Học sinh đặt câu hỏi trong chương trình truyền hình trực tuyến chiều qua 27.5 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Nội dung này được các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình do Báo Thanh Niên với sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM tổ chức vào chiều 27.5 tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn
Bằng tốt nghiệp có phân biệt ?
Trong năm nay, bên cạnh việc xét tuyển bằng kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia, có gần 200 trường ĐH xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa biết có sự phân biệt bằng cấp tốt nghiệp giữa các hình thức xét tuyển hay không. Hoàng Oanh, lớp 12C5 Trường THPT Trí Đức, nêu ra một thắc mắc mà nhiều thí sinh quan tâm: “Nếu em xét tuyển vào trường theo học bạ thì bằng tốt nghiệp ĐH có giá trị như xét tuyển qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia hay không?”. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn - tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khẳng định: “Ở tất cả các trường, xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia hay bằng học bạ chỉ là hình thức tuyển khác nhau. Các em vào học cùng một trình độ, học cùng giáo trình, tốt nghiệp có bằng như nhau. Vì vậy, các em không cần phải lo ngại về điều này”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, điều kiện xét tuyển của trường là điểm trung bình từng môn trong tổ hợp môn ở 3 năm học THPT đạt từ 6 trở lên đối với bậc ĐH và 5,5 trở lên đối với bậc CĐ. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết trường cũng quy định điều kiện giống như trên. Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường cũng lấy điểm 3 môn ở mức này nhưng chỉ xét điểm ở lớp 12 (chỉ lấy 2 học kỳ).
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin điểm trung bình học bạ cho 3 môn là 18 bậc ĐH và 16,5 bậc CĐ. Năm nay, trường xét tuyển học bạ 20 ngành nhưng có 2 ngành không xét tuyển hình thức này là dược và y đa khoa. Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trường sẽ xét theo tổ hợp môn của ngành, ở 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12, điểm tối thiểu là 18 đối với ĐH và 16,5 đối với CĐ.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên, Phó trưởng phòng Chính trị học sinh, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết chỉ tiêu xét tuyển học bạ của trường năm nay đến 50%.
Việc xét tuyển học bạ các môn năng khiếu tại các trường cũng có nhiều điểm khá đặc biệt. Đa số các trường đều xét 2 môn văn hóa, thi tuyển môn năng khiếu tại trường hoặc xét tuyển kết quả từ kết quả thi trường khác. Với môn giáo dục thể chất tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nếu là thành viên đội tuyển quốc gia, thi đấu giải quốc tế, nếu tốt nghiệp THPT, sẽ được tuyển thẳng.
Xét tuyển trực tuyến là gì ?
Phụ huynh một học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có mặt tại hội trường thắc mắc: “Tôi nghe nói năm nay có hình thức xét tuyển trực tuyến. Cụ thể là thế nào?”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết mục đích của xét tuyển trực tuyến là do các trường tuyển học sinh trên cả nước, có hình thức này sẽ tiện lợi hơn. Các trường sẽ đưa mẫu đơn lên mạng để học sinh tải về, điền thông tin gửi lại về trường. Đơn của thí sinh sẽ được lưu trữ tại các trường. Thí sinh không nhất thiết gửi hồ sơ qua bưu điện hay gửi trực tiếp. Sau đó, trường thông báo thí sinh trúng tuyển hay không, và thông báo thí sinh chứng minh thông tin bằng hồ sơ gốc. Việc đăng ký này giúp thí sinh tiết kiệm thời gian, tiền bạc, có điều kiện đánh giá chọn lựa các trường để nộp hồ sơ. Tiến sĩ Hải cũng lưu ý có thể sau ngày 30.7, khi có điểm thi, hình thức xét tuyển trực tuyến này cũng áp dụng cho thí sinh xét tuyển bằng điểm THPT quốc gia.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển cho biết việc xét tuyển trực tuyến cung cấp một số công cụ giúp thí sinh tiện lợi hơn trong việc chọn tổ hợp môn, tính điểm để đủ điều kiện nộp hồ sơ, sau đó nhận phản hồi của các trường. Lưu ý là sau này thí sinh trúng tuyển vẫn phải nộp hồ sơ đầy đủ như các thí sinh khác.
Để có nhiều cơ hội trúng tuyển
Cũng tại buổi trực tuyến, các chuyên gia đưa ra lời khuyên giúp thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh khuyên thí sinh càng nộp sớm cơ hội trúng tuyển càng cao, nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất để nộp hồ sơ và nên đăng ký nhiều ngành khác nhau vào trường.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết trước tiên thí sinh nên xác định ngành mình yêu thích. Nếu tỷ lệ chọi ngành đó cao nên đăng ký thêm một nguyện vọng nữa vào ngành khác có tỷ lệ chọi thấp hơn nhưng có tổ hợp môn như ngành kia. Nếu trúng tuyển ngành đăng ký sau mà không trúng tuyển ngành trước, trường thường cho phép sinh viên chuyển ngành sau một học kỳ nếu 2 ngành cùng tổ hợp môn và có điểm tương đồng. Chọn các trường có đào tạo tín chỉ vì sẽ dễ dàng hơn cho sinh viên để học cùng lúc 2 ngành.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển cũng khuyên thí sinh nên xem số lượng chỉ tiêu theo xét tuyển học bạ của các ngành để biết khả năng trúng tuyển cao hay thấp.
Bình luận (0)