“Nghìn trùng xa cách. Người đã đi rồi. Sẽ nhớ mãi nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương, một người bạn thân thiết với gia đình tôi hơn nửa thế kỷ qua ...”, đó là những tâm sự đầy nỗi niềm của nhà thơ - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi viếng người đã khuất lần cuối. Tác giả Ăn tết trong rừng chó sói từng có thời gian ở chung khu tập thể báo Nhân Dân với nhà văn Trần Thanh Phương từ thời Mỹ ném bom miền Bắc, rồi làm đồng nghiệp với ông suốt những năm sau này tại TP.HCM.
|
Nhà thơ - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Vì là đồng nghiệp với ba mẹ tôi nên tôi phải gọi bằng chú, dù ông chỉ hơn tôi 15 tuổi, còn cô Hương vợ ông hơn tôi 11 tuổi. Tôi thích nhà văn Trần Thanh Phương vì ông thường ví von căn nhà chất chứa tài liệu sưu tầm, kho tàng tích lũy kiến thức của mình là thư viện không cần thẻ. Ai cũng có thể vào xem được. Tôi cũng thích cái ý niệm 'kiến tha lâu đầy tổ' của ông và cái cách ông thân thương gọi người vợ, người đồng nghiệp của mình là 'con kiến thứ hai' đã cùng ông – 'con kiến thứ nhất' – bao năm trời chuyên chở vun đắp kiến thức vào trong cái tổ ấy. Hai vợ chồng ông không giàu, không có con, và chỉ chuyên tâm đi tìm nhân vật, tìm báo chí để sưu tầm".
|
Những bộ sưu tập quý giá
Được biết, trong nửa thế kỷ qua, nhà báo Trần Thanh Phương cùng vợ đã thực hiện sưu tầm 150 hình ảnh, bút tích các nhà thơ, nhà văn, được trích chọn trong 700 chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam, và cắt báo dán hơn 120 tập tư liệu báo chí. Trong hơn 38 năm trực tiếp làm báo, ông viết hơn 1.000 bài và xuất bản 33 cuốn sách về văn học nghệ thuật, khảo cứu, hồi ký và sưu tầm biên soạn.
Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất, nhà thơ - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tiết lộ: “Đó là vào tháng 5.2018, tôi được ông mời đến dự tiệc kỷ niệm đám cưới vàng – 50 năm ngày cưới – của ông. Và một lần nữa, tôi được chứng kiến câu chuyện cảm động của một đôi vợ chồng nhà báo, nhà giáo suốt 50 năm, khi họ đã vượt qua 'một thời đạn bom, một thời hòa bình' từ những năm 1960 của thế kỷ trước đến lúc đã bước sang tuổi 70, 80... vẫn tìm cách vượt lên bệnh tật, sống lạc quan yêu đời và viết không ngưng nghỉ. Cũng trong dịp này, ông còn khiến mọi người khâm phục khi cho ra mắt cuốn sách mới biên soạn Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (tựa sách dựa theo một câu thơ của nhà văn Sơn Nam)”.
|
|
|
|
Còn nhà văn Trầm Hương thì chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên với người anh lớn Trần Thanh Phương: “Khi về công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, tôi gặp anh Trần Thanh Phương hằng ngày vì cơ quan tôi và báo Đại Đoàn kết rất gần nhau. Tôi nhớ ngày con gái đầy năm, anh tặng cây viết và con gái bốc cây viết ấy trong cái khay đề nhiều vật dụng. Anh nói Kỳ Nam sẽ làm nghề viết giống mẹ. Giờ thì đúng vậy thât, con gái học piano, rồi sáng tác âm nhạc, viết văn, nghiên cứu âm nhạc... Vì vậy mà khi gọi cho con ở xa báo tin chú Phương mất rồi, con gái lặng đi, rồi nói: Sao nhiều cô chú ra đi quá vậy mẹ. Mỗi lần con về nước là vắng đi nhiều người!''.
|
Nhà văn Hoài Hương cho biết: “Sinh thời nhà văn Trần Thanh Phương là người sưu tập lưu giữ những bài báo, tờ báo và chính ông là người khuyên tôi tập hợp những bài phỏng vấn các nhà văn đăng trên Văn nghệ Trẻ , Văn nghệ..., in thành sách và cuốn Trò chuyện văn chương của Hoài Hương đã được xuất bản từ ý tưởng này của ông. Dù biết ông bị bệnh nặng, vẫn nghĩ đến một ngày biệt ly mà sao khi hay tin lại buồn tha thiết. Cảm giác như mất đi một người thầy, người bạn vong niên tri âm tri kỷ.”
Vĩnh biệt nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương, nhạc sĩ Quỳnh Lệ vô cùng trân quý người anh đã dành cả cuộc đời để lưu trữ, sưu tập và lưu giữ nhiều trang báo, nhiều tư liệu về nghề cho cuộc đời này. Chị nhắn nhủ nhẹ nhàng: “Mong anh an yên thanh thản trong cõi vô cùng. Đường về nhà má không còn xa thăm thẳm... như những trang sách anh viết”.
Hiện tang lễ của nhà văn - nhà báo - kỷ lục gia Việt Nam Trần Thanh Phương đang được tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3).
Bình luận (0)