Gần 70 tham luận với nhiều góc nhìn của các nhà văn về thơ, văn xuôi, phê bình và văn học dịch, được công bố tại các hội thảo thuộc Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ 4 với chủ đề Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển.
Hội nghị do Hội Nhà văn VN tổ chức tại Vĩnh Phúc từ ngày 24 - 26.6. Trong báo cáo đề dẫn, nhà văn Phan Trọng Thưởng nhấn mạnh: “Trong 30 năm đổi mới văn học, các nhà văn VN đã vượt lên với khát vọng sáng tạo, khát vọng thay đổi và khát vọng làm mới toàn bộ nền văn học từ quan niệm đến cảm hứng, phong cách, thi pháp thể loại và phương thức thể hiện nghệ thuật”.
|
|
Với tham luận “Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc trong tiểu thuyết chiến tranh gần đây”, nhà văn Văn Chinh nhận xét: “Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Non sông đã liền một dải nhưng thời gian chưa thể khỏa lấp tất thảy những vấn đề của lịch sử. Vẫn còn đó khát vọng và những vấn đề của sự hòa giải, hòa hợp dân tộc trên phương diện văn hóa, nhân sinh và nhân văn. Văn học với thiên chức cao quý và thiêng liêng của nó không thể khước từ đối mặt với khát vọng cao cả ấy của cả dân tộc”.
3 “hạt giống” tiểu thuyết
Nhà văn Phạm Hoa đánh giá: “Từ năm 1986 đến nay, sau cái mốc đổi mới, riêng về lĩnh vực nhận thức nghề nghiệp các nhà văn đã nghĩ khác đi nhiều. Họ tự do hơn, mạnh dạn hơn trong mở rộng sự lựa chọn đề tài và lĩnh vực phản ánh. Họ bớt sợ chính mình ngay trên trang bản thảo, họ nhận rõ thái độ và tâm thế trong tác phẩm mới là điều quan trọng nhất. Thậm chí họ truy đuổi đến cùng những tồn tại gây tổn hại cho đất nước. Vì thế, tính phát hiện, dự báo thể hiện khá rõ”.
Nhận xét về những bước thăng trầm của tiểu thuyết VN thời đổi mới, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhắc tới 3 “hạt giống” tương lai trong lĩnh vực tiểu thuyết là Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương và Thuận. Mỗi người trong số họ khúc xạ một hướng đi của tiểu thuyết đương đại Việt dẫu cho mục đích cuối cùng là khám phá “cái bản thể” của con người thời đại. Tạ Duy Anh nhấn mạnh: “Tiểu thuyết vẫn còn đất sống và thời đại của nó vẫn còn. Tuy nhiên, để giữ được điều đó, nó buộc phải có những thay đổi để thích ứng. Xu hướng tiểu thuyết ngắn, thu hẹp bề ngang mà khoan sâu theo chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch của thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường không áp đặt chân lý là những cái dễ thấy”.
Về trường hợp nhà văn Thuận (định cư ở Pháp), có nhiều ý kiến trái chiều trong đánh giá, Bùi Việt Thắng nhận định: “Những người bảo thủ ắt hẳn không thích bỏ phiếu cho Thuận gia nhập làng văn Việt. Nhưng thực tế thì có hẳn một bộ phận gọi là “Văn học Việt hải ngoại” khiến chúng ta không thể không tiếp nhận và quan tâm nghiên cứu. Tính đến nay Thuận đã in ở VN 6 tiểu thuyết: Chinatown (Phố Tàu), T mất tích, Paris 11 tháng 8, Vân Vy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư…”.
Cần động lực đổi mới để có tác phẩm đỉnh cao
Một vấn đề được đặt ra: Tại sao trong 10 năm đầu đổi mới (1986 - 1996) chúng ta đã có được một số tác phẩm văn xuôi gây chấn động làng văn và dư luận của các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Lê Lựu (Thời xa vắng), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma)... nhưng trong 20 năm gần đây (1996 - 2016) không thấy xuất hiện những tác phẩm nổi bật như thế?
Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội: “Trước đổi mới, văn học chúng ta có phần duy ý chí, đến giai đoạn đầu đổi mới thì văn học cởi mở hơn, tự cởi trói cho mình và đi đúng quy luật hơn nên có được một số tác phẩm thành tựu. Nhưng sau đó văn học đổi mới chững lại vì chưa tìm ra mũi đột phá, chưa tìm cách chuyển hóa tác phẩm từ một đòi hỏi của xã hội thành nhu cầu sáng tạo bức thiết của riêng mình. Sau phương pháp sáng tạo hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn học VN đã hướng đến những phương pháp sáng tác mới của Tây Âu và Mỹ Latin, tuy nhiên, chúng ta chưa tổng hợp, chưa tìm ra phương pháp sáng tác phù hợp nhất với văn học VN hôm nay”.
Đồng ý với nhận định này, nhà văn Trần Ninh Hồ cho rằng: “Một ngôi nhà luôn đóng kín, khi mới mở cửa ta thấy một luồng gió mới, sau đó, ta cần mở thêm những cánh cửa khác. Văn học cũng vậy, cần những động lực đổi mới khác hơn nữa để tiếp tục có tác phẩm đỉnh cao”.
Xuất hiện thế hệ thơ mới thời kỳ thứ 2
Các tham luận về thơ đều nói tới một thế hệ đổi mới thi ca với những đóng góp cho văn học đương đại. Trong đó, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã gây sự chú ý khi ông cho rằng trong giai đoạn 30 năm qua, có 2 mảng thơ rất khác nhau của hai lực lượng tác giả khác hẳn nhau, vì thế, cần phải đặt lại tên cho nó khác nhau là Thơ Đổi mới và Thơ Mới thời kỳ thứ hai.
Thế hệ Thơ Đổi mới chính là lớp nhà thơ chống Mỹ, đã bước vào công cuộc đổi mới và tự làm mới thơ mình như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Thi Hoàng, Y Phương, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Nguyễn Thụy Kha, Văn Lê, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhuận Minh...
Thế hệ Thơ Mới thời kỳ thứ hai (khác với Thơ Mới thời kỳ thứ nhất 1932 - 1942 với các tên tuổi: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...) hầu hết đều làm thơ từ sau năm 1986. Họ không có cái gì CŨ để mà đổi ra MỚI. Họ sinh ra đã mới rồi, từ dòng thơ đầu tiên, từ cảm nhận thẩm mỹ đầu tiên, đã mới rồi. Họ được học hành bài bản, dễ dàng tiếp nhận và hội nhập với nhiều xu thế của văn học hiện đại nước ngoài. Thế hệ này có nhiều nhà thơ như: Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quí, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Vi Thùy Linh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Đinh Thị Như Thúy... và nhiều nhà thơ khác nữa.
|
Bình luận (0)