Vàng và USD cùng 'nhảy múa'

Mai Phương
Mai Phương
14/03/2024 06:39 GMT+7

Giá vàng và USD đang thu hút sự quan tâm của nhiều người khi lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp.

USD tăng, vàng "lượn sóng"

Hôm qua (13.3), tỷ giá hối đoái giữa VND với USD do Ngân hàng Vietcombank công bố ở mức 24.450 - 24.830 đồng/USD, tăng 30 đồng so với ngày trước đó. Giá USD trong ngân hàng sau vài ngày hạ nhiệt đã quay trở lại như mức cao vào cuối tháng 2 vừa qua và cao hơn đầu năm nay khoảng 1,6%. Ngược lại, cuối ngày hôm qua, giá USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ cũng giảm mạnh 50 - 70 đồng khi còn mua vào 25.280 đồng và bán ra xuống 25.480 đồng. Giá USD tự do lao dốc sau khi đã chạm mức 25.700 đồng vào đầu tuần này.

Dù quay đầu đi xuống nhưng hiện giá USD tự do vẫn tăng gần 4% so với đầu năm nay. Trái ngược với cơn "sóng" USD trong nước, giá USD thế giới trong hơn một tuần qua hầu như ít biến động. Sau khi rớt xuống dưới mức 103 điểm, chỉ số USD-Index vẫn xoay quanh 102,5 điểm cho thấy đồng bạc xanh sau khi tăng cao trong tháng đầu năm đã giảm mạnh, bất chấp Mỹ vẫn đang duy trì lãi suất ở mức cao.

Vàng và USD cùng 'nhảy múa'- Ảnh 1.

Giá USD liên tục tăng cao

NGỌC THẮNG

Bên cạnh đó, giá vàng đang chứng kiến nhiều "cơn sóng" trong những ngày đầu năm. Giá vàng miếng SJC đã lập đỉnh mới ở mức 82,5 triệu đồng nhưng cuối ngày hôm qua đã giảm xuống còn 80,7 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn dao động quanh mức 2.158 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với ngày trước đó. Vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn thế giới trên 16 triệu đồng trong khi vàng nhẫn cùng thương hiệu cao hơn 4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC thời gian qua tăng cao cùng chiều thế giới nhưng sự biến động lớn hơn nhiều cũng một phần do được tính theo tỷ giá USD/VND và mức chênh lệch quá lớn.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh, tỷ giá USD/VND cũng như vàng miếng SJC giảm giá do tác động từ động thái hút tiền liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc hút ròng gần 30.000 tỉ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày đã phần nào đưa lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cao hơn. Hôm qua (13.3), NHNN tiếp tục hút gần 15.000 tỉ đồng thông qua phát hành tín phiếu. Như vậy, NHNN đã hút về tổng cộng gần 45.000 tỉ đồng trong 3 ngày qua. Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, việc hút tiền của NHNN không tác động đến hoạt động của các ngân hàng cũng như việc cho vay, đưa vốn ra nền kinh tế.

Biến động vàng ngày 13.3: Giá vàng quay đầu 'bốc hơi' mạnh

"NHNN hút tiền về đẩy lãi suất VND liên ngân hàng lên cao hơn, đưa giá VND lên cao. Từ đó giúp giảm bớt chênh lệch với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá. Việc bơm tiền hay hút tiền là công cụ sử dụng thường xuyên và có thể nói rằng điều đó giúp NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trong khi vẫn duy trì chính sách lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Bình ổn tỷ giá lẫn thị trường vàng

Giải thích cho việc giá vàng và USD cùng tăng cao, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng hai loại tài sản và tiền tệ này có liên quan với nhau, đặc biệt tại VN. Những ngày qua, những bất ổn về địa chính trị cùng với dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ giảm từ quý 2/2024 khiến nhu cầu đầu tư vào vàng lên cao, đẩy giá tăng mạnh. Xu hướng này cũng được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Trong khi đó, giá vàng SJC vẫn luôn duy trì mức cao hơn thế giới từ 17 - 18 triệu đồng/lượng, cũng sẽ khiến xảy ra tình trạng buôn lậu vàng. Để nhập khẩu vàng tiểu ngạch hay buôn lậu thì những người đầu cơ sẽ "gom" USD ở thị trường tự do. Nhu cầu lên cao sẽ khiến giá USD nhảy vọt. Hơn nữa, khi giá USD tự do gia tăng cũng sẽ phần nào tác động đến tỷ giá hối đoái tại các ngân hàng thương mại vì có thể một phần nào đó nguồn USD từ ngân hàng cũng sẽ chảy ra thị trường tự do khi có sự chênh lệch giá.

Vàng và USD cùng 'nhảy múa'- Ảnh 2.

Giá vàng từng lập đỉnh mới ở mức 82,5 triệu đồng trong tuần này

T.Xuân

Mặt khác, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với lãi suất USD cũng là một nguyên nhân đẩy giá đồng bạc xanh đi lên. Bởi các ngân hàng thương mại có thể vay tiền đồng để mua USD hưởng chênh lệch cả lãi suất lẫn giá mua bán. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận định: Có thời điểm lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng chỉ dưới 2%/năm trong khi lãi suất USD cùng kỳ hạn vẫn trên 4,5%/năm, Hay tuần cuối cùng của tháng 2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm do NHNN công bố là 2,38% thì lãi suất USD cùng kỳ hạn là 5,23% - đây là mức chênh lệch quá xa.

Do đó cơ quan quản lý đã có động thái hút tiền về để giảm chênh lệch lãi suất của VND với USD nhằm hạn chế đầu cơ tỷ giá. Tuy nhiên theo TS Huân, cơ quan quản lý cần phải xem xét bình ổn cả giá vàng trong nước. Chênh lệch của vàng miếng SJC với thế giới vẫn ở mức quá cao nên khó ngăn chặn được hoạt động buôn lậu. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì áp lực lên tỷ giá USD/VND vẫn lớn dù Mỹ hạ lãi suất.

Đồng tình, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhu cầu mua vàng trên thế giới lẫn trong nước đã tăng nhanh trong vòng một tháng qua. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất thì USD có xu hướng giảm và giá vàng được hưởng lợi vì rẻ hơn. Đó là chưa kể bất ổn địa chính trị, xung đột tại khu vực biển Đỏ vẫn căng thẳng và các nhà đầu tư lo sợ xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông. Từ đó kinh tế thế giới sẽ chịu ảnh hưởng theo hướng xấu hơn. Nhu cầu trú ẩn vào tài sản an toàn như vàng có thể chưa giảm. Có thể giá vàng vẫn tiếp tục tăng trong ngắn hạn và sau đó mới có thể giảm về lại sát 2.000 USD/ounce. Quan trọng nhất là do chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới quá cao đã khiến xảy ra tình trạng buôn lậu.

Dù chưa có số liệu thống kê nhưng từ một số vụ lực lượng công an công bố bắt giữ những kẻ buôn lậu vàng ở các vùng biên, cửa khẩu như An Giang, Quảng Trị... thì có thể thấy tình trạng này vẫn tồn tại. Từ đó sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái và gây nên biến động mạnh trên thị trường tự do. Do vậy cũng cần nhanh chóng có giải pháp để rút ngắn chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC với thế giới.

Giá vàng giảm khoảng 2 triệu đồng/lượng

Ngày 13.3, các đơn vị kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh mức giá giảm lên khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 78,2 triệu đồng, bán ra 80,7 triệu đồng (mức thấp nhất trong ngày là 80,5 triệu đồng); Tập đoàn Doji mua vào 77,5 - 78 triệu đồng, bán ra 80,5 triệu đồng (mức thấp nhất 79,9 - 80 triệu đồng); Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 78 triệu đồng (mức thấp nhất 77,65 triệu đồng), bán ra 80,25 triệu đồng (mức thấp nhất 80,05 triệu đồng)… Giá vàng nhẫn có mức giảm mạnh hơn, từ 1,6 - 2,1 triệu đồng/lượng, Công ty SJC mua vào 67,2 triệu đồng, bán ra 68,7 - 68,8 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 67,38 triệu đồng, bán ra 68,88 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 66,65 triệu đồng, bán ra 68,35 triệu đồng… Tốc độ giảm giá vàng trong nước nhanh hơn thế giới. Giá vàng trên thị trường thế giới sau khi giảm mạnh 24 USD/ounce, dao động trong cả ngày quanh mức 2.160 USD/ounce. Điều này dẫn đến giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới còn 16 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn thế giới còn 3,7 - 4 triệu đồng/lượng.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho biết giá vàng giảm mạnh do giá thế giới giảm. Các nhà đầu tư trong nước cũng bán chốt lời vì sợ giá thế giới sẽ còn tiếp tục giảm nữa xuống 2.100 USD/ounce. Tốc độ giảm giá của vàng trong nước mạnh hơn so với giá thế giới cũng xuất phát từ sự thiếu liên thông nên tăng giảm gì cũng sẽ rơi vào trạng thái quá mức. Ngoài ra thị trường còn xuất hiện tâm lý mua thì cùng mua, bán cùng bán. Thị trường tháng 3 chờ đợi những thông tin từ việc tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng nên có độ nhạy cảm nhất định. Khi lực bán chốt lời ở mức giá kỷ lục thì đồng loạt cùng bán ra dẫn đến giá giảm 2 triệu đồng/lượng.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.