Suất diễn cuối cùng - Truyện ngắn của Nguyên Hương

Ba cây cột trồng theo thế hình tam giác. Bắt đầu từ cột giữa. Leo lên với vận tốc rùa, đột ngột trượt xuống rồi quơ tay chụp ở chỗ gần sát gốc của cột bên cạnh, rồi leo lên với tốc độ nhanh dần và rơi xuống lại chỗ cũ, lần này là cột bên trái.

Tăng dần liều lượng tốc độ cho đến khi anh sựng lại trong tư thế trồng cây chuối, hai tay chống trên đỉnh của hai cột hai bên, cái đầu song song với cột giữa. Khán giả sẽ vỗ tay vang dội vì tưởng vậy là xong, nhưng không, họ còn phải giật thót người vì anh đột ngột tuột cực nhanh xuống theo chiều trồng cây chuối cho đến khi đỉnh đầu gần chạm mặt đất và lúc đó anh mới lộn hai chân về vị trí đứng để nhận tràng pháo tay lần này náo động hơn, vang dài bất tận.
*
Xe chở đoàn xiếc tiến vào thị xã trong trận gió cuốn bụi và lá cây cùng rác rưởi xoáy lông lốc. Tiếng răng rắc sát sạt. Tài xế vừa chửi thề vừa đạp nghiến thắng - từ bên dưới đám lá lùm tùm của cái cành vừa gãy rạp xuống, bông gòn bay tung tứ tán.
Tài xế hạ cửa kính, thò đầu nhìn ra chỗ cành gãy lỉa chỉa nhọn hoắt.
Trong khi cả xe đang đợi nghe vài câu mắng vốn của chủ cây bông gòn thì bọn nhỏ túa ra, tóc đứa nào cũng bám đầy bông gòn trắng xóa, gió thổi tung vạt áo lộ những cái rốn lồi và lưng quần xộc xệch quanh hông.
- A, đoàn xiếc thủ đô!
Cứ ở nơi khác đến là của thủ đô. Cứ rực rỡ lấp lánh là của thủ đô.
- Có voi không hả chú?
- Có - Anh hề ồm ồm trả lời và thò đầu ra cửa, trên mũi đã kịp dán một cái vòi voi màu vàng cam tươi rói.
Bọn trẻ lại “a” lên, mắt híp lại vì cười hơn là vì gió bụi, những đốm bông gòn trên tóc rung rung. Chủ nhân của cây bông gòn cũng cười, ông ở trần, cũng hở rốn, mớ tóc muối tiêu xù lên như lông nhím.
- Không sao không sao - Ông chủ cây bông gòn xua tay.
Tài xế thở phào nhấn ga. Cơn gió cuồng nộ hơn…
- Mưa - Một người thốt lên.
- Gió mạnh thế này có khi lại tạt mưa về hướng khác.
- Kiểu này không mưa thì thôi, còn thì trút nước là cái chắc.
Trưởng đoàn nhăn nhúm mặt mày. Anh hề rung rinh cái mũi vòi voi:
- Cá cược không?
- Cược gì?
- Ai mưa? Ai không mưa?
- Tất cả mưa. Trưởng đoàn không mưa.
Cả xe cười ồ.
- Tôi cũng không mưa - Anh buột miệng.
- Không cần cậu an ủi - Trưởng đoàn cau có và móc điện thoại ra nói như hét - Thời tiết thế này thì chuyển vào sân khấu nhà văn hóa đi nhé?
Trưởng đoàn chưa biết và cũng chưa ai biết, tối nay là lần cuối cùng anh đứng trên sân khấu.
*
Cơn hoành hành ma mị của gió. Thà là mưa ào xuống, khỏi nhấp nhổm, khỏi chờ đợi, để người ta chấp nhận ngay điều không thể. Còn cái kiểu phập phù khiến ai nấy thấp thỏm, cả diễn viên lẫn khán giả, rồi đùng một cái, tới sát giờ thì òa mưa. Lèo tèo vài khán giả co ro cóng róng ướt át vì đã lỡ đi ra khỏi nhà. Suất diễn cuối cùng của anh hôm nay là như vậy, thấy trước được. Mà tối qua, sau cuộc trò chuyện, vợ chồng anh lại nổi cơn mơ mộng về lần cuối cùng tỏa sáng giữa sân vận động hoặc quảng trường, cho dù vẫn là giá vé đồng hạng...
Chiếc xe tiến vào khuôn viên nhà văn hóa, cảm giác nguội lạnh trùm lên anh. Vợ anh, nhiều lần cãi cọ vì những chuyến lưu diễn mà tiền lương đem về chẳng được bao nhiêu, đã thốt lên cái nghề xiếc này không thể dài lâu với những diễn viên cỡ xoàng như anh. Nàng nói đã tìm được cho anh một chân bảo vệ cơ quan. Hãy bắt đầu lại như vậy đã, sau đó đi học hàm thụ. “Rồi anh cũng chỉ là một công chức cỡ xoàng thôi”, anh độp lại. “Một công chức cỡ xoàng rất khác với một diễn viên cỡ xoàng”, nàng thẳng thừng. Tiết mục leo cột mỡ từng đưa anh lên đỉnh vinh quang đã là quá khứ rồi, bây giờ chỉ là những chuyến lưu diễn làng nhàng. Hoặc là danh tiếng hoặc là tiền, cả hai anh đều không.
Và suất cuối cùng này cũng không níu kéo được gì. Rõ ràng. Lẽ ra mình phải cảm thấy trước. Nghệ sĩ mà không cảm thấy được thì quả là cỡ xoàng. Anh rùng mình trước ý nghĩ cái từ này của nàng được hiểu theo nghĩa khác mà lúc này anh mới thấu.
Lục tục xuống xe. Anh lùi xa vài bước, khoanh tay nhìn mọi người ngước nhìn trời bàn bạc phỏng đoán. Như một người ngoài cuộc, anh quay lưng bước đi.
*
Hình như mọi thị xã vùng sâu đều ôm quanh một ngọn đồi giữa lòng của nó. Hồi đó, chuyến nào anh cũng chụp ảnh. Cho đến khi vợ anh kêu lên “Tấm nào cũng giống nhau”. Làm sao phân biệt sự khác nhau của những ngọn đồi. Làm sao phân biệt được sự khác nhau của những phố thị vùng cao. Tấm ảnh nào cũng hiện con đường cong cong uốn quanh những nhấp nhô mái ngói mái tranh vườn rau đan xen và thấp thoáng những cái gùi. Rồi anh cũng thấy nó giống nhau. Y hệt. Như những chuyến lưu diễn của anh.
Anh leo lên, leo lên, leo lên... Gió phần phật qua vạt cỏ xanh rì, màu xanh đáng ngạc nhiên giữa xơ xác. Chọn một chỗ ngồi tránh gió thốc vào mắt, anh nhìn xuống, toàn cảnh thị xã hiện ra xám xịt và cơn gió tàn bạo khiến những căn nhà như đang trôi, vài chiếc xe đạp thồ hối hả xiên xẹo nhìn như trong phim hoạt hình.
- Chú ngồi tránh ra giùm cháu.
Anh quay lại. Một thằng bé da nâu cháy, tay lăm lăm cái liềm. Nó lặp lại câu nói và phân bua:
- Vạt cỏ này là của cháu.
Anh bật cười. Có vẻ như nó đã từng bị phản đối quyền sở hữu đối với vạt cỏ này. Nhích người ra xa, anh nhìn cánh tay gầy nhanh nhảu lia cái liềm, cỏ đứt sát gốc nằm rạp xuống thành từng lớp. Bông gòn mắc giữa những lá cỏ nhìn như hoa sắp tàn. Chừng đã đủ, thằng bé bỏ liềm xuống và cột cỏ thành bó. Chạm phải một cây cỏ gai, nó nhăn mặt lôi cái cây ra và gí dưới chân. Đưa ánh mắt anh, nó giải thích:
- Nhà cháu chỉ nuôi thỏ thôi.
- Con gì không chê cỏ gai?
- Con dê. Nuôi dê sướng lắm chú. Dắt nó lên đồi cho chạy rông một hồi rồi dắt về là xong bữa. Mấy năm trước nhà cháu nuôi dê nhưng năm nay nhà hàng dưới xuôi lại đòi thỏ. Họ nói nhà hàng đặc sản dê mở ra nhiều quá.
- Nhiều quá thì phải cần nhiều dê hơn nữa chứ?
- Nhiều quá thì lãi ít.
Thằng bé nói bằng giọng rành rẽ khiến anh bật cười:
- Vậy rồi lại có nhiều nhà hàng đặc sản thỏ thì sao?
- Mẹ cháu cũng đang sợ vậy. Mẹ nói mai kia tìm được trứng khủng long về mà nuôi. Lúc đó không sợ gì nữa.
Dáng vẻ cố chững chạc giữa gió bời bời khiến tóc nó dựng đứng lên.
- Cháu tin là có trứng khủng long không?
- Ti vi nói đã tìm được trứng khủng long rồi còn gì.
Anh thú vị nhìn ngực thằng bé ưỡn ra, như cùng với cái ti vi nó biết được tất cả trên đời.
- Nhưng mà... - Thằng bé nhíu hai cánh mũi lại.
- Nhưng mà sao?
- Nhưng mà cháu sợ không có ai dám làm đầu bếp cho cái món khủng long.
Nó cười phá lên. Tinh quái, lém lỉnh. Anh bật cười theo. Bụi theo gió thốc vào miệng khiến anh vội ngậm lại.
- Chú ở đoàn xiếc phải không?
- Sao cháu biết?
- Cháu biết.
- Cháu thích xiếc không?
Mỗi diễn viên được có một giấy mời hai chỗ ngồi. Thường thì anh tặng cái giấy mời này cho các cô phục vụ nhà khách hoặc ai đó có thể gặp lại. Hôm nay, anh sẽ tặng cho thằng bé tình cờ này. Hẳn cu cậu sướng điên, ngập tràn tự hào được quen với một diễn viên trong đoàn. Hẳn cậu sẽ khoe ầm lên khắp nơi.
- Không.
Câu trả lời cụt lủn và dứt khoát như một cú đấm. Thằng bé đứng lên, tay này ôm mấy bó cỏ, tay kia cầm cái liềm. Không có tay nào chìa ra hớn hở cầm cái giấy mời anh đưa.
- Các đoàn đến đây đều diễn đểu - Thằng bé mím môi - Ti vi diễn khác hẳn.
Nó quày quả đi, dáng hờn giận của kẻ bị lừa dối. Rồi nó ngoái đầu lại, đôi mắt nheo tránh bụi nhìn như một ông già:
- Hôm nọ hội chợ cũng thế. Dưới xuôi mang hàng lên đây quảng cáo ngon lắm, có cả nấu nướng tại chỗ cho ăn không lấy tiền. Thế mà mẹ cháu mua một hộp xúc xích mang về đến nhà đã hỏng mất rồi. Bố cháu nói hàng hết đát.
Nói xong nó bĩu môi. Rồi đột ngột bằng một cú lộn người, hai bàn chân móng vàng khè quặp bó cỏ giơ lên không, miệng cắn cái cán liềm, hai bàn tay chống trên mặt đất đầy sỏi di chuyển dần xuống chân đồi.
Anh nhìn theo thằng bé và không cưỡng được nỗi tê tái chầm chậm dâng lên trong lòng. Lắc lư trên cái bập bênh, tung hứng mấy trái banh, biến giấy báo thành bạc, hai chú hề nhào lộn giả vờ té nhào mà không phải té nhào… Thế là được nhận từng tràng cười và tràng pháo tay của những khán giả khát mọi điều đến từ nơi có tên gọi thành phố.
*
Đang chuẩn bị sân khấu thì mưa ồ ạt. Chú hề thun mũi “Còn hơn là bán được vài vé rồi mới mưa, mất công trả vé lại”.
Ông quản lý nhà khách nở nụ cười nghề nghiệp:
- Thôi, mấy khi. Anh em giải lao ngắm người khác diễn vậy. Đang có hội múa xòe.
Cũng đáng tò mò xem tại sao ở đó lại đông khách.
Không ai lường trước là phải qua một cái cầu treo. Xe ngừng lại bên này. Chạy bộ qua cây cầu treo lắc lư rung bần bật, ai nấy ướt lướt thướt.
Lý do đông khách thật dễ hiểu: không bán vé, và rượu cần miễn phí.
Cách hay nhất là dùng rượu để sưởi ấm, và nhảy sạp cho nóng người lên. Anh hút liên tiếp những cần rượu thật dài. Nhảy sạp chỉ là cái cớ để nắm tay các cô gái. Anh nắm tay cô có dáng người đẹp nhất. Sợi xà tích bạc quanh eo lưng thon vừa vặn một vòng ôm, hẳn vậy. Sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê… Rượu ngọt mấy cũng không phải chè. Hay rượu cũng là một cái cớ.
Chợt anh nhìn thấy thằng bé, vai nó quàng một xâu hàng thổ cẩm, hai tay nó xách toòng teng hai chùm vòng bạc.
“Bố cháu nói hàng hết đát”, câu nói của thằng bé và cái bĩu môi chợt hiện ra trong đôi mắt cô gái đang cầm tay anh.
Rất bỗng nhiên, anh buông tay cô gái ra và lộn đầu xuống.
Những đôi đang nhảy đều vọt ra ngoài để trở thành khán giả của màn nhảy sạp trong tư thế trồng cây chuối. Tuyệt vời? Hoặc chỉ để né tránh đôi giày bết bùn của anh?
Mười đầu ngón tay anh bám xuống mặt sàn trơn trượt. Những thanh tre náo nức gõ. Mắt anh lướt qua màu sắc và kiểu dáng của những đôi giày mũi nhọn mũi tròn mũi dẹt... Tất cả những mũi giày đều đang nhịp nhịp theo điệu nhạc. Hực. Bàn tay phải của anh đáp xuống một cục bùn có lẽ văng ra từ đế giày nào đó. Tiếng ồ vang lên cùng lúc anh kịp nhấc hai tay lên khi hai thanh tre khép lại. Tiếng vỗ tay rào rào. Mắt anh chạm hai bàn chân sạm đen có những cái móng vàng khè nhảy nhót theo nhịp tay anh...
Sự đồng điệu của nó nhấc anh bay bổng. Mặt nền trơn trượt là phím đàn cho mười ngón tay anh ca hát, bắp tay anh ca hát, đôi chân anh ca hát, toàn thân anh ca hát... Sàn nhà rần rật nhịp chân cổ vũ anh. Có những thân người hứng khởi lộn đầu xuống và tiếng cười vang vì họ té nhào… Nước mắt anh ứa ra và chảy ngược xuống trán...
Cảm giác thốn buốt xuất hiện nơi cổ tay, rồi lan tới cùi chỏ. Bàn tay anh giẫm ngay vào vệt bùn nhão nãy giờ khéo léo tránh được. Đừng… Khoan đã… Anh búng tay rướn người lên… Mười đầu ngón tay để lại mười vết quệt dài. Sòn sòn sòn đô sòn… Lần này không phải tại trơn ướt...
Sự đau đớn kéo anh về thực tại. Anh biết mình phải dừng lại ngay. Hai bàn chân sạm đen đâu rồi? “Cháu chỉ sợ không có ai dám làm đầu bếp cho món khủng long thôi”. Anh lộn thân hình để đôi chân mình đứng trên mặt đất và nhìn thấy thằng bé huơ chùm túi thổ cẩm với mấy người khách.
Nó đang bận bán hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.