Gieo chữ giữa rừng
Công ty TNHH phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom đóng ở xã Boeung Lavea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom đã thành lập được 15 năm nay. Với 3 nông trường cao su rộng 7.664 ha, Cao su Phước Hòa Kampong Thong đã xây dựng 2 trường học, từ lớp 1 đến lớp 6 với 126 học sinh là con em của cán bộ, công nhân các nông trường thuộc công ty.
Thầy Dim Sok Cheat, năm nay 41 tuổi và đã có 9 năm gắn bó với ngôi trường này. Thầy đến đây dạy học sau khi quen vợ là cô Ret Sok Han, năm nay 36 tuổi. Hai vợ chồng làm việc tại trường từ khi còn chưa kết hôn, nay đã có 3 người con, 2 con lớn của thầy cô năm nay 7 tuổi và 6 tuổi đều đang được học ở trường.
"Ngoài thu nhập từ ngành giáo dục của huyện, chúng tôi còn có thêm lương hỗ trợ của công ty. Nhờ đó mà hai vợ chồng có thể thoải mái trang trải cuộc sống. Công ty cũng cấp nhà ở cho chúng tôi ngay gần trường để tiện việc giảng dạy", thầy Dim Sok Cheat cho biết. Trước đó, khi chưa có các nông trường cao su, người dân ở xã Boeung Lavea phải đi làm xa ở Phnom Penh (thủ đô Campuchia). Chuyện học hành của trẻ con ở các phum, sóc gần như bị bỏ lửng vì điều kiện đường sá xa xôi, đời sống của bà con còn thiếu đủ bề.
Giữa trưa nắng cuối tháng 8.2024, chúng tôi chứng kiến thầy trò ở trường tiểu học dù mướt mồ hôi nhưng tất cả vẫn tươi cười. "Chỉ có một chút khó khăn là sách vở của các em hơi thiếu, nhất là sách, truyện ở thư viện. Nếu có thêm thì các con sẽ được đọc, học nhiều hơn", thầy Dim Sok Cheat nói.
Vào năm học mới, các lớp học ở trường cũng đã khởi động bằng việc ôn luyện, hệ thống lại kiến thức. Có vẻ như mùa hè dài đã khiến lũ trẻ háo hức khi cười đùa hào hứng trên những chiếc xe tuk tuk giữa rừng cao su xanh mướt. Xưa, tuổi thơ của thầy Dim Sok Cheat phải đi xa hàng chục cây số để theo học thành người gieo chữ như bây giờ.
"Có trường rồi các con sẽ không vì ngại đường xa mà bỏ học. Có như thế sau này các con mới có cơ hội để trở thành người có trình độ, tham gia vào các ngành lao động quan trọng, mang lại đời sống tốt đẹp hơn", thầy giáo của làng cao su kỳ vọng.
Từ công nhân thành quản lý
Có lẽ ước mơ của thầy giáo Dim Sok Cheat sẽ không xa nữa. Chúng tôi đã thấy ở Cao su Phước Hòa Kampong Thong hôm nay có những cán bộ quản lý người Campuchia cũng đi lên từ hoàn cảnh gian khó thời thơ bé. Như Phó giám đốc Nông trường 3, anh Moeurng Vanny (35 tuổi), hiện đang quản lý 401 công nhân Campuchia làm việc khai thác mủ cao su. Điều thú vị, anh cũng là công nhân thế hệ thứ 2 của công ty vì trước đó ba mẹ của anh từng là công nhân tại đây.
Vòng đời cây cao su là 25 năm, chừng ấy năm gia đình anh Moeurng Vanny cũng đã gắn bó với công ty từ khi Cao su Phước Hòa Kampong Thong mới thành lập. Công việc quản lý của anh là hướng dẫn, giải thích cho công nhân hiểu các quy trình chăm sóc vườn cây, kỹ thuật khai thác và thu hoạch mủ, triển khai các văn bản về chế độ chính sách, lương, thưởng và phúc lợi khác từ công ty.
Anh Moeurng Vanny nói: "Nhà mình ở tỉnh Takeo, cách đây mấy trăm cây số. Hiện nay cả gia đình đều chuyển về ở nông trường. Hồi ở quê, kinh tế khó khăn, ba má đến đây xin làm ở công ty vào năm 2009. Tôi học lớp 12 xong thì không có tiền học tiếp nên cũng xin vào công ty làm rồi mới học thêm đại học bên Việt Nam. Lúc đó công ty sắp xếp cho ngày thứ bảy, chủ nhật đi học về quản lý".
Với thu nhập đáng mơ ước 700 USD mỗi tháng, anh Moeurng Vanny nói đó là điều khó tin, bởi khi anh còn nhỏ người dân ở ấp dù đi làm xa cũng không bao giờ dám mơ đến mức lương ấy. Ngày theo bố mẹ đến công ty những năm mới thành lập, nơi đây còn hoang sơ, người dân bỏ đi Thái Lan, Phnom Penh làm ăn quanh năm. Nay anh có thể cùng vợ con vừa ở vừa làm tại một nơi và được phụng dưỡng cha mẹ già.
Trước đó, anh Moeurng Vanny học đại học ở Hà Nội xong, bố mẹ giới thiệu anh vào làm ở công ty năm 2013. "Đầu tiên mình làm công nhân chăm sóc cây cao su, sau được phân công lên đội trưởng đội khai thác, rồi hiện tại là phó giám đốc nông trường từ tháng 5.2024 đến nay".
Không chỉ anh Moeurng Vanny, cấp quản lý ở các nông trường cao su của công ty cũng có thêm nhiều cán bộ là người Campuchia. Như anh Buong Sophorn (43 tuổi), hiện là Trưởng phòng thanh tra bảo vệ công ty. Anh từng học ngành ngân hàng ở Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Tuy nhiên từ khi trở về, anh sẵn sàng làm vị trí mới theo nhu cầu công ty.
Công việc chính của phòng anh Buong Sophorn là phối hợp với công an và chính quyền địa phương bảo vệ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự cho công ty. Buong Sophorn chia sẻ: "Làm bảo vệ an ninh cho công ty, bảo vệ mủ, mình cũng lo cho sự an toàn của bản thân, nhưng dần dần biết cách giải thích với người công nhân là trộm cắp sẽ bị xử lý theo pháp luật, còn mất công việc có thu nhập ổn định… Đến nay tình trạng trộm cắp mủ cao su đã không còn nữa. An ninh khu vực dự án được bảo đảm. Thu nhập hằng tháng của mình là 900 USD, có điều kiện chăm lo cho gia đình, mua được nhà riêng gần dự án".
Xa xa giữa những rừng cao su thẳng tắp, chiếc tuk tuk chở các học trò của làng công nhân đến trường học bất kể nắng mưa, bên cạnh đội xe chở mủ cao su về nhà máy rộn rã tiếng cười nói. Sức sống ấy sẽ lại thêm một vòng đời cây cao su trong 25 năm nữa với nhiều hy vọng của những người làm cao su ở Cao su Phước Hòa Kampong Thom.
Ông Trần Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom, cho biết công ty quản lý dự án với tổng diện tích đất 8.694 ha, trong đó 7.664 ha trồng cao su. Tổng số lao động 1.500 người, trong đó cán bộ quản lý hiện tại ở công ty là 55 người Việt Nam, 65 người Campuchia.
Mỗi năm công ty khai thác sản lượng khoảng 11.500 tấn mủ cao su. Cho đến nay, mỗi năm công ty chuyển về chủ sở hữu 100% vốn là Công ty cổ phần cao su Phước Hòa ở Việt Nam từ 1,8 - 2,5 triệu USD. Đời sống của người công nhân và người dân xung quanh vùng dự án chuyển biến rõ rệt từ không có việc làm hoặc làm nông theo mùa. Năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động 8,1 triệu đồng/người/tháng.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)