Vàng nữ trang mạnh ai nấy 'phán'

03/10/2014 09:00 GMT+7

Gần 4 tháng sau khi quy định về quản lý đo lường chất lượng vàng nữ trang có hiệu lực, thị trường này vẫn không “nhúc nhích”. Người tiêu dùng vẫn bị ép giá, vàng vẫn không thể lưu thông với chất lượng, trọng lượng chuẩn như mong muốn.

Vàng nữ trang
Nhiều tiệm vàng vẫn chưa rõ quy định mới về quản lý vàng nữ trang - Ảnh: D.Đ.Minh

Một sợi dây chuyền 3 chất lượng

Đem sợi dây chuyền vào một tiệm vàng trên đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp (TP.HCM) bán, câu đầu tiên nữ nhân viên ở đây hỏi chúng tôi là “Mua dây chuyền này ở đâu?”. Sau khi nhận được câu trả lời, người này chuyển cho bộ phận kiểm tra. Nhân viên kiểm tra nhúng sợi dây chuyền vào một ly dung dịch rồi đưa lên cân. “Sợi dây chuyền này thấp tuổi quá, chỉ được 5,9 tuổi, nặng 1,73 chỉ. Tụi em mua 2,768 triệu đồng, tính giá 1,6 triệu đồng/chỉ, như vậy là cao rồi”, nhân viên kiểm tra đọc kết quả trên màn hình chiếc cân rồi quay sang nói với chúng tôi.

Không đồng ý bán, chúng tôi tiếp tục mang sợi dây chuyền đến một tiệm vàng khác trên đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh). Tại đây, mất khoảng 5 phút để kiểm tra, chúng tôi nhận được kết quả là sợi dây nặng 1,782 chỉ, hàm lượng vàng là 5,3 tuổi.  “Vàng thấp tuổi quá nên tiệm chỉ mua với giá 2,7 triệu đồng, tương đương giá 1,52 triệu đồng/chỉ”, nữ nhân viên của tiệm vàng này nói.

Sang một tiệm vàng thứ ba tại trung tâm mua bán vàng trang sức trên đường Lê Lợi (Q.1), chủ tiệm vàng đưa sợi dây chuyền cho nhân viên mang đi kiểm tra. Dẫn chúng tôi đi lòng vòng qua các cửa hàng ăn uống, đến một căn phòng nhỏ có 4 - 5 thợ trang sức đang làm việc, cô nhân viên bước vào và đặt sợi dây chuyền lên cân. Các chỉ số kết quả thể hiện trên màn hình vi tính sau khoảng 1 phút và được in ra giấy. Chủ tiệm vàng sau khi xem kết quả đã đề nghị chúng tôi bán sợi dây chuyền 1,73 chỉ này với giá 2,4 triệu đồng. “Vàng 5,7 tuổi nên chị chỉ mua được với giá 1,4 triệu đồng/chỉ thôi em ơi. Nếu muốn được giá, em về lại tiệm vàng cũ mà bán”, chủ tiệm vàng nói.

Một sợi dây chuyền qua 3 tiệm vàng, mỗi tiệm ra một trọng lượng, một tuổi vàng khác nhau nhưng điều giống nhau là tiệm nào cũng hỏi tung tích của sợi dây chuyền "mua ở đâu". 

Niêm yết tuổi nhưng bỏ trống giá

Theo Thông tư 22 có hiệu lực từ 1.6, các tiệm vàng bán vàng nữ trang thiếu tuổi, không công bố rõ trọng lượng, mã ký hiệu, hàm lượng vàng từng sản phẩm... sẽ bị phạt nặng. Nhưng thực tế sau 4 tháng áp dụng, hầu hết các tiệm vàng vẫn bỏ qua các quy định này.

Vào một tiệm vàng ở khu vực chợ Bến Thành (Q.1) hỏi mua một chiếc lắc đeo tay, nhân viên của tiệm đưa ra khá nhiều mẫu cho chúng tôi lựa. Quan sát kỹ mới thấy, mỗi sản phẩm được đính miếng giấy nhỏ, có cái ghi 5,6; có cái ghi 3,4; có cái ghi 8,7... Một số sản phẩm khác có ghi thêm chữ 18K. Nhân viên bán hàng giải thích những ký hiệu ghi trên giấy là trọng lượng vàng nhưng lại không hề ghi tuổi vàng. Nhìn vào các tủ trưng bày cũng tương tự, hầu hết các sản phẩm cũng được đính một miếng giấy nhỏ ghi các ký hiệu mà chỉ có người bán mới hiểu.

Giám đốc một công ty kinh doanh vàng trang sức nhìn nhận, dù các quy định về quản lý chất lượng vàng có hiệu lực từ nhiều tháng qua nhưng thị trường vẫn chưa cải thiện gì nhiều. Trước đây, nhà sản xuất làm ra sản phẩm có hàm lượng vàng 61 - 62% (tức 6,1 tuổi, 6,2 tuổi), chành (đơn vị kinh doanh) mua lại với giá vàng có hàm lượng 63%, rồi bán lại cho tiệm vàng giá 65%, tiệm vàng bán ra cho người tiêu dùng với giá vàng có hàm lượng 68 - 70%. Nay họ ghi đúng tuổi vàng để đối phó với lực lượng kiểm tra nhưng giá bán vẫn tính như cũ. Bán vàng 6,1 tuổi với giá của vàng 6,8 - 7,0 tuổi.

Theo khảo sát của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA), chỉ 20% trong tổng số 3.000 doanh nghiệp kim hoàn tại TP biết về các quy định của Thông tư 22. Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay vẫn còn đang tìm hiểu các quy định mới, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết phải thực hiện các quy định này như thế nào. Tuần trước, đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và kết quả cho thấy hầu hết đều chưa thực hiện đúng theo quy định về công bố cơ sở; tem nhãn không ghi hết các chỉ số thông tin cho người tiêu dùng nhận biết...

Theo ông Dưng, tình trạng “mua đâu bán đó” vẫn tồn tại và chất lượng vàng trên thị trường vẫn khó kiểm soát. Việc quy định cho phép thị trường có đến 17 tiêu chuẩn về vàng giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn nhưng cũng vì thế, chất lượng vàng nữ trang càng khó nhận biết và khó lưu thông hơn. Người mua vàng ở Cần Thơ mang lên TP.HCM bán thì bị ép giá hoặc vàng của một số nơi còn bị từ chối vì chất lượng quá thấp. SJA đã kiến nghị cơ quan chức năng nên quy định 4 tiêu chuẩn vàng phổ biến nhất là 10K, 14K, 18K và 24K để người tiêu dùng dễ nhớ và thị trường vàng dễ lưu thông.

Cân chưa kiểm định mà sử dụng sẽ bị phạt

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho biết: “Mỗi năm, doanh nghiệp kinh doanh vàng mang cân đến Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để kiểm định lại cân và được niêm phong kẹp chì, dán tem. Những chiếc cân đã được kiểm định mới được đưa vào sử dụng cân vàng cho khách hàng. Thông thường người tiêu dùng khi mua bán vàng hay nhìn số đo trọng lượng trên màn hình cân, ít ai quan tâm xem cái cân đó đã được dán tem kiểm định chưa. Việc một sản phẩm đem cân ở nhiều tiệm vàng khác nhau, cho ra kết quả trọng lượng khác nhau chứng tỏ cân của người bán không rõ ràng. Theo quy định, cân chưa được kiểm định mà đưa vào sử dụng sẽ bị phạt 9 triệu đồng”.

Ông Dưng cho biết thêm: “Khi có tranh chấp, khiếu nại về chất lượng vàng giữa người tiêu dùng và đơn vị bán thì sản phẩm vàng nữ trang, mỹ nghệ sẽ được thực hiện kiểm tra tại máy của Trung tâm vàng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Trung tâm kiểm định 3”.

Thanh Xuân

 >> Vàng nữ trang ăn gian giá
>> Siết' vàng nữ trang để bảo vệ người tiêu dùng
>> Gian lận vàng nữ trang
>> Chấn chỉnh thị trường vàng nữ trang, mỹ nghệ
>> Doanh nghiệp vàng nữ trang gặp khó
>> Kinh nghiệm mua vàng nữ trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.