Bầu trời thân quen
Khi Ngọc Minh (con gái chị Ngọc Lan, ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) đọc cuốn Bột mì vĩnh cửu, cô bé 8 tuổi này khó tưởng tượng được mẹ mình sẽ vui đến vậy. “Tôi thực sự vui vì đó cũng là cuốn sách tôi rất thích đọc ngày bé. Cũng câu chuyện về lòng tham, về của cải sản sinh không giới hạn sẽ tai hại thế nào, nhưng Bột mì vĩnh cửu có những hình ảnh riêng rất Liên Xô. Với tôi và bạn bè hồi bé, đó là một thế giới nhiệm màu”, chị Ngọc Lan chia sẻ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng dường như văn học Nga có sức bám rất bền vào tâm hồn nhiều người Việt Nam. Đặc biệt là mảng văn học thiếu nhi. Các cháu thích, và sau này khi làm bố làm mẹ vẫn tiếp tục mua cho con cái đọc chung. “Những cuốn sách của Nhà xuất bản (NXB) Cầu vồng ngày xưa vẫn tiếp tục được mua đi bán lại dưới dạng bản sách cũ hoặc tái bản. Cái đó thuộc phạm trù văn học kinh điển, có giá trị bền vững. Những cuốn sách không phải văn học thiếu nhi cũng vậy. Lev Tolstoy, K.Paustovsky… vẫn tiếp tục có độc giả nhờ giá trị kinh điển”, ông Nguyên nói.
Không chỉ những cuốn sách cũ trở lại, các NXB cũng đưa ra các tác phẩm mới. Chẳng hạn, Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn đã dịch cuốn Bác Phiodor, con chó và con mèo của nhà văn Nga nổi tiếng Eduard Uspensk. Cuốn sách này bán rất chạy và vì thế cuốn Bạn gái yêu quý của bác Phiodor cũng được tiếp tục ra mắt. Bên cạnh đó, Nhã Nam cũng in lại tác phẩm khác đã quá quen thuộc của nhà văn này với độc giả Việt - Cá sấu Ghena và các bạn.
Trong khi đó, NXB Kim Đồng có hẳn tủ sách Văn học Nga - tác phẩm chọn lọc. Đó là các tác phẩm gắn với ước mơ, hoài bão của nhiều thế hệ đọc. Trong đó, có thể kể đến: Chiếc nhẫn bằng thép của K.Paustovky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R.Belyaev, Timur và đồng đội và Số phận chú bé đánh trống của Arkady Gaidar…
Mới nhất, Công ty sách Đông A cũng đăng thông tin tìm kiếm dịch giả tiếng Nga để tiếp nối hành trình dịch tác phẩm của nhà văn Fyodor Dostoevsky. Với Đông A, hành trình này được bắt đầu bằng Anh em nhà
Karamazov, bản dịch từ tiếng Nga của cố dịch giả Phạm Mạnh Hùng. Chặng thứ hai, Đông A tìm kiếm dịch giả để dịch Lũ người quỷ ám từ tiếng Nga. “Đông A xin được phép thông báo tìm dịch giả để chuyển ngữ Lũ người quỷ ám từ nguyên bản tiếng Nga. Chúng tôi xin hoan nghênh mọi sự giúp đỡ và giới thiệu”, ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Đông A, chia sẻ trên Facebook.
|
Hơi thở văn học Nga đương đại
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng sự trở lại của văn học Nga là một tín hiệu thú vị. “Các tác phẩm văn học Nga từng chiếm thị trường rất lớn ở miền Bắc Việt Nam. Nó tác động rất lớn đến bạn đọc cũng như văn chương Việt Nam. Sau đó, do thay đổi của chính trị, Liên Xô không còn, vị trí của văn học Nga cũng mất”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, sự trở lại này chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. “Còn kéo dài hay không phụ thuộc vào hai điều. Một là, nền văn học đó có tác phẩm nào xứng đáng không. Hai là, đội ngũ dịch giả có làm việc tốt không, có chọn được tác phẩm tốt không, bản dịch có tốt không. Hiện tại chúng ta có những dịch giả tiếng Nga giỏi như dịch giả Kim Hiền là người Việt ở Nga, dịch giả Phan Xuân Loan, dịch giả Nguyễn Thụy Anh ở trong nước... Đó là những người biết tiếng Nga tốt và có lòng yêu mến, ý thức giới thiệu văn học Nga ở Việt Nam”, ông nói.
Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh việc dịch các tác phẩm kinh điển, có một việc quan trọng là dịch những tác phẩm văn học Nga đương đại. Điều này giúp độc giả hình dung dần dần hơi thở của văn học Nga hiện nay. Mới đây, một tác phẩm như vậy đã được dịch giả Phan Xuân Loan dịch, NXB Phụ nữ xuất bản - cuốn Những cậu bé kẽm. Đây là lời bộc bạch của những người sống sót trở về từ chiến tranh Afghanistan và của thân nhân những người đã mất. Đây là một trong bộ 5 tác phẩm của nhà văn tiếng Nga Svetlana Alexievich đã đoạt giải Nobel 2015.
TS Nguyễn Thụy Anh cho biết hiện bà vẫn tiếp tục dịch văn học Nga sang tiếng Việt. “Tôi muốn có một giao lưu mạnh hơn cho văn học Nga hiện tại với người đọc Việt Nam. Muốn như thế thì phải có cách giới thiệu ngay lập tức đến họ các tác phẩm đương đại. Vì thế, chúng tôi có liên lạc với quỹ Thế giới Nga, tôi đã dự 2 festival của các nhà văn của họ. Chúng tôi có một thỏa thuận với họ để giao lưu và họ cho mình những giới thiệu toàn cảnh văn học Nga hiện tại, có luồng tác phẩm nào, có tác giả nào ăn khách. Chúng tôi cũng mới bắt đầu gồm tôi, dịch giả Quỳnh Hương và dịch giả Phan Xuân Loan. Chúng tôi sẽ đề xuất lên để có sự tham gia của Hội nhà văn. Văn học Nga thân thuộc, nhưng chính vì thân thuộc nên vẫn hình dung văn học Nga là kinh điển, là đáng yêu, là nhân hậu. Và bây giờ chúng tôi muốn dịch thêm để xem văn học Nga có gì khác không”, bà Thụy Anh nói.
Bình luận (0)