Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình

Bá Cường
Bá Cường
26/04/2024 09:55 GMT+7

Tại Quảng Bình hiện vẫn còn sót lại di tích của một địa đạo được xây dựng từ năm 1966, phục vụ cho bộ đội hành quân và người dân trú ẩn trong những cuộc ném bom của Mỹ.

Tọa lạc tại thôn Văn La (xã Lương Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình), dù được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng địa đạo Văn La - nơi trú ẩn của người dân trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt - bị "lãng quên" trong thời gian dài, ít người biết đến.

Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình- Ảnh 1.

Con đường dẫn vào Di tích lịch sử địa đạo Văn La

BÁ CƯỜNG

Cách TP.Đồng Hới khoảng 10 km, thôn Văn La từ lâu đã đi vào sử sách khi nằm trong "bát danh hương" tại Quảng Bình. Ngôi làng này là quê hương của danh tướng Hoàng Kế Viêm cùng nhiều nhân vật đã đi vào lịch sử.

Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình- Ảnh 2.

Cửa duy nhất còn sót lại dẫn vào bên trong địa đạo

BÁ CƯỜNG

Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình- Ảnh 3.

Ông Duận là người nghiên cứu cũng như chứng kiến những năm tháng địa đạo mới xây dựng

BÁ CƯỜNG

Là người nghiên cứu về lịch sử, suốt nhiều năm viết lịch sử Đảng bộ cho nhiều địa phương, ông Lê Trọng Duận (70 tuổi, thôn Văn La, xã Lương Ninh) là nhân chứng biết khá rõ về những năm tháng hình thành địa đạo.

Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình- Ảnh 4.

Địa đạo Văn La có sức chứa khoảng 400 người

BÁ CƯỜNG

"Địa đạo được xây dựng từ tháng 6.1966 đến năm 1967 thì hoàn thành. Lúc này do Mỹ đánh bom quá ác liệt, có trận đánh khiến nhà cháy người chết quá thảm khốc, Đảng bộ xã đã phải họp bàn và quyết định tạo ra một địa đạo để người dân trú ẩn", ông Duận nhớ lại.

Hiện nay công trình đã xuống cấp, bên trong đất đá đã đổ sập khiến địa đạo chỉ còn đoạn dài khoảng 30 m

Hiện nay công trình đã xuống cấp, bên trong đất đá đã đổ sập khiến địa đạo chỉ còn đoạn dài khoảng 30 m

BÁ CƯỜNG

Địa đạo khi mới xây dựng dài khoảng 100 m, cao 1,8 m, rộng 1,5 m, có 3 cửa vào gồm 1 cửa ngang và 2 cửa đứng, sức chứa khoảng 400 người. Sau khi hoàn thành, địa đạo là nơi trú ẩn chủ yếu dành cho người già và trẻ em.

"Năm 1968, Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc lần thứ nhất. Tỉnh Quảng Bình có thời gian được yên bình, người dân Văn La cũng không dùng đến địa đạo. Đến năm 1972, chiến tranh lại xảy ra ác liệt, địa đạo không chỉ trở thành nơi trú ẩn cho người dân mà còn là nơi để chữa trị cho thương binh", ông Duận kể.

Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình- Ảnh 6.

Bia đá đặt trước địa đạo Văn La

BÁ CƯỜNG

Sau năm 1975, địa đạo Văn La dần bị lãng quên, 2 trong số 3 cửa hầm bị người dân dùng đất đá lấp lại; bên trong địa đạo cũng bị đất đá sụp xuống, hiện chỉ còn một đoạn dài khoảng 30 m.

Năm 2005, địa đạo Văn La được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh; phần sân trước địa đạo được xây dựng bê tông, gắn bia để phục vụ du khách đến tham quan.

Văn La, địa đạo ít người biết tại Quảng Bình- Ảnh 7.

Người dân Văn La mong muốn địa đạo sẽ được tu bổ, nạo vét để trở thành một địa điểm được nhiều người biết đến

BÁ CƯỜNG

Theo ông Duận, nhiều người dân tại Văn La mong muốn chính quyền địa phương sẽ có phương án để tu bổ, nạo vét lại địa đạo. Dù quy mô có thể không lớn như những địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc... nhưng đây là di tích ghi lại những năm tháng lịch sử, thể hiện sự đoàn kết của người dân địa phương với Bộ đội Cụ Hồ trong những năm kháng chiến khốc liệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.