Vàng đi về đâu?

17/10/2024 04:07 GMT+7

Không ai biết thị trường vàng sẽ đi về đâu bởi các câu hỏi đều không có giải đáp cụ thể, còn mua bán vàng trên thị trường thì vẫn khó khăn.

Diễn biến của thị trường vàng đến hôm nay là điều đã được dự báo. Chẳng hạn, mua bán vàng miếng SJC khó khăn là đương nhiên bởi hệ thống phân phối vàng miếng bị co hẹp mạnh, chỉ còn nằm trong 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC thay vì các đơn vị được phép kinh doanh vàng như trước; chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn thay vì cả nước trong khi nhu cầu vẫn thế. Cung ít cầu cao thì khó mua, khó bán là dễ hiểu. Còn với vàng nhẫn, hệ thống phân phối không bị siết trực tiếp nhưng với việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ vàng cũng đã tự động đóng cửa bớt. Chúng ta đều biết hơn chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng không nhập, vậy các tiệm vàng nhẫn lấy nguyên liệu ở đâu để sản xuất? Chắc chắn một trong số nguồn là từ vàng nhập lậu. Minh chứng là thời gian qua, cơ quan công an cũng như quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý khá nhiều vụ vàng lậu, vàng giả nhãn hiệu... Nay siết vào, vàng lậu hẹp cửa, hẹp đường mua bán nên khan hiếm vàng nhẫn là chắc chắn.

Biến động vàng ngày 16.10: Giá vàng đồng loạt tăng

Nhìn lại có thể thấy, biện pháp bán hàng qua 5 đơn vị nói trên với giá kiểm soát của NHNN kết hợp với thanh kiểm tra các cửa hàng bán vàng đã phát huy tác dụng. Thứ nhất, kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới. Ngay cả vàng nhẫn và vàng miếng giá cũng tiệm cận nhau, thay vì chênh cả chục triệu đồng/lượng dù cùng là vàng 4 số 9. Thứ 2, đưa thị trường vàng nhẫn hoạt động minh bạch hơn, đỡ rủi ro hơn cho người dân khi mua vàng. Thế nhưng, nếu sau đó, chúng ta chuyển sang biện pháp dài hạn, để đưa thị trường vàng phát triển bền vững hơn thì sẽ chẳng có gì đáng nói. Tiếc là biện pháp có tính thời điểm lại kéo quá dài, khiến thị trường vàng rơi vào thế vừa rủi ro, vừa méo mó. Rủi ro là đã có thêm một "thị trường" nữa hoạt động bên cạnh thị trường vàng của 5 đơn vị được phép bán vàng miếng từ NHNN với giá bán cao hơn. Cũng vì thế, đã phát sinh trường hợp "cò" xếp hàng mua vàng mà trước đó, NHNN phải nhờ cơ quan công an vào cuộc.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Vì thế, mua bán vàng ở ngoài thị trường tự do có thể khiến người mua vi phạm quy định này. Theo đó, các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân, hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định. Các giao dịch này sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần... Hồi giữa tháng 6, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã từng cảnh báo người dân về việc này nhưng do cung vàng miếng bị thu hẹp, mua bán khó khăn, thị trường vàng 2 giá vẫn đang tồn tại. Còn méo mó là bởi giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp nhưng cung - cầu không gặp nhau, vàng khó mua, bán thì định lượng... nên không phản ánh đúng bản chất thị trường.

Những vấn đề này đã được phản ánh nhiều lần nhưng chưa có tiến triển hay giải pháp nào khác. Bởi NHNN vẫn chưa có thời gian cụ thể sửa đổi Nghị định 24, được cho là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến các vấn đề của thị trường vàng nhiều năm nay.

Thế nên, khúc mắc thì nhiều nhưng cũng không ai biết thị trường vàng sẽ đi về đâu nếu tình trạng khó mua - khó bán vẫn tiếp diễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.