Vật liệu thay thế bao ni lông làm từ… dừa

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/12/2022 18:19 GMT+7

Dừa có thể làm ra vật liệu thay thế bao ni lông cách nào? Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã có lời giải. Nhóm cũng được trao giải thưởng, tiếp tục mở ra hướng mới cho vật liệu bền vững với môi trường.

Nguồn phụ phẩm thải bỏ của ngành công nghiệp sản xuất thạch dừa ở các địa phương sẽ được dùng để sản xuất vật liệu thay thế bao ni lông
hồng cúc

Giải pháp cho ô nhiễm rác thải nhựa

Nhóm sinh viên chủ dự án nghiên cứu vật liệu thay thế bao ni lông làm từ dừa là Nguyễn Ngọc Lam, Phạm Tuấn Khang, Phan Minh Khôi, thuộc Phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học và biomass, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Nhóm sinh viên cho biết cellulose sinh học, còn được gọi là cellulose vi khuẩn (bacterial cellulose, hay được gọi là BC). Cấu trúc BC có những tính chất vượt trội như khả năng hấp thụ và giữ nước tốt, độ bền kéo đứt lớn, độ co giãn, đàn hồi tốt và có thành phần hóa học tinh khiết. Đây cũng là một polymer hoàn toàn không độc hại, trơ với các quá trình trao đổi chất của con người và có độ trong suốt nhất định.

Nhóm sinh viên Nguyễn Ngọc Lam, Phạm Tuấn Khang, Phan Minh Khôi được trao giải thưởng lĩnh vực môi trường
thúy hằng

Nói chung về phương pháp sản xuất, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết BC dạng khối sau khi được tổng hợp bằng kỹ thuật lên men từ nước dừa sẽ được làm sạch bằng phương pháp trích ly axit.

Sau đó, thông qua các quá trình tác động cơ học, BC được phối trộn cùng nước, phụ gia và gia nhiệt, sản phẩm được tạo ra là các lớp màng. Chúng có độ bền cao và các đặc trưng tương tự nhựa nhưng hoàn toàn không chứa nhựa.

Nguyễn Ngọc Lam, đại diện nhóm cho hay tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa. Theo kết quả các khảo sát, khoảng 40% lượng nhựa sản xuất toàn cầu được sử dụng vào lĩnh vực đóng gói, bao bì.

“Như vậy, khi dự án vật liệu thay thế bao ni lông làm từ dừa Coconutic được sản xuất rộng rãi sẽ tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm thải bỏ của ngành công nghiệp sản xuất thạch dừa ở các địa phương. Từ đó, có thể tổng hợp và chế tác sản phẩm theo hướng tổng hợp xanh và sinh hóa, không sử dụng các hóa chất độc hại và vi nhựa”, Ngọc Lam cho biết thêm.

“Hai Lúa” trên cánh đồng khoa học công nghệ nước nhà

Dự án vật liệu thay thế bao ni lông làm từ dừa của nhóm sinh viên mới được trao giải thưởng lĩnh vực môi trường của INSEE PRIZE 2022.

Bao bì thay thế túi ni lông của nhóm được ứng dụng trong thực tế
ngọc lam

Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Đình Quân, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người hướng dẫn nhóm cho biết với Coconutic, nhóm đã tìm ra được một công thức để tạo ra lớp vật liệu nguồn gốc hoàn toàn sinh học và phân hủy sinh học.

"Công thức tuy đơn giản nhưng lại cho sản phẩm mẫu rất giống màng nhựa ni lông. Phát minh này có cơ sở khoa học thú vị là các bạn đã dựa vào các tương tác của nhóm chức oxy trên phân tử của polysaccharides để đề ra ý tưởng tạo cấu trúc vật liệu composite nano chặt chẽ", PGS-TS Quân nói.

“Hiện nay, nhóm nhận được sự quan tâm và tài trợ của quỹ hỗ trợ sáng kiến khởi nghiệp vì thế giới xanh ICM và Evergreen Labs (Mỹ). Sáng chế về màng vật liệu sinh học tiềm năng thay thế ni lông của nhóm cũng mở ra hướng nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa để tiến đến một sản phẩm có thể thương mại hóa”, PGS-TS Quân nói thêm.

Thầy Quân cho biết thầy và trò Phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học và biomass, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM luôn tâm niệm nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải cao siêu, mà phải thực tế. Sự đơn giản của sản phẩm đi kèm với hiệu quả thì giá trị của sản phẩm lại càng thiết thực.

“Giải thưởng mà nhóm vừa nhận, cũng như các nhóm sinh viên của đơn vị nhận được từ các giải thưởng sáng tạo công nghệ trong và ngoài nước những năm qua, là sự động viên khích lệ vô cùng quý báu. Bỏ qua những danh xưng ưu ái, chúng tôi chỉ mong được làm những "Hai Lúa" sáng kiến trên cánh đồng khoa học công nghệ nước nhà”, PGS-TS Quân, giảng viên hướng dẫn nhóm sinh viên làm vật liệu thay thế bao ni lông từ dừa, cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.