Ly kỳ chuyện trấn yểm dòng chảy địa linh
Nằm ở “cửa ngõ” để tiến vào Đồng Hới (trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Bình), làng Văn La nằm bên dòng sông Nhật Lệ, mặt nhìn ra sông, lưng tựa dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhiều người bảo rằng vì thế đất này nên Văn La luôn sản sinh ra những nhân tài phò vua, giúp nước.
Ở làng Văn La quả thực không thiếu người tài, bởi ngay người đầu tiên tôi vô tình gặp gỡ khi vào làng là ông Lê Trọng Duận (68 tuổi), một cán bộ đang công tác tại Hội Khuyến học H.Quảng Ninh. Người đàn ông nhìn có vẻ rất dân dã này là chủ biên, viết lại lịch sử cho 13 địa phương khác tại tỉnh Quảng Bình.
Mời tôi ghé thăm căn phòng đầy ắp sách vở, ông Duận bắt đầu kể về hàng loạt câu chuyện trong lịch sử hơn 500 năm của làng, về hai nhân vật lịch sử của làng Văn La.
Đình làng Văn La được con cháu xây dựng lại, trước đó làng có 2 ngôi đình nhưng đều bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh |
“Văn La tự hào khi ở thời phong kiến đã sản sinh ra 2 người làm quan lớn trong triều đình là ông Hoàng Kim Xán và con trai của ông là Hoàng Kế Viêm. Cả hai đã từng làm đến quan nhất phẩm và riêng ông Hoàng Kế Viêm còn là một danh tướng, mở đầu cho những cuộc khởi nghĩa chống Pháp”, ông Duận nói.
Kể thêm về “địa thế” của làng, ông Duận cho rằng Văn La có dáng dấp của một con rồng ẩn mình, từ đó mới sản sinh ra nhiều nhân tài. Dù thế, theo ông Duận, trước đây, làng từng bị một kẻ thù cao tay ấn đã yểm 4 huyệt nhằm kiềm chế sự phát triển của làng. Câu chuyện của ông Duận kể ly kỳ khi ông cho biết làng bị trấn yểm bằng cách đào huyệt, múc ao, vét giếng tại 4 địa điểm mũi rồng, đầu rồng, tim rồng và mắt rồng để làm yếu đi dòng chảy địa linh của làng.
“Làng mới” đầu tiên của huyện
Theo những chia sẻ của ông Duận, làng Văn La trước đây có kết cấu chuẩn của một ngôi làng phong kiến truyền thống khi có đủ đình làng, cây đa, bến nước… cũng chính nhờ người dân Văn La biết cách xây dựng, đóng góp cho quê hương và kéo dài đến tận ngày nay.
“Ngày xưa thì tự hào như thế còn ngày nay con cháu Văn La tiếp tục nối dài truyền thống cha ông khi đưa Văn La trở thành một trong những làng đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện. Làng giờ đây được xây dựng, quy hoạch ngăn nắp hệt như bàn cờ, được chia ra nhiều khu phố, nhiều xóm để tiện cho việc sinh hoạt cùng nhau”, ông Duận nói.
Mặc dù vậy, ở đây vẫn giữ nguyên những giá trị lịch sử của thế hệ trước và còn lồng ghép thêm những nét văn hóa hiện đại để làng luôn có đặc trưng riêng. Điển hình nhất chính là hằng năm diễn ra lễ hội Rằm tháng giêng, lễ hội lớn nhất của làng.
Lăng mộ của ông Hoàng Kế Viêm tại làng Văn La |
BÁ CƯỜNG |
“Cứ đến 14, 15 âm lịch con cháu làng Văn La lại tụ họp tổ chức lễ và hội, lễ được tổ chức theo truyền thống từ thời xưa để lại, thắp hương, cúng tế… đến phần hội bà con tổ chức thi kéo co, đánh bóng chuyền…”, ông Duận chia sẻ.
Suốt cả năm, đây là thời điểm làng Văn La náo nhiệt nhất khi vừa ăn tết vừa lo việc làng, dần dần trở thành một nét văn hóa truyền thống của làng quê.
Ngang qua làng mới Văn La, cái cũ, cái mới hiện diện đan xen, nhìn thật yên bình. Người Văn La luôn mang trong tim niềm tự hào về những thứ riêng có của quê hương mình. (Còn tiếp)
Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình
Bình luận (0)