun một cái. Đó là cách mà chúng tôi gõ vào trái tim nhau khi bất chợt gặp nhau, để làm sao mà quên được. Ôi, cái giọng nói giọng cười thật hồn nhiên và rất lãng tử. Thương lắm Mai Trinh ơi...”.

Bài thơ Mê lộ của nữ thi sĩ được bạn bè yêu thích chia sẻ

Trên trang facebook cá nhân của mình, nhà văn Bích Ngân cũng có nhiều chia sẻ với người đồng nghiệp mà chị yêu quý bằng những dòng cảm động: “Đọc bài thơ Mê lộ của nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị, ngực tôi như cồn cào những đợt sóng. Những câu thơ chỉ có thể đánh đổi cả cuộc đời sống chết với yêu thương mới có thể tạc nên. Một khối đau sừng sững. Một nỗi đau tinh chiết từ vô vàn những cơn đau: ‘Ta với người uống cạn cả dòng sông/ Sao cây trái trong hồn chưa hết đắng?/ Tình đã đi qua mùa yên lặng/ Những lá vàng trút xuống mảnh vườn câm...’.
Và chiếc lá vàng cuối mùa ấy cũng đã yên nghỉ. Vĩnh biệt thi sĩ tài hoa Mai Trinh Đỗ Thị.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.