Văn học Hàn Quốc tìm cách tiếp cận độc giả Việt

08/09/2017 06:52 GMT+7

Sau làn sóng điện ảnh và ca nhạc, đến lượt văn học xứ Hàn đang lặng lẽ lan tỏa trong độc giả Việt nhờ những chính sách hỗ trợ dịch thuật của phía Hàn Quốc.

Hai ngày qua (6 - 7.9), hội trường D Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM tấp nập giới học thuật, dịch giả, đại diện các NXB và sinh viên khoa Hàn Quốc học tham gia hội thảo quốc tế “Hiện trạng và tương lai của dịch và xuất bản văn học Hàn Quốc (HQ) ở châu Á”.
Ông Kim Jong-cheol (Đại học quốc gia Seoul) cho biết việc dịch thuật và xuất bản văn học HQ nói chung và văn học cổ điển HQ nói riêng tại châu Á nằm trong kế hoạch lâu dài của HQ. Các học giả khác cũng nhất trí rằng văn học HQ cần được chọn dịch trên mối quan hệ tương hỗ với các nước, phải tiêu biểu và kích thích được trí tưởng tượng, đặc biệt phải được bản địa hóa rất gần gũi với độc giả mỗi nước.
Từ năm 2011 đến nay, Viện Dịch văn học HQ đã liên tục tổ chức hội thảo và tài trợ toàn bộ chi phí dịch thuật, xuất bản cho các đơn vị xuất bản VN. Số đầu sách văn học HQ xuất bản tại VN đã tăng từ 62 (năm 1983 - 2011) lên 149 (2012 - tháng 8.2017). Một số nhà văn HQ có sách xuất bản tại VN cũng đã được phía HQ đưa sang giao lưu với độc giả Việt.
Bà Đinh Thị Phương Thảo - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, cho biết NXB của bà đã xuất bản được 10 đầu sách văn học cổ điển HQ có giá trị và 7 cuốn sách thuộc dự án nghiên cứu phục vụ giáo dục, qua sự tài trợ từ Viện Dịch thuật văn học HQ. Bà Thảo cũng thừa nhận sách văn học hiện đại của HQ vẫn dễ bán hơn sách văn học cổ điển do không kén người đọc, nội dung lại dễ hiểu, gần gũi.
Tuy rất muốn xuất bản văn học HQ, với thuận lợi được phía HQ tài trợ chi phí dịch và xuất bản, giới thiệu sách, các đơn vị VN vẫn phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là khan hiếm lượng dịch giả tiếng HQ có uy tín trong dịch thuật văn học, đặc biệt là dịch văn học cổ điển. Cũng bởi nguyên do trên, một số đơn vị xuất bản tư nhân như Nhã Nam chỉ tập trung xuất bản sách văn học hiện đại, dễ tiếp cận độc giả trẻ với nhiều câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống sâu sắc và cảm động.
Đặng Thiếu Ngân, nhà biên kịch phim Sống chung với mẹ chồng, đồng thời từng dịch nhiều phim truyền hình HQ, nhận định sách văn học sẽ kén độc giả hơn phim ảnh rất nhiều, nên văn học HQ muốn tạo cơn sốt hoặc gây ảnh hưởng mạnh mẽ cho lớp trẻ theo kiểu ngôn tình Trung Quốc sẽ cần một thời gian dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.