Vẫn tranh cãi việc tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/10/2024 05:46 GMT+7

Trong khi vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế, ngành thuế mới đây cho biết số người bị cơ quan thuế ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế tăng gấp 3 lần.

Gần 18.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Ngày 30.9, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan TP.Hải Phòng) ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Đ.T.Đ - Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP TM XNK tổng hợp và xây dựng Đạt Anh (TP.Từ Sơn, Bắc Ninh). Lý do, doanh nghiệp này đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trước đó, ngày 27.9, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) cũng ra 3 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đối với 3 cá nhân là người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp.

Số người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế quá hạn tại cơ quan thuế và hải quan đang ngày càng tăng, trong đó có nhiều doanh nhân nổi tiếng, lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp lớn. Theo Tổng cục Thuế, trong 8 tháng tính từ đầu năm nay, cơ quan thuế đã ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, tổng số tiền thuế nợ quá hạn là hơn 30.000 tỉ đồng. Kết quả thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đến nay đã thu được 1.341 tỉ đồng của 2.116 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Đáng chú ý, có gần 10.800 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ lên gần 6.900 tỉ đồng.

Vẫn tranh cãi việc tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế- Ảnh 1.

Người dân đến làm thủ tục thuế

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trong Công văn 4216 gửi các địa phương nhằm đôn đốc việc quản lý thu hồi tiền nợ thuế mới đây, Tổng cục Thuế cho hay số tiền nợ thuế trên toàn quốc vẫn ở mức cao. Nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế đưa ra 11 biện pháp để thu hồi nợ thuế. Trong đó, về việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế tỉnh, thành áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế trên 90 ngày. Các biện pháp này có thể được xem xét áp dụng đồng thời nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế. Không những thế, cơ quan thuế sẽ thường xuyên rà soát để kịp thời gia hạn hoặc hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh của các cá nhân liên quan theo quy định.

Nên quy định mức nợ bao nhiêu…

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo quan điểm của Tổng cục Thuế, việc ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế không quy định khoản nợ thuế nhỏ hay lớn. Cứ người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể giá trị của khoản này bao nhiêu. Trước đó, hồi tháng 5, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 5258 về việc phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế, trong đó đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế, là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Thế nhưng, việc này cũng gây nhiều tranh cãi, trong đó không ít ý kiến không đồng tình.

Luật sư - tiến sĩ (LS-TS) Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Rajah & Tann LCT, cho biết theo quy định tại điều 66 luật Quản lý thuế, khoản 1 điều 21 Nghị định 126 và khoản 5 điều 36 luật Xuất nhập cảnh, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng nhằm ngăn chặn người đứng đầu doanh nghiệp rời khỏi VN gây khó khăn cho việc truy thu ngân sách. Thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thuộc về thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đó…

Cần tránh việc lạm dụng các biện pháp phong tỏa doanh nghiệp, doanh nhân, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Đương nhiên, đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn thuế hoặc không thực hiện quyết định hành chính về quản lý thuế thì việc áp dụng cưỡng chế bằng những biện pháp chế tài hành chính, bao gồm tạm hoãn xuất cảnh, là cần thiết.

LS-TS Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Rajah & Tann LCT

"Quy định chung là thế nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng "lạm dụng" áp dụng biện pháp này, gây trở ngại hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, thậm chí gây thiệt hại cả về vật chất và uy tín cho doanh nghiệp và doanh nhân. Mặt khác, việc lựa chọn đối tượng để áp dụng biện pháp này cũng cần cân nhắc cẩn trọng. Đối với các doanh nghiệp nợ thuế có quy mô nhỏ, chậm nộp do nhiều nguyên nhân khách quan, hoặc số tiền nợ thuế từ 1 đến dưới 100 triệu đồng, thì việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là khá máy móc, chưa cần thiết", LS-TS Châu Huy Quang nêu quan điểm và cho hay luật Quản lý thuế 2019 quy định đến 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế, kèm theo biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như là một biện pháp bảo đảm cuối cùng.

Ông nhấn mạnh: "Trong số những biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế, có nhiều biện pháp có thể cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp như phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn, dừng làm thủ tục hải quan, kê biên tài sản… Lựa chọn phương án nào để truy thu thuế thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Tuy nhiên, theo tôi, cơ quan quản lý thuế cần thận trọng đánh giá, xem xét khi vận dụng vào từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể để đảm bảo hiệu quả của công tác thu ngân sách. Đồng thời, cần tránh việc lạm dụng các biện pháp phong tỏa doanh nghiệp, doanh nhân, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Đương nhiên, đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn thuế hoặc không thực hiện quyết định hành chính về quản lý thuế thì việc áp dụng cưỡng chế bằng những biện pháp chế tài hành chính, bao gồm tạm hoãn xuất cảnh, là cần thiết".

Thực tế, trong các quy định tại luật Quản lý thuế hay Nghị định 126 không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc hãng luật IAM, cho rằng nên chăng có quy định một ngưỡng nợ thuế bao nhiêu mới bị cấm xuất cảnh. Thứ 2, cần bảo đảm sự công bằng trong xử lý. Đó là việc cấm xuất cảnh của doanh nghiệp phải có mức nợ thuế ngang nhau hoặc tương đương. Không thể áp dụng hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế vài triệu đồng với cá nhân đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ hàng tỉ đến hàng trăm tỉ đồng. Thứ 3, khi ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh hay ngừng sử dụng hóa đơn của một doanh nghiệp, cần tính toán đến tác động xã hội, người lao động, đối tác, thị trường…

Trong mấy năm qua, những khó khăn của doanh nghiệp cũng được Chính phủ thấu hiểu, nên có nhiều chính sách hoãn, giảm, miễn thuế đối với doanh nghiệp. Ở đây, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan quản lý thuế cần được đề cập. Bởi khi một quyền được trao, trước áp lực phải thu hồi nợ thuế đọng, sẽ không ít trường hợp xảy ra là lạm quyền, thiếu sự tính toán, cân nhắc…

Luật sư Nguyễn Quốc Toản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.