Vàng nhẫn lập kỷ lục mới 89 triệu đồng/lượng
Hôm qua (23.10), giá vàng thế giới tiếp tục tăng lên đỉnh mới 2.757 USD/ounce, tăng thêm 20 USD sau một ngày. Dù vậy, giá vàng miếng SJC vẫn đứng yên khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tiếp tục mua vào 87 triệu đồng/lượng, bán ra 89 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 87 triệu đồng, bán ra 88,5 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng sau một ngày. Tại nhiều đơn vị kinh doanh khác, vàng nhẫn 4 số 9 bán ra lên đến 89 triệu đồng/lượng, ngang với vàng miếng SJC. Chẳng hạn, Tập đoàn Doji mua vào 88 triệu đồng và bán ra 89 triệu đồng, tăng 1,3 triệu đồng so với ngày hôm trước. Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý tăng 1,2 triệu đồng, đưa giá mua lên 87,9 triệu đồng và bán ra 89 triệu đồng; Bảo Tín Minh Châu tăng 1 triệu đồng khi mua vào 87,48 triệu đồng, bán ra 88,98 triệu đồng…
Đáng chú ý, giá bán ra của vàng nhẫn lên bằng giá vàng miếng SJC nhưng giá mua vàng nhẫn của các doanh nghiệp nói trên cao hơn giá mua vàng miếng SJC từ 900.000 đồng - 1 triệu đồng/lượng. Như vậy sau 3 ngày đầu tuần đến nay, giá vàng miếng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn tăng 3,2 triệu đồng, nâng mức tăng so với đầu tháng 10 lên gần 6 triệu đồng/lượng, tương đương gần 7%. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn liên tục lập kỷ lục mới và tăng 26 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 41%, trong khi vàng miếng SJC tăng 15,5 triệu đồng, tương đương 21%.
Biến động vàng ngày 24.10: Giá vàng nhẫn giảm nhẹ sau khi lập đỉnh lịch sử mọi thời đại
Giá vàng nhẫn tăng vùn vụt nhưng trên thị trường rất khó mua. Theo chị Kim Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM), cuối tuần này (ngày 27.10) có đám cưới của đứa cháu trong nhà nên chị tính đi mua 1 chỉ vàng nhẫn làm quà tặng. "Mấy ngày rồi vàng liên tục tăng cao mình cứ chần chừ không mua vì hy vọng giá giảm xuống. Hôm qua ra hỏi mua ở mấy cửa hàng lớn thì không có. Chắc chuyển sang cho tiền, chứ mua của các cửa hàng nhỏ sợ mai mốt cháu cần đi bán cũng khó", chị Kim Hoa cho hay.
Chia sẻ trên một diễn đàn mua bán, chị N.L (Hà Nội) cho biết đang cần 3 chỉ vàng để làm quà cưới mà quá khó mua. Một số công ty kinh doanh vàng không bán nữa, còn Công ty vàng MH thì giao giấy gần tháng sau mới trả hàng thì không kịp công việc. "Mọi người biết ở đâu còn không, xin giới thiệu. Chỉ mua 3 chỉ vàng thôi", chị hỏi. Nhiều thành viên vào hướng dẫn chị N.L nhiệt tình. Một chủ tiệm vàng báo vàng nhẫn ép vỉ giá bán 88,9 triệu đồng/lượng (cao hơn các thương hiệu vàng khác từ 200.000 - 400.000 đồng/lượng). Còn vàng nhẫn của Doji, Bảo Tín Minh Châu thì không có hàng nên không có giá bán ra, nhưng tiệm mua vào với giá 87,48 - 88 triệu đồng/lượng.
Sáng qua 23.10, chúng tôi liên hệ với cửa hàng Doji trên đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM), nhân viên trả lời không có vàng nhẫn vì "chỉ khi nào có khách bán thì cửa hàng mới có vàng nhẫn để bán lại nên không biết chính xác khi nào mới có hàng". Đơn vị này vẫn chỉ mua lại vàng của chính công ty đã bán ra. Thử hỏi một cửa hàng tư nhân ở Q.Tân Bình thì chủ tiệm cũng ngần ngừ và sau đó thông báo hết vàng nhẫn 4 số 9, chỉ có các loại nữ trang. Còn bà K.B (chủ tiệm vàng ở khu vực Q.1) cho biết tiệm còn ít vàng nhẫn nhưng giá bán lên đến 89,5 triệu đồng/lượng…
Thị trường vàng ít mua bán
Không chỉ vàng nhẫn, người có nhu cầu mua vàng miếng SJC vẫn tiếp tục gặp khó. Hôm qua, chúng tôi vào website của Công ty SJC đặt mua vàng ở 5 điểm giao dịch tại TP.HCM nhưng đều báo không còn lượt mua. Đăng nhập vào ứng dụng Vietcombank cũng gặp tình cảnh tương tự. Vietcombank thông báo: "Quý khách vui lòng lựa chọn điểm giao dịch khác hoặc quay lại đăng ký vào ngày làm việc tiếp theo do VCB đã nhận đủ số lượng khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC của ngày hôm sau". Trong khi các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng chính thức mua vàng miếng SJC với giá 87 triệu đồng, bán ra 89 triệu đồng thì giá vàng trên thị trường "chợ đen" tăng mạnh từng giờ theo hướng loạn xạ. Một số người có nhu cầu mua vào thì rao giá 90,2 - 90,5 triệu đồng/lượng, nhưng những người muốn bán thì đẩy giá lên 91,8 - 92 triệu đồng/lượng. Mua vàng khó, giá tăng nên người có vàng càng không muốn bán, khiến thị trường khá trầm lắng.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhận định: Vàng nhẫn trên thị trường khan hiếm nên giá bị đẩy lên cao, tăng cùng chiều so với giá thế giới. Trong khi đó, vàng miếng SJC hiện nay đang được kiểm soát giá ở mức thấp. "Thị trường vàng hiện nay đứng cứng ngắc, kể cả vàng nữ trang, khi giá tăng đột biến", ông Trọng cho hay.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tình hình xung đột căng thẳng hiện nay tại Ukraine, Trung Đông và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào giai đoạn cuối đã tác động khiến nhà đầu tư có tâm lý lo lắng, lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn như vàng, khiến giá tăng cao. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà nhiều ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng để tăng dự trữ quốc gia. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiểm soát vàng miếng thông qua việc bán vàng cho Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Điều này khiến giao dịch của người dân khó khăn hơn chứ không phải do nhu cầu về vàng giảm đi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khi giá vàng tăng quá nhanh lên đỉnh cao thì việc mua vào cần thận trọng khi rủi ro khá cao, người mua lúc này dễ bị lỗ khi khả năng đảo chiều của vàng thế giới có thể diễn ra.
Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Citi (Citi Research) mới đây cũng nâng dự báo giá vàng trong 3 tháng tới, với lý do thị trường lao động Mỹ có thể tiếp tục suy yếu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cắt giảm lãi suất, cùng với nhu cầu mua vàng vật chất và các quỹ ETF gia tăng. Cụ thể, ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo giá vàng trong 3 tháng lên mức 2.800 USD/ounce, cao hơn 100 USD so với mức dự báo trước đó là 2.700 USD/ounce. Đồng thời, dự báo giá vàng trong 6 - 12 tháng tới được nâng lên 3.000 USD/ounce. Citi cũng cho biết giá vàng có thể tiếp tục tăng nếu giá dầu tăng mạnh do căng thẳng leo thang tại Trung Đông trong ngắn hạn.
Ngân hàng tăng mạnh giá mua USD
Ngày 23.10, các ngân hàng thương mại tăng mạnh giá mua 130 đồng mỗi USD, trong khi giá bán ra chỉ tăng 10 đồng. Vietcombank mua vào lên 25.190 - 25.220 đồng, bán ra 25.462 đồng. ACB tăng giá mua USD lên 25.170 - 25.200 đồng, bán ra 25.462 đồng… Chính vì giá mua tăng nhanh hơn bán nên khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán USD rút ngắn còn 250 - 260 đồng. Các nhà băng tiếp tục tăng giá USD lên mức kịch trần. Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm thêm 10 đồng mỗi USD, lên 24.250 đồng.
Bình luận (0)