Sống tiết kiệm vì giá xăng tăng
Gần một tuần kể từ ngày giá xăng tăng cao, Hứa Như Quỳnh, sinh viên năm 4 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, sống vất vả hơn thời gian trước đây. Cô đang đối diện với thời điểm vật giá leo thang.
Ảnh hưởng đầu tiên với Quỳnh là tiền đổ xăng, giá thực phẩm, tiền phòng trọ và một số mặt hàng thiết yếu đều tăng giá. Là sinh viên năm cuối, chờ thực tập, không thể đi làm thêm nên Quỳnh chỉ trông vào tiền từ ba mẹ. Tuy vậy, số tiền chu cấp hạn hẹp khiến Quỳnh “đau đầu” trong những tháng ngày này.
Sinh viên ở trọ lo lắng vì giá cả tăng trong thời gian gần đây |
Trí thiện |
So với trước đây, mỗi tháng Quỳnh chỉ mất khoảng 1,5 triệu tiền phòng trọ và tiền ăn thì hiện nay Quỳnh phải đi hơn 2 triệu đồng/tháng. “Vỉ trứng gà bình thường có giá khoảng 24.000 đồng nhưng nay đã tăng lên 30.000 đồng, ăn được khoảng 5 ngày cho 3 người. Do đó, mọi thứ tôi phải tiết kiệm”, Quỳnh cho hay.
Căn phòng trọ gồm 3 người ở ghép và Quỳnh cùng các bạn chọn cách góp gạo ăn cơm chung. Nếu đi học thì cô đi bộ, còn đi thực tập xa thì đi xe buýt. Cơm mỗi ngày giờ đây chỉ còn là rau củ, trứng, đậu hũ, thỉnh thoảng mua cá thay cho thịt. Mỗi tuần Quỳnh và các bạn chịu khó chạy lên chợ đầu mối Thủ Đức mua rau để có giá rẻ hơn chợ thông thường.
“Bây giờ đi học xong rồi tôi về nhà, không la cà quán xá hay trung tâm thương mại, không mua đồ hay sử dụng tiền cho mục đích giải trí gì cả”, Quỳnh nói.
Tương tự, Đặng Lan Vy, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng đang trải qua những ngày chật vật vì giá xăng tăng cao.
Nữ sinh viên chia sẻ cô phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu khác để vừa đủ tiền chi trả các khoản thiết yếu như tiền phòng trọ, chi phí ăn uống, vừa đảm bảo phương tiện di chuyển để đi làm đúng giờ giấc.
Với Vy, việc di chuyển mỗi ngày từ TP.Thủ Đức đến Q.1 là vấn đề nan giải. Hiện mỗi ngày Vy phải trả gần 30.000 đồng tiền xăng. Như vậy, mỗi tháng Vy phải chi khoảng 900.000 đồng tiền xăng. Trong khi đó, Vy là sinh viên năm cuối nên phải lo nhiều thứ, chưa tìm được việc làm và không có thu nhập.
“Để thích nghi với việc xăng tăng giá và tiết kiệm được tiền, tuần qua tôi đã có nhiều cân nhắc. Trước khi đi đâu, tôi sẽ suy nghĩ cái nào thật sự cần thiết để ra ngoài, cái nào có thể giải quyết qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Nên đi đường nào thuận tiện nhất để một công đôi việc tiện mua nhiều thứ, giải quyết được nhiều việc, hạn chế di chuyển để tiết kiệm xăng. Thậm chí có thể sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển vừa tránh nắng mưa lại tiết kiệm chi phí”, Vy nói.
Tìm chỗ ở mới gần nơi làm việc
Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền Trân, vừa mới tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cuộc sống đã không còn thoải mái như trước đây.
Trân kể cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi cứ 2 ngày/lần lại phải chi khoảng 80.000 đồng đổ xăng để đi làm dù trước kia chỉ cần đổ 50.000 đồng đã đầy bình. Trong khi chỗ ở của cô cách nơi làm việc khoảng 20 km.
“Không những xăng mà nhu yếu phẩm, hàng quán ăn uống cũng tăng giá khiến cuộc sống của sinh viên mới ra trường như tôi gặp nhiều vấn đề. Xăng tăng giá nhưng đoạn đường đi làm vẫn vậy, vẫn phải đi chợ, đi mua đồ ăn… cho nên, nếu giá xăng còn tiếp tục tăng, cuộc sống của mình chắc chắn sẽ bị đảo lộn hơn nhiều”, Trân nói thêm.
Nhiều sinh viên chọn cách tiết kiệm tối đa để mong đủ chi tiêu trong tháng |
Hiện tại, Trân phải cân đo đong đếm nhiều thứ, không còn hẹn bạn bè đi ăn đi uống, vừa tiết kiệm tiền xăng vừa tiết kiệm tiền ăn uống. Cô dự tính qua tháng tới sẽ chuyển chỗ ở cho tiện đường đi làm. "Nếu chưa tìm được chỗ ở ưng ý, gần nơi làm việc thì tôi có thể đi xe buýt một thời gian để không phải thiếu trước hụt sau như hiện tại", Trân chia sẻ.
Còn Phạm Thị Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trong tuần qua, cô cũng đang ở trạng thái “siêu tiết kiệm”. Phương áp dụng nhiều cách để tiết kiệm như: hạn chế đi ra ngoài, không ăn vặt, không mua vật dụng không cần thiết, không giải trí xa xỉ, ít gặp bạn bè...
Bên cạnh đó, nếu đến nơi nào có khoảng cách không quá xa thì cô sẽ đi bộ. “Cách cuối cùng là tôi sẽ chọn đi xe buýt và thay nhớt xe đúng định kỳ để xe bớt hao xăng, tiết kiệm tiền khi giá xăng tăng cao”, Phương chia sẻ.
Bình luận (0)