Văn minh gửi xe, chối tai vô cùng câu: 'Hết chỗ'; 'Ra ngoài'!

23/06/2019 11:16 GMT+7

Anh nhân viên giữ xe ngồi yên trên ghế hất hàm về phía tôi rồi ném một câu gọn lỏn: “Hết chỗ”. Tôi cố hỏi: “Vậy tôi gửi xe ở đâu được hả anh?”. Câu trả lời thì cũng hai chữ: “Ra ngoài”.

Tôi loay hoay rồi cuối cùng cũng gửi được xe vào một bãi xe lề đường. Thì cũng dễ hiểu thôi. Bãi xe chật chỗ thật rồi, là khách phải chịu khó đưa xe ra ngoài đường mà gửi. Anh nhân viên giữ xe chẳng có lỗi gì trong chuyện này.

Thất bại từ vòng giữ xe

Một lần tôi đến liên hệ công việc ở một trường trung học. Hoàn cảnh của trường này hơi đặc biệt, là sân để xe nằm khuất trong một con hẻm phía sau trường, phải biết mà đi vòng ra phía sau mới được. Tôi đến lần đầu, không biết. Anh bảo vệ chặn tôi lại, hỏi xẵng giọng: “Sao chạy vô đây? Vòng ra sau”. Tôi chưa kịp hiểu thì bị quát tiếp: “Gửi xe phía sau mà cứ chạy vô đây”. Tôi giải thích: “Anh ơi tôi đến đây lần đầu, không biết rõ nên anh hướng dẫn giúp”. “Thì tôi hướng dẫn đó, vòng ra sau”. Tôi cuối cùng cũng tìm được con hẻm bên hông trường và vòng ra phía sau để gửi xe.
Tôi có lần chứng kiến ở trụ sở một phường nội thành Sài Gòn, một người dân phóng chiếc xe máy đến và để xe ở sân trước vào làm thủ tục giao dịch. Nhưng ở trụ sở phường này có quy định là dân đến liên hệ thì phải gửi xe ở sân phía sau trụ sở, vòng qua một con hẻm. Phía trước trụ sở có gắn một tấm biển nhỏ chỉ dẫn lịch sự: “Công dân đến liên hệ công việc vui lòng gửi xe ở phía sau trụ sở phường”. Nhưng người dân này không nhìn thấy tấm biển ấy nên để xe trước sân rồi vào bên trong.
Vài phút sau, một anh dân phòng làm nhiệm vụ giữ xe từ bên trong bước ra, quát to: “Xe ai để đây? Sao để đây?”. Người chủ xe ở bên trong không nghe hỏi nên chẳng đáp lời. Thế là anh dân phòng giữ xe dắt luôn chiếc xe nọ ra ngoài đường, dựng dưới lòng đường. Người chủ xe xong việc đi ra, thấy xe mình dựng ngoài đường, bèn phản ứng gay gắt. Cãi vã, mắng nhau, thách thức nhau đúng sai. Thiếu điều đánh lộn. May có anh phó chủ tịch phường ra can ngăn và thu xếp êm đẹp.

Sao không huấn luyện ?

Ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì gửi xe giữ xe không đơn giản là một nhu cầu, mà là một lối sống. Tôi chợt nhớ về Đà Lạt những năm trước, luôn đủ an toàn để người dân có thể an tâm để xe trước một cửa hàng nào đó, nói một câu gửi chủ cửa hàng rồi an tâm mà vào chợ. Nhưng không thể mơ một chuyện như thế ở Hà Nội và TP.HCM.
Những người giữ xe là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đô thị của bạn. Nhất là trong bối cảnh mà tình trạng an ninh trật tự ở những đô thị lớn không phải là lý tưởng. Người đô thị chẳng nên quá lãng mạn để mơ về chuyện để xe đâu cũng được. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà người đô thị không được quyền mong mỏi những người giữ xe dành cho mình chút hành xử dễ thương?
Thôi cứ đem câu hỏi ấy đến hỏi những người có trách nhiệm ở các cơ quan, bệnh viện, trường học, công ty, cửa hàng... Rằng dịch vụ của họ sẽ dễ thương hơn rất nhiều không phải bởi những khẩu hiệu đẹp đẽ đặt trước cổng mà phớt lờ việc huấn luyện thái độ cư xử văn minh của nhân viên bảo vệ, nhân viên giữ xe. Nhân viên bảo vệ và giữ xe - những người cần phải được xem là “mặt tiền” của dịch vụ đô thị, nhưng không được huấn luyện hiệu quả.
Tôi biết ở Sài Gòn, nhiều nơi nhân viên bảo vệ biết cười chào khách, hỗ trợ khách nữ đưa xe máy lên lề, đưa vé giữ xe cho khách bằng hai tay và lịch sự quay xe về hướng mà khách sẽ đi. Họ trở thành một phần dễ thương trong đời sống dịch vụ đô thị. Một số người là nhờ ở tâm tính dễ thương sẵn có. Nhưng cũng có những người đạt được là nhờ cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc đã thật tâm huấn luyện giúp họ làm tốt phần việc của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.