Vườn chùa - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

25/08/2016 16:00 GMT+7

Thuyền nhận được cuộc điện thoại từ số lạ vào một ngày đầu thu. Số lạ mời về chơi hội làng, cũng nhân dịp này khánh thành chiếc chuông lớn của chùa.

Làng ba năm mở hội một lần, mà lại vào mùa thu, không như các hội làng khác tổ chức đầu năm, khi giêng hai ngày dài tháng rộng. Mẹ Thuyền bảo một ngày có người nói chùa làng là một trong những ngôi chùa cổ cuối cùng trên đất Bắc còn tồn tại đến ngày nay nhưng hiềm nỗi chùa không có chuông. Chiếc chuông chùa đã bị kẻ gian lấy bán phế liệu từ mấy chục năm rồi, nay phải đúc một chiếc chuông thật lớn. Người hưởng ứng đông lắm, có nhà còn cung tiến cả nhẫn vàng, dây chuyền, lắc cổ chân, lắc cổ tay vàng để đúc chuông. Người cung tiến nhiều nhất là Hùng Thọt.
Hùng Thọt chính là chủ số điện thoại lạ, đã gọi cho Thuyền hôm trước.
***
Thuyền từng ước mình dành hẳn một ngày cho sự cô độc. Dành hẳn một ngày, tức là ngồi trong vườn chùa, không làm gì cả, chỉ chìm đắm trong lạnh lẽo, cô quạnh.
Đến bây giờ, Thuyền vẫn cho rằng một phần ký ức cô độc còn sót lại đâu đó trong lòng mình mà dù cố tình Thuyền cũng không gạt nó đi được. Người ta gọi đó là một kiểu ẩn ức. Sao không dưng lại mơ một ngày cô độc, ở tại nơi đó, với không gian trầm buồn hoang lạnh đó? Ước thì cứ ước vậy, chưa lần nào Thuyền từ bỏ được những việc quanh mình để thực hiện, ngay cả việc về làng, đi qua vườn chùa cũng gấp gáp, như sợ điều gì ở đó, dù suốt thời thơ ấu Thuyền đã lớn lên ở vườn chùa.
Mẹ bảo có một chỗ nương thân là tốt rồi. Mẹ không thể như con thuyền không bến, cứ dật dờ trôi trên sông mà không thể nào níu vào bến đậu. Những lời an ủi của mẹ thực ra không mấy tác động đến Thuyền, vì Thuyền còn quá nhỏ, không hiểu chuyện gì, và không biết gì để sợ. Ngày nào Thuyền cũng chơi chuyền, đồ hàng, thả đỉa ba ba với Tú Lệ và Hùng Thọt trong vườn chùa, dưới bóng cây thị cao lớn xum xuê cành, và mùa thu thì quả lúc lỉu chín vàng, thơm nức. Chơi chán, mệt, ba đứa nằm soài lên thảm cỏ xanh mướt, nghe xôn xao tiếng chim trong lá, trong gió. Lớn thêm chút nữa, Thuyền mới biết mình là con gái của dòng sông. Vào một mùa thu nọ, khi thị vườn chùa chín đầy cành, mẹ bế Thuyền lên bờ, xin làng cho ở nhờ trong ngôi chùa nhỏ, mà vị sư già coi sóc đã mất hai năm trước, chưa có người thay thế.
***
Thuyền định hỏi “Tú Lệ có về không?”, nhưng lại chần chừ, không hỏi. Đã lâu rồi Thuyền tự cho phép mình không quan tâm, không còn mối liên hệ nào với hai người đó. Tất nhiên, trong lòng Thuyền dường như vẫn có một sự ngóng trông lặng lẽ. Những lúc mỏi mệt và muốn rũ bỏ đồng thời với việc muốn dành trọn một ngày cho sự cô độc, Thuyền lại nghĩ về hai người ấy, tự hỏi điều gì đã xảy ra với họ.
Hùng Thọt đã trở thành một đại gia. Nghe mẹ kể, mỗi lần Hùng về làng đều không chỉ có một chiếc xe hơi sang trọng do một chân dài miên man lái phục vụ Hùng, còn có hai, ba chiếc xe khác của bạn Hùng. Họ về để tiệc tùng, vung tiền, khoe mẽ hay đơn giản chỉ là hưởng chút thú quê mùa. Làng vẫn bình yên, vẫn lũy tre soi bóng nước, vườn chùa vẫn cây thị xum xuê, chở đầy tiếng hót của muôn loài chim nhỏ.
Nếu ngày ấy Thuyền và Hùng lấy nhau thì sao nhỉ? Thuyền không biết nữa. Hai mươi năm, Hùng đã thành đại gia. Thuyền chỉ là một công chức nhỏ. Quần áo, váy vóc có thể khiến Thuyền khác hình ảnh cô gái quê quần loe áo thụng năm nào nhưng Thuyền vẫn là một phụ nữ giản đơn, ngày ngày đến công sở, tối tối trút mình vào mớ trách nhiệm với chồng, con và những mối quan hệ tẻ nhạt. Còn Tú Lệ? Chưa bao giờ Thuyền chủ động hỏi, dù không ít lần suýt buột miệng hỏi, như khi Thuyền đã định làm thế lúc Hùng gọi mời về làng dự hội.
Mẹ không muốn Thuyền kết hôn với Hùng, đơn giản vì Hùng... thọt. Lúc lọt lòng mẹ, người ta tưởng đứa bé bị cụt chân. Một chân của nó chỉ ngắn ngang bắp chân kia. Đứa bé lớn lên, bị lũ trẻ làng xa lánh, trêu chọc. Trẻ con thường ác độc một cách vô ý, chúng không biết, và có lẽ không cần biết những lời nói khiến người khác tổn thương. Thuyền cũng muốn ác độc như chúng, nhưng Thuyền không thể. Thuyền là đứa bé từ dòng sông bước lên sống nhờ vườn chùa. Trẻ con trong làng, hễ cứ đi qua cổng chùa là bỏ chạy.
Tú Lệ là con cháu một nhà có thế lực trong làng, nhưng vẫn bị trẻ con làng bỏ rơi, vì chúng sợ.
***
“Chắc Thuyền không tin, nhiều lúc anh... à, tôi cảm thấy thèm nghèo”.
Đêm hội chính, khắp sân, vườn chùa sáng rực hoa đèn. Khi hội làng mở, vào sáng sớm ngày hội chính người ta sẽ tổ chức lễ rước kiệu thành hoàng từ đình, đi vòng quanh làng trong tiếng trống đánh thì thùng, rồi ghé vào sân chùa làm lễ, sau đó rước về lại đình. Người ta bảo là đưa thành hoàng làng vào chùa lễ Phật. Sau tất cả những nghi lễ đó, dân làng tổ chức các trò chơi hội và nhà nào cũng làm vài ba mâm cỗ, mời họ hàng, bạn bè thân thích đến dự. Không khí lễ hội tưng bừng rộn rã, vì lúc này, khi mùa lễ hội đầu năm đã tan, khắp vùng trên vùng dưới chỉ còn làng của Thuyền mở hội. Dân quanh vùng cũng kéo đến tìm vui, không kém phần náo nức.
Năm nào làng mở hội, Thuyền cũng về, nhưng chỉ về và ra chùa thắp hương trong chốc lát, rồi bỏ lên thành phố. Thuyền bảo bận, nhưng trong lòng Thuyền sợ. Thuyền biết, lễ hội nào Hùng cũng về, chỉ không bao giờ thấy Tú Lệ. Thuyền không hỏi ai về họ, đúng hơn, không có điều gì về họ mà Thuyền muốn biết. Thuyền sợ những điều Thuyền muốn biết.
Lần này là Thuyền không tránh được. Hùng đã trực tiếp gọi điện mời Thuyền về. Vì lần này Hùng làm một việc quan trọng lắm. Chiếc chuông chùa là ý tưởng của Hùng, phần lớn tiền cho chiếc chuông ấy là Hùng bỏ ra, cả dây chuyền và nhẫn, lắc tay và lắc chân. Hùng làm một việc quan trọng, Hùng muốn Thuyền chứng kiến. Là vì, ngày còn thơ bé, khi ba đứa chơi trong vườn chùa, Thuyền cứ ao ước chùa có một chiếc chuông, để chiều chiều Thuyền đánh chuông, tiếng chuông ngân trong gió.
Chiếc chuông đã được đúc xong, phủ vải đỏ, đợi giờ lành để được ngân lên. Hùng mời Thuyền uống trà trong vườn chùa. Vườn chùa bây giờ đã được lát gạch sạch bong, lá cây thị thả vàng trên gạch. Hùng bảo cảm giác thèm nghèo là có thật, nó chỉ xuất hiện khi một người đã giàu mà từng nghèo.
Hùng yêu Thuyền, nhưng lại cưới Tú Lệ. Việc đó khiến làng ngạc nhiên. Chuyện Hùng và Tú Lệ chơi thân với nhau đã khiến làng lấy làm lạ, giờ chúng lại cưới nhau. Sao bảo Hùng yêu Thuyền cơ mà. Ra là tình tay ba, tình giông bão, tình trái ngang nên sau khi cưới, Hùng và Tú Lệ dắt nhau đi. Đi đâu, chẳng ai biết.
Thuyền cũng muốn khóc cho mối tình giông bão của mình, nhưng chỉ khóc được một lần, duy nhất, trong vườn chùa, dưới gốc thị xanh um. Lần đó Thuyền khóc, nhưng số nước mắt chưng lại giỏi lắm chỉ ba giọt. Ba giọt đắng cay và chua xót.
***
Mẹ bảo, Hùng bị thọt chân là do nghiệp chướng. Ông nội Hùng, vì thua bạc mất hết đất đai nhà cửa, phải ra Quang Sú dựng nhà. Quang Sú là thẻo đất thừa ven làng, trước nay phủ toàn bóng cây dại và cỏ xanh, ngày thường không ai lai vãng, ngay cả trâu bò cũng không ai thả. Đó là nơi chôn xác những đứa trẻ chết yểu trong làng, từ cổ xưa, đến lúc đào lên thì số mộ trẻ con có đến cả trăm.
Đào lên, là vì không thể dựng nhà trên cả trăm ngôi mộ trẻ con được. Không ai biết họ đã làm thế nào, chỉ sau ba đêm trăng sáng, tất cả số xương cốt đào lên đều đã được chuyển đi. Một ngôi nhà được dựng, rồi cây cối được trồng xuống, vườn tược xanh lên, nếp sống bình thường, cho đến khi Hùng được sinh ra, Hùng bị thọt một chân.
Hùng bị bạn bè xa lánh, chỉ còn biết chơi với Thuyền và Tú Lệ. Thuyền là đứa trẻ từ sông lên, Tú Lệ là cháu nội của cụ Phiệt. Cụ Phiệt chính là kẻ thắng bạc, đã thẳng thừng đuổi người ta ra khỏi nhà, đến nỗi phải đào mộ trẻ con đi lấy đất dung thân.
Thuyền đã quên mất rồi, quên việc Hùng được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất từng chôn những đứa trẻ chết non bao đời của dân làng. Bây giờ, nơi đó mọc lên một ngôi nhà lớn, cổng lớn khang trang. Bây giờ, muốn vào nhà Hùng người ta phải bấm chuông, phải xin phép... những con chó nhe nanh dữ tợn. Nhà ấy, giờ bán đi cũng phải có giá hàng chục tỉ đồng. Mẹ Thuyền bảo những mảnh đất dữ, nếu hợp mệnh với chủ nhà, sẽ khiến chủ nhà làm ăn phát đạt.
Dù có phải trả giá bằng một nỗi bất hạnh ư?
***
“Tớ có thai rồi. Cậu tha tội cho tớ, chỉ vì...”.
Đến giờ, Thuyền vẫn thấy một khối lờm lợm trong cổ họng mỗi khi nghe thấy cụm từ ấy, cụm từ “có thai”. Mà cuộc sống thường ngày nhan nhản, Thuyền không có cách nào tránh được, cũng chẳng ai để tâm có một người bị hai từ có thai ám ảnh, mà tránh nhắc. Đứa trẻ Thuyền không bao giờ thấy ra đời ấy đã tách Thuyền ra khỏi hai người bạn của Thuyền, một người Thuyền rất yêu, người còn lại Thuyền rất thân...
Thuyền sẽ đi, không dự lễ khánh thành chuông chùa. Thuyền đã về đây, đã nhìn thấy chiếc chuông phủ vải đỏ, đã gặp Hùng, người đã đổi thay tất cả, chỉ thú nhận đôi khi có cảm giác “thèm nghèo”. Lối về thành phố phải qua sông. Thuyền dừng lại trên cầu, nhìn dòng sông lặng chảy. Thi thoảng Thuyền vẫn tự hỏi tại sao cha Thuyền, gia đình bên nội không bao giờ đi tìm Thuyền. Hay là họ có đi tìm mà không thấy. Lẽ nào họ không biết trong một đêm, dưới ánh trăng trong, mẹ đã bế Thuyền lên bờ, đã từ giã kiếp thuyền chài lênh đênh của họ.
Mẹ tái hôn với một người đàn ông góa vợ trong làng, nên mới đưa Thuyền rời khỏi vườn chùa. Mẹ bảo, trước khi chi tiền lát gạch vườn chùa, Hùng đã cho di dời những ngôi mộ trẻ thơ mà năm xưa cha ông Hùng đã gửi chôn trong vườn chùa, để hy vọng Phật từ bi cứu giúp linh hồn những đứa trẻ bất hạnh đó. Suốt thời thơ ấu, ba đứa đã chơi quanh những ngôi mộ đó, đã nghe ngàn tiếng chim hót trong vòm lá thị. Có thể linh hồn những đứa trẻ đã hóa thân thành những con chim nhỏ hoặc chúng chẳng hề có ở đó, chúng đã đầu thai làm kiếp khác lâu rồi.
Những ngôi mộ trẻ con trong vườn chùa đã được xây tử tế trong một nghĩa trang nhỏ, cũng do chính Hùng bỏ tiền đầu tư. Hùng nhiều tiền lắm, Hùng có tất cả, chỉ không Thuyền, không Tú Lệ. Người làng bảo Hùng bán Tú Lệ cho một đại gia để lấy chỗ làm ăn. Đại gia lại bán Tú Lệ cho một đại gia khác. Tú Lệ đi qua bao tay đại gia. Nàng rất đẹp, nàng chỉ không trở lại vườn chùa.
Thuyền không muốn biết. Thuyền chẳng bao giờ muốn biết. Chỉ biết những khi mỏi mệt và buồn, Thuyền vẫn tin hình như mình vừa mới đi ngang qua hai người bạn cũ, từng có một tuổi thơ lặng lẽ trong vườn chùa bình yên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.