Cho vay tiêu dùng tăng lên 1,6 triệu tỉ đồng
Mặc dù là buổi trưa nhưng tại quầy hướng dẫn vay tiêu dùng của Trung tâm điện máy Thiên Hòa (Q.10, TP.HCM) vẫn có 2 phụ nữ đang nhờ nhân viên Công ty tài chính HDSaison tư vấn vay trả góp ti vi và tủ lạnh. Theo nhân viên này, với khoản vay 5 triệu đồng, mỗi tháng khách hàng trả vài trăm ngàn đồng cả gốc, lãi, bảo hiểm. Lãi suất cho vay của HDSaison đưa ra từ 2,5 - 3,5%/tháng tùy theo khoản vay, thời gian vay.
Tại cửa hàng Thế giới di động (Q.10, TP.HCM), người đàn ông đang làm thủ tục mua điện thoại giá 3 triệu đồng tại quầy cho biết, anh trả trước 10% giá trị điện thoại, còn lại số tiền góp hằng tháng khoảng 500.000 đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, người đàn ông này đi một vòng cửa hàng xem các sản phẩm khác, chờ trong khoảng 15 phút để hệ thống công ty tài chính duyệt khoản vay. Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit, cho biết nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân đang tăng lên vào thời điểm quý 4, số lượng hồ sơ mà công ty duyệt hằng ngày cao lên nhiều so với trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trên toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 12 công ty tài chính tín dụng tiêu dùng như FE Credit, Home Credit, MCredit, Jaccs... Các công ty này cạnh tranh trực tiếp với nhau tại các trung tâm điện máy, cửa hàng... cho vay trực tiếp khi khách hàng mua sản phẩm dịch vụ, phát hành thẻ tín dụng với lãi suất cho vay từ 1,7 - 5,2%/tháng tùy theo số tiền vay, thời gian vay. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang tăng cường chạy đua trong lĩnh vực vay tiêu dùng khi liên kết với các đơn vị bán hàng, cung cấp hàng áp dụng lãi suất bằng 0% trong trường hợp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thanh toán hàng hóa.
Cảnh giác với cầm đồ, huy động vốn đa cấp
Một giáo viên vay tiền, nhiều đồng nghiệp bị đòi nợNgày 25.10, thầy Thi Văn Trí, Hiệu trưởng Trường THPT-THCS Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), cho biết từ ngày 23.10 đến nay, nhiều giáo viên và cán bộ của trường này liên tục bị xúc phạm, bị đòi nợ "khủng bố"!
Thầy Trí kể: “Khoảng 8 giờ ngày 23.10, tôi nhận được điện thoại gọi vào máy bàn làm việc của tôi để đòi nợ cô L.T.T.L, giáo viên dạy mỹ thuật tại trường này... Sau đó, số máy này gọi liên tục, buộc tôi phải rút dây cáp điện thoại”. Theo thầy Trí, qua tìm hiểu ban đầu, có một nữ giáo viên của trường đã vay tiền qua mạng. Ngoài thầy Trí còn có 4 giáo viên của trường cũng bị “khủng bố” đòi nợ. Theo đó, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Trung Thành đã đăng tải thông tin cô L.T.T.L là con nợ và hình ảnh riêng tư của cô này lên mạng xã hội. Tiếp đến là những hình ảnh, CMND của đồng nghiệp cô L. và đề nghị họ kêu cô L. trả nợ.
Cô giáo D.T.N.H bức xúc cho biết tài khoản Facebook Nguyễn Trung Thành đăng tải nội dung “cảnh giác lừa đảo - trốn nợ” với hàng loạt ảnh, CMND của cô kèm những dòng chữ lăng mạ, xúc phạm danh dự. Còn cô giáo N.T.K.T nói: “Tài khoản Facebook đó còn nói chúng tôi “đồng lõa” với cô giáo L. trong khi chúng tôi không có liên quan đến việc cô L.vay tiền, mắc nợ”.
Ngày 25.10, bốn giáo viên bị khủng bố đã đồng ký tên yêu cầu Công an TP.Cà Mau can thiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tư cách người giáo viên. Cơ quan công an đã vào cuộc xác minh vụ việc.
Trong ngày 25.10, cô L. đã có bản tường trình như sau: “Tôi sử dụng mạng xã hội Facebook, chỉ cần chụp giấy CMND và cung cấp một số thông tin cá nhân thì có thể vay được tiền". Cô L. đã vay tiền tại các địa chỉ như: vay ATM online; VĐồng, Cashwagon, Idong, Ucash, Doctordong ...
Theo trường trình của cô L., từ tháng 7.2019, cô không có khả năng đóng lãi và không có khả năng trả vốn nên mới xảy ra sự việc nói trên.
Gia Bách
|
Các sàn cho vay ngang hàng (P2P) như Tima, Fiin, Mofin, Lendbiz, interLoan… gần đây cũng phát triển khá mạnh. Trong các sàn P2P tại VN, Tima được nhiều người biết đến. Theo con số công bố ngày 24.10, đơn vay mới trong ngày là 3.722 đơn, hiện có gần 5,5 triệu đơn đã được tư vấn vay, tổng số tiền giải ngân hơn 84,27 tỉ đồng, số người đăng ký vay hơn 4,1 triệu. Lãi vay của các cá nhân tham gia trên sàn P2P tự thỏa thuận và dao động khoảng 7 - 10%/tháng.
TS Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết hệ thống cho vay tiêu dùng hiện nay khá đa dạng đã đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Thế nhưng người đi vay phải tìm hiểu kỹ các loại hình, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao. Ngoài hệ thống ngân hàng cho vay tiêu dùng với số lượng còn ít, hệ thống công ty tài chính phát triển mạnh phần nào bù đắp. Gần đây có thêm hình thức công ty cho vay ngang hàng lên đến 40 công ty, trong đó có 5 - 10 công ty chính thống hoạt động bài bản và mô hình này có lãi suất cao hơn các công ty tài chính. Cuối cùng là mô hình biến tướng tín dụng đen, một số tiệm cầm đồ, một số app, hình thức huy động vốn đa cấp… trả lãi suất cao khó tưởng, lên tới vài trăm phần trăm. Người đi vay hay cho vay cần cảnh giác với loại hình cuối này và tốt nhất không nên tham gia.
Ông Nguyễn Thành Phúc lưu ý người đi vay cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay nhằm tránh vay tín dụng đen. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, người tiêu dùng cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin.
Bình luận (0)