Tôi chỉ có một, hai người Thầy như vậy, và anh Hoàng Ngọc Biên là người Thầy đầu tiên, ảnh hưởng sâu đậm nhất.
Không chỉ có tôi, những anh em đồng môn thời đó như Đỗ Trung Quân, Bùi Đình Lâm, Đoàn Mẫn, Nguyễn Nhật Ánh, Cao Tuân, Nhã Bình... đều dành cho anh tình cảm, lòng biết ơn sâu đậm nhất, như một tình cảm thiêng liêng của đời mình. “Học trò ông Hoàng Ngọc Biên”, với chúng tôi giá trị hơn nhiều tấm bằng cấp khác có thể đạt được trong đời.
Nhiều tờ báo lớn VN giai đoạn 1980 - 1990 có được format, cái tên báo vững chãi, chuyên nghiệp và những bài dịch giá trị từ anh, trong đó phải kể đến Thanh Niên. Thanh Niên có được kỷ niệm giá trị nhất của anh Biên là cái manchette báo vững vàng và những đóng góp lớn của anh từ những ngày đầu. Nơi đó, cả Nhã Bình, tôi và anh Đoàn Mẫn đã gắn bó ngày đêm trong tòa soạn, vui buồn cùng với nó. Anh cũng xem tờ báo như một điều gì luôn gần gũi nhất với mình. Anh trân trọng, xúc động với những tập báo đóng bộ được gửi sang như những kỷ niệm đẹp đẽ một thời.
tin liên quan
Vĩnh biệt 'Trùm Sò' - Nghệ sĩ ưu tú Giang ChâuNgày ngày, hai vợ chồng tôi đạp xe đến căn nhà nằm trong con hẻm lớn đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ - TN), hì hụi ngồi cắt dán, kẻ vẽ, minh họa và vẽ maquette tay cùng với cả nhóm. Anh Biên khó tính, kỹ lưỡng nhưng lại không giống một ông thầy ở điểm anh vui nhộn, hài hước cùng với chúng tôi và cũng chia sẻ, giúp đỡ từng đứa khi gặp chuyện tai ương.
Anh khó tính nhưng cũng thông cảm và “yêu” cả những “khuyết điểm” của bọn tôi, như anh Quân thì “kẻ cái đường bằng thước thôi cũng không thẳng được”; hay anh Mẫn thì rụt rè hay e thẹn như cậu học trò nhỏ; Lâm, Tuân thì kỹ và khó tính như ông cụ... Tôi là nữ duy nhất trong nhóm, lại có con mọn, và cũng cố gắng “chăm chỉ” nên chắc anh thương tình? Anh còn ủng hộ, khuyến khích chuyện tôi mày mò làm sân khấu thể nghiệm thời kỳ đầu ở Sân khấu 5B, anh đi xem từng vở, trân trọng những sáng tạo của học trò.
Ở căn nhà đó, như cái “xưởng” vận hành của nhiều tờ báo, tạp chí thời ấy, chúng tôi còn được ăn những bữa cơm đầy không khí gia đình, nóng hổi ngon lành của chị Thu Hồng, người bạn đời tuyệt vời nhất của anh.
Chính ở ngôi nhà đó, chúng tôi cũng được biết hoặc gặp nhiều nhân vật nổi tiếng khác về văn chương, bởi anh Biên không chỉ là họa sĩ trình bày báo. Nhiều tờ báo giai đoạn đó phải cậy nhờ đến anh trong mảng bài dịch văn chương. Anh viết, làm thơ và dịch rất nhiều. Anh được coi như ngòi bút chuyên khảo về M.Proust ở miền Nam trước năm 1975, người khởi đầu nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman (Tiểu thuyết mới) của Pháp.
Trước khi đi định cư ở Mỹ năm 1991 theo gia đình, anh “phân công công tác” cho từng đứa học trò vào các tòa soạn mà anh từng cộng tác từ bước đầu tiên: Thanh Niên, Điện Ảnh, Thế Giới Mới...
Sang Mỹ, dù không còn trẻ, anh vẫn đi học ngành máy tính cùng với hai con. Đến năm 1993, anh vào làm việc cho tờ báo Salt Lake City Weekly với vai trò Art Director (Giám đốc mỹ thuật) đến năm 1998. Năm 1999, anh chuyển qua làm Production Coordinator (Điều phối sản xuất). Ở tuổi nào, anh cũng luôn là Thầy của tôi về sự học tập và làm việc.
Anh Biên còn sáng tác nhạc. Bản Hồ thu mới đây của anh được ca sĩ trẻ Ngọc Mai, gốc Quảng Trị, giảng viên Nhạc viện TP.HCM, trình bày.
Mấy năm gần đây, thầy trò chỉ còn nói chuyện với nhau trên Facebook. Anh yếu nhiều nhưng vẫn đăng bài, tác phẩm đều đều và vẫn “like” những tấm hình của tôi đăng về chuyện dạy học của mình, đặc biệt là các lớp dạy thiết kế báo chí, và những tấm ảnh digital, cũng là niềm đam mê của anh: tranh digital.
Em vẫn giữ nguyên niềm tin yêu với nghề của mình, và ngọn lửa được đốt lên từ anh, anh Hoàng Ngọc Biên! Dù từ nay, những người yêu mến anh đã thôi không còn nghe thấy tiếng anh, thấy anh dù trên Facebook. Anh vừa qua đời vào ngày 16.5.2019 tại San Jose (Mỹ) ở tuổi 81.
Cầu mong linh hồn anh ra đi bình an. Mọi người luôn giữ những điều ấm áp nhất về anh...
Bình luận