'Xây' nhà tập thể trong Bảo tàng Hà Nội

17/10/2017 07:33 GMT+7

Trưng bày của Bảo tàng Hà Nội dự kiến sẽ có phần dành cho lịch sử các khu tập thể ở Hà Nội.

Khuôn mặt đô thị cũ
Những mảng tường vàng hàng chục tuổi của khu tập thể (KTT) Văn Chương đã xuất hiện trong bộ phim Hà Nội của tôi, của cựu đại sứ Pháp tại VN - ông Jean Noel Poirier, cùng hình ảnh của các KTT khác ở thủ đô. Ông Noel còn chia sẻ mình coi đó như những di sản kiến trúc của Hà Nội. Nó vừa mang dấu ấn của các KTS Xô Viết vừa mang dấu ấn lối sống của người Hà Nội. Giờ đây tầng 1 nhiều khu đã biến thành các quán ăn san sát. “Các KTS Xô Viết có quay lại cũng khó mà nhận ra tác phẩm của mình. Nếu có thể nên giữ lại vài khu để làm bảo tàng thì hay quá”, ông nói.
Sự thay đổi của KTT, vai trò của KTT trong lịch sử Hà Nội cũng là nội dung đang được Bảo tàng Hà Nội nghiên cứu và trưng bày. Họ có các chuyên gia bảo tàng hàng đầu hỗ trợ, trong đó có cả chuyên gia Pháp và nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - PGS-TS Nguyễn Văn Huy. Phần trưng bày dự kiến có nhiều nội dung như: giới thiệu chung về KTT rất đặc trưng như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ và một số khu khác; Cuộc sống KTT với cửa hàng lương thực, cửa hàng may vá và cửa hàng bách hóa; Đời sống gia đình với đời sống kinh tế, sinh hoạt và tái tạo một căn hộ 24 m2; Sự biến đổi cụ thể là xuống cấp, cải tạo không gian và kết thúc.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, cố vấn của Bảo tàng Hà Nội, cho biết hiện các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm tư liệu để xây dựng trưng bày. Bảo tàng Hà Nội cũng có một nhóm đang đi điền dã, tiếp cận để thể hiện chủ đề KTT này.
Cũng theo ông Huy, việc phỏng vấn tìm tư liệu cũng sẽ cho thấy việc KTT giúp hình thành lối sống đô thị mới ở thủ đô như thế nào. “Nó là một mô hình kiểu như của Liên Xô đã được đưa vào Hà Nội với khu sống, khu vui chơi. Điểm nữa là chất lượng xây dựng cao. Cho nên KTT là ước mơ, mong muốn của các thế hệ sống thời kỳ đó. Mình cũng giới thiệu cách thức tổ chức tòa nhà. Phân bố nhiều hình thức đa dạng để tổ chức cuộc sống như căn hộ khép kín hay bếp núc phục vụ tách riêng rồi quay lại khép kín. Cách thiết kế thay đổi dần dần theo nhu cầu thực tiễn của xã hội”, ông Huy cho biết.
'Xây' nhà tập thể trong Bảo tàng Hà Nội1
Mảng tường xuống cấp của một khu tập thể
Không chỉ là chuyện bao cấp
Cũng theo ông Huy, trưng bày sẽ cho biết người ta sống trong KTT đó như thế nào. Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ xây dựng nó đa dạng và không bị gói gọn chỉ trong thời bao cấp. Nó sẽ khác với KTT mà Bảo tàng Dân tộc học từng dựng trong triển lãm chuyên đề Thời bao cấp trước đây.

Một di sản của chúng ta bây giờ có thể nghĩ là không có giá trị nhưng vài chục năm nữa chúng ta sẽ nuối tiếc vì phá nó đi. Điển hình như tàu điện Hà Nội… Người ta sẽ đến thăm thành phố và thấy là người ta đã từng sống như thế

TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội

“Chúng tôi sẽ còn nói cả tới thời kỳ người ta làm lồng sắt lao thêm diện tích ra ngoài. Rồi không gian trước kia để dành cho xã hội thì người ta bắt đầu lấn và làm cho KTT thay đổi. Rồi khi chế độ chính sách nhà cửa thay đổi thì KTT thay đổi hoàn toàn. Không ai quan tâm nữa vì đó là nhà của nhà nước nên nó mới thành những khu Văn Chương, Kim Liên, hay Trung Tự xập xệ và xuống cấp”, ông tiết lộ.
Trong phần cuối nói về câu chuyện liên quan đến tương lai KTT là những tư liệu về việc hiện nay người ta đang thay đổi hình dạng. “Có những tòa nhà bị phá đi xây nhà mới như Kim Liên, Trung Tự hoặc như Nguyễn Công Trứ mới phá một căn nhà. Trong dự án mới về ga Hàng Cỏ thì khu Văn Chương cũng đang nằm trong tầm nhìn sẽ phải phá đi. Vậy thì tương lai KTT sẽ thế nào? Có cái sẽ xen kẽ mới cũ nhưng rồi nhà cũ sẽ biến mất”, ông cho biết.
TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng trưng bày nên có những bản vẽ để thấy sự phát triển về giá trị kiến trúc, sắp xếp không gian KTT. Chẳng hạn: “Mỗi khu có sự khác biệt rõ ràng giữa các khu theo xu hướng tốt dần lên. Khu đầu tiên Nguyễn Công Trứ có nhà vệ sinh với bếp chung cho cả tầng. Thời sau các KTT bắt đầu có nhà vệ sinh riêng, tuy nhỏ và phát triển theo hành lang. Sau đó thì phát triển theo đơn nguyên ví dụ như Nam Thành Công, Khương Thượng”.
Bảo tồn
Theo ông Hưng, KTT chính là hình ảnh quá khứ để gợi cho người ta về thời kỳ xây dựng XHCN đầu tiên. Vì thế, nếu có thể giữ lại phần nào thì nên giữ. “Một di sản của chúng ta bây giờ có thể nghĩ là không có giá trị nhưng vài chục năm nữa chúng ta sẽ nuối tiếc vì phá nó đi. Điển hình như tàu điện Hà Nội. Ở Ấn Độ, thậm chí một thành phố nhỏ còn giữ cả dây điện lằng nhằng trên phố vì họ tin sẽ có lúc chả nơi đâu có cái đó cả. Người ta sẽ đến thăm thành phố và thấy là người ta đã từng sống như thế”, ông nói.
Theo ông Hưng, tại khu Kim Liên có tòa nhà E6 gắn liền với nhiều tên tuổi nhà nghiên cứu, trong đó có các ông Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh... “Nếu xác định giữ tòa nhà để lưu lại giai đoạn lịch sử ngôi nhà có nhiều chí sĩ, nhà khoa học thì quá tốt”, ông Hưng nói.
KTS Đoàn Kỳ Thanh, người chuyên cải tạo các khu nhà cũ để biến thành khu công nghiệp giải trí nói: “Các KTT giờ đều hết niên hạn sử dụng rồi, cộng với không có bảo trì thì cái cốt nhà đã xuống rồi, có nơi còn lún cả một tầng. Nói chung cải tạo rất cực và đa phần là không cải tạo được. Vì thế cần thay đổi thì vẫn phải thay đổi. Tuy nhiên, nếu có thể thì nên tái tạo lại trong bảo tàng hoặc giữ lại tòa nhà nào đó làm bảo tàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.