Là một người con quê ở Thái Bình, hiện sống và làm việc tại Biên Hòa (Đồng Nai), nhà thơ Đàm Chu Văn đã thấm vào lòng mình “sắc hoa, màu nhớ” nơi thành phố từng mang tên là Biên Hùng trấn, nên thơ anh vừa có chất suy tư kẻ sĩ, vừa dung dị hiền lành, như ấn tượng của nhiều người về vùng đất Đông Nam bộ này.
Xao thu (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ thứ 9 của Đàm Chu Văn, trong đó anh dành những trang đầu tiên cho khá nhiều bài thơ viết về người lính. Nếu biết nhà thơ Đàm Chu Văn từng đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật, Báo chí 5 năm (2009 - 2014) của Bộ Quốc phòng với tập thơ Giấc rừng, giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1999 và 2003, có lẽ người đọc sẽ càng đồng cảm với tác giả hơn, khi giữa thời bình, những câu thơ vẫn đau đáu khắc khoải hướng về những người lính một thời đạn bom gian khó, những hy sinh của họ trong thời chiến và cả thời bình. Mùa xuân người đi giữ nước, Đầu xuân thăm Côn Đảo, Những ý nghĩ rời rạc trong ngày ba mươi tháng tư..., mỗi bài thơ là một tấm tình gửi gắm yêu thương, trân trọng, biết ơn. Viết về người lính, điều gây xúc động là tác giả không chỉ ngợi ca, mà nhìn thấy ánh mắt sâu thẳm của họ: “Mắt anh lính biển đăm trời”, và có khi hòa mình vào thâm tâm họ, để chia sẻ đến tận cùng nỗi đau: “Biết nói gì với Hải?/đất Đồng Nai mới gặp một lần/thành mảnh đất cuối cùng nằm lại”...
Một mảng khác trong tập thơ này, tác giả dành những tình cảm nồng hậu cùng những trăn trở, suy tư của mình cho quê hương đất nước, trong một dòng chảy cuộc sống nhiều biến đổi. Có biết bao yêu thương tự hào trong Khúc ca một dòng sông: “Chảy từ phá thạch khai sơn/Dòng Đồng Nai quyện khúc đờn ngân nga/Khói sương sậm bóng rừng già/Vắt trong nguồn mạch lời ca suối ngàn”, và cũng có bao xót xa trong câu thơ “Nàng Tô Thị chết rồi”. Tác giả không ngần ngại khi đưa vào thơ mình những hình ảnh “thô” của thời hiện đại: “Bên kia sông, san sát nhà cao tầng, siêu thị/Bên này sông, đất đã phân lô, treo biển bán nền”... để rồi mượn câu hỏi với nhà thơ Thu Bồn mà bày tỏ nỗi niềm của chính mình: “Trước tranh đua hối hả phố phường ánh nhìn ông bỗng vắng xa, lặng lẽ/Sải cánh đại bàng bất lực vòng ôm”... Và có khi những suy tư của một người thời nay lại đượm màu nhân sĩ thời xưa: “Ở đâu/những vô tư hào hiệp?/ở đâu/những anh hùng “phong trần mài một lưỡi gươm?”, bởi cuộc sống vẫn cần sự đấu tranh không ngừng nghỉ cho những điều tốt đẹp.
Dù viết về điều gì, Đàm Chu Văn đều mang đến cảm xúc thiện lành với giọng thơ tâm tình, thủ thỉ của một nhà thơ bên sông Phố: “Ước như nước, ngoan cường như nước/xuôi biển, ngược non lững thững nhịp ngày”, và không bao giờ quên giá trị của quá khứ: “Anh thường đem nhớ ra hong nắng/Hong cả ngày xanh đã khuất nhòa”.
Bình luận (0)