Vẫn tổ chức thi giáo viên dạy giỏi nhưng không ép buộc

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/01/2020 20:33 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Thông tư quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.

Thông tư nêu rõ nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi phải dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất.

Giáo viên không được dạy trước, dạy thử

Tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên phải thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. Tiết dạy này được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng trẻ/học sinh của lớp đó.  Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi trong năm học tổ chức hội thi.  Giáo viên chỉ được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 2 ngày trước thời điểm thi.
Ngoài ra, giáo viên trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi  đang làm việc (với giáo viên mầm mon là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ). Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian ban giám khảo trao đổi. Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.
Kết quả hội thi là minh chứng để tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành. Giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi,  chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy, hoạt động giáo dục và báo cáo biện pháp đã tham gia hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng hiệu quả trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và trong công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp.

Bộ đưa 2 phương án xét và thi, giáo viên chọn thi

Như vậy, bằng việc ban hành thông tư này, Bộ GD-ĐT vẫn quyết định giữ kỳ thi giáo viên dạy giỏi, dù năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiều lần hứa giảm áp lực cho giáo viên, trong đó có việc thay đổi cách thức công nhận giáo viên dạy giỏi. Đây là một kỳ thi vốn bị chính giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhiều nơi phàn nàn là nặng về “bệnh thành tích” và “trình diễn”.
Bộ GD-ĐT đã từng tính đến phương án xét công nhận giáo viên dạy giỏi,  chủ nhiệm giỏi, thay vì thi như thời gian qua. Trao đổi với phóng viên  Thanh Niên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã tìm cách điều chỉnh những lệch lạc của cuộc thi, áp lực thành tích như đã xảy ra ở một số nơi; đồng thời, đưa ra 2 phương án là thi hoặc xét để công nhận giáo viên dạy giỏi để lấy ý kiến, kết quả là phần lớn các thầy cô vẫn muốn giữ cuộc thi này.
Cũng theo ông Minh, cuộc thi  giáo viên dạy giỏi sẽ không còn áp lực nếu đó là một sân chơi tự nguyện,  giáo viên tham gia sẽ không phải “gánh” áp lực thành tích của cả tập thể. “Nhà trường cũng không có lý do gì để bắt ép giáo viên tham gia, vì kết quả ấy không thuộc về thành tích của nhà trường nữa. Ngoài ra, quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi mới không yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm theo hình thức giấy tờ, giảm số giờ dạy tối đa, lấy chuẩn nghề nghiệp làm căn cốt, có những yêu cầu về thuyết trình cho hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả để có sự khẳng định khả năng của giáo viên…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.