VĐV dự giải Ultra Trail Dalat 2020 tử nạn: Trách nhiệm thuộc về ai?

22/06/2020 08:31 GMT+7

Liên quan đến vụ việc nam VĐV dự giải Ultra Trail Dalat 2020 bị lũ cuốn dẫn đến tử vong trên đường chạy, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai?

Như Thanh Niên đã phản ánh, đầu giờ chiều 20.6, khi VĐV Thái Đôn Thành (40 tuổi, ngụ TP.HCM) đang trên hành trình chinh phục cự ly 70 km, khi cố gắng vượt qua một khe suối đầu nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) thì bị lũ cuốn. Đến chiều cùng ngày, người dân và lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã tìm thấy thi thể anh Thành cách vị trí bị lũ cuốn khoảng 1 km.

“Chúng tôi có phần hơi chủ quan”

Theo Ban tổ chức (BTC), các VĐV đăng ký cự ly 70 km xuất phát lúc 4 giờ ngày 20.6, theo lộ trình từ Thung lũng Tình yêu xuống đường Thái Phiên (Đà Lạt), sau đó vào xã Đạ Sar rồi tiếp tục theo cung đường rừng về xã Lát, lên đỉnh Lang Biang (H.Lạc Dương) và kết thúc tại Thung lũng Tình yêu.
Chiều 21.6, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết đây là lần thứ 4 Sở phối hợp với Công ty cổ phần Việt Nam MTB Serie (MTB Serie) tổ chức Ultra Trail Dalat. Vì là giải thường niên tại địa phương Lâm Đồng nên không phải xin phép Tổng cục TDTT, Sở chỉ thông báo thời điểm tổ chức. Bà Nguyên cho biết đây là giải marathon xã hội hóa, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ về công tác tổ chức, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, y tế... còn việc thu chi do bên MTB Serie tính toán, vận động, Sở không can thiệp về kinh phí.
Cũng theo bà Nguyên, trong quá trình khảo sát cự ly các chặng đua, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng như Sở VH-TT-DL, Công an, Y tế... cùng tham gia với MTB Serie. Trước khi giải diễn ra Sở VH-TT-DL cử đoàn kiểm tra lại các lộ trình, khi thấy bảo đảm an toàn mới cho tổ chức. Tai nạn xảy ra với VĐV Thành là rất đáng tiếc, là sự cố ngoài ý muốn. BTC đã làm việc với gia đình nạn nhân và họ hết sức thông cảm. Khi các VĐV tham gia giải đều được bảo hiểm.
Về việc các VĐV phản ánh tại các trạm thiếu thực phẩm và nước uống, bà Nguyên nói sẽ cho kiểm tra lại, nếu có sẽ chấn chỉnh để lần sau tổ chức tốt hơn, chu đáo hơn.
Về lý do tổ chức giải vào tháng 6.2020, thời điểm thường xảy ra mưa lũ, bà Nguyên cho biết hằng năm giải được tổ chức vào tháng 3, thời tiết nắng đẹp, nhưng năm nay do dịch Covid-19 nên phải tạm ngưng. Khi Việt Nam đã khống chế được dịch, Sở cũng muốn qua sự kiện thể thao này để thu hút du khách đến với Đà Lạt. “Chúng tôi cũng lượng định tháng 6 Đà Lạt sẽ có mưa, nhưng không nghĩ mưa quá lớn và kéo dài như chiều 20.6. Chúng tôi có phần hơi chủ quan. Đây là bài học đắt giá cho chúng tôi, từ nay về sau không bao giờ tổ chức giải trong mùa mưa nữa”, bà Nguyên nói. Thông tin này cũng được đăng trên fanpage của giải.
Vụ VĐV dự giải Ultra Trail Dalat 2020 thiệt mạng vì bị lũ cuốn: Trách nhiệm thuộc về ai ?1

Các VĐV vượt qua khúc suối nguy hiểm

Các giải đấu mang tính tự phát cao

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Vũ, Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Việt Nam, cho biết trước đây giải Ultra Trail Dalat chỉ có nội dung marathon; từ năm 2019 có thêm xe đạp và năm ngoái Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Việt Nam đứng ra chịu trách nhiệm về khâu tổ chức cũng như chuyên môn của nội dung này. Tuy nhiên năm nay, theo ông Vũ, do BTC địa phương thay đổi điều lệ, chỉ cho các VĐV xe đạp không chuyên tham dự, trong khi liên đoàn lại muốn có cả VĐV chuyên nghiệp, nên liên đoàn đã xin rút và không còn vai trò là thành viên của BTC giải nữa.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Thông tư số 09/2012/TT/BVHTTDL quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng, do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký ban hành ngày 19.11.2012, điều 9 có nêu: “Giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế là giải thi đấu thể thao được tổ chức tại Việt Nam có sự tham dự của các VĐV nước ngoài do cơ quan, tổ chức Việt Nam mời. Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế gửi báo cáo bằng văn bản về Tổng cục TDTT ít nhất 20 ngày trước ngày khai mạc giải. Nội dung báo cáo nêu rõ mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải, kèm theo ý kiến bằng văn bản của Sở VH-TT-DL nơi tổ chức giải và ý kiến của các cơ quan khác, nếu có”. Giải Ultra Trail Dalat nằm trong phạm vi điều chỉnh của điều 9 này.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Tổng cục TDTT có nắm bắt được gì về giải đấu nói trên hay không? Nếu chiểu theo quy định của thông tư, BTC địa phương phải báo cáo về Tổng cục vào cuối tháng 5.2020 vì giải Ultra Trail Dalat khai mạc vào ngày 19.6.
Ngày 21.6, chúng tôi đã hỏi một số đơn vị trực thuộc sự quản lý của Tổng cục TDTT và được biết Liên đoàn Điền kinh Việt Nam hay Vụ Thể thao quần chúng đều không nhận được văn bản báo cáo từ BTC địa phương giống như các năm đã qua. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng không được báo cáo.
Vấn đề được đặt ra là tại sao từ các năm trước, đơn vị tổ chức giải không báo cáo mà phía ngành thể thao không có ý kiến gì? Một quan chức ngành thể thao cho hay: “Ngành cũng có nhắc nhở nhưng gần đây rất nhiều tỉnh đứng ra đăng cai một số giải chạy phong trào. Nếu các tỉnh không chủ động báo cáo thì chúng tôi rất khó kiểm soát. Hơn nữa, thông tư của Bộ cũng đã trở nên lạc hậu và có lỗ hổng. Với các giải đấu không chuyên, thẩm quyền cấp phép vẫn thuộc về UBND tỉnh nhưng cần phải bổ sung thêm điều khoản là trước khi được cấp phép, phải có sự thẩm định về mặt chuyên môn của cơ quan quản lý về lĩnh vực thể thao”.
Cũng theo vị quan chức này: “Còn thêm một bất cập nữa mà thông tư cũng cần phải có sự điều chỉnh. Bởi điều 9 quy định BTC địa phương báo cáo về Tổng cục TDTT trước 20 ngày - một quãng thời gian quá ngắn, không đủ thời gian thẩm định, nếu Tổng cục TDTT phát hiện ra có vấn đề thì cũng khó dừng giải lại vì mọi việc đã rồi, BTC đã chuẩn bị và các VĐV đã chuẩn bị bước vào thi đấu. Có một số giải gần như mang tính tự phát cao, như mới đây các VĐV nghiệp dư chạy xuyên Việt mà phía ngành thể thao không hề được biết hay báo cáo. Dưới thời tiết nắng nóng, nếu VĐV nào đó ngất xỉu giữa đường thì ai chịu trách nhiệm? Quả thật chúng tôi rất mong muốn chung tay kiểm soát những giải đấu phong trào vì xảy ra sự cố đáng tiếc nào đó, thật sự rất đau lòng. Luật Thể dục thể thao sửa đổi có hiệu lực từ 2018, do đó đã đến lúc cần phải nghiên cứu ban hành thông tư mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, chia sẻ quan điểm: “Việc các địa phương tổ chức các giải chạy với xu hướng xã hội hóa là tốt nhưng cần được siết chặt lại về chuyên môn. Nếu thông tư cho phép các liên đoàn thể thao quốc gia được kiểm tra và tham gia vào quá trình cấp phép về mặt chuyên môn thì các giải sẽ giảm được các sự cố. Vì chỉ khi các giải đáp ứng được các điều kiện thì mới được tổ chức thi đấu”. Ông Hùng lấy ví dụ một số giải chạy phong trào ngoài việc báo cáo Liên đoàn Điền kinh còn làm công văn tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhờ hỗ trợ, kiểm soát các cung đường mà VĐV sẽ tham gia, nhằm tránh tối đa mọi rủi ro.  
Đài khí tượng thủy văn đã cảnh báo thời tiết Đà Lạt khá xấu
Tối qua 21.6, trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Duy Thi, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, cho biết khoảng 10 ngày nay thời tiết tại Lâm Đồng khá xấu, trong đó có địa bàn diễn ra giải đấu. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, lượng mưa đo được từ 41 - 48 mm (tại TP.Đà Lạt). Theo ông Thi, đáng lẽ giải diễn ra vào tháng 3, mà tại Đà Lạt thời tiết đẹp nhất là từ tháng 1 đến trung tuần tháng 3. Kể từ sau thời điểm này, hình thái thời tiết thay đổi, có nhiều bất thường, nhiều mưa giông trong những tháng giao mùa và đầu mùa mưa. Giải diễn ra vào tháng 6 là thời điểm đầu mùa mưa. Trước ngày xảy ra sự cố, chiều 19.6, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng đã có 2, 3 bản tin cảnh báo có thể xảy ra mưa dông ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Chúng tôi đặt thêm câu hỏi: “Từ sự cố thương tâm vừa xảy ra, cơ quan theo dõi dự báo thời tiết có đưa khuyến cáo gì với những đơn vị tổ chức giải đấu diễn ra ngoài trời ở địa điểm có nguy cơ mất an toàn như giải đấu Ultra Trail Dalat không?”, ông Thi cho hay: “Như tôi vừa đề cập ở trên, 10 ngày nay thời tiết ở Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng khá xấu, giông lốc, mưa lớn bất chợt xảy ra, gây lũ, lũ quét quá nguy hiểm. BTC đã không lường được”.
Nhật Duy (ghi)
Những cuộc thi marathon khắc nghiệt tại Việt Nam
Giải marathon Ultra Trail Dalat, giải chạy vượt núi Việt Nam (Vietnam Mountain Marathon) được xem là những cuộc thi khắc nghiệt hàng đầu được tổ chức tại Việt Nam trong những năm qua.
Đây là lần thứ 4 giải marathon Ultra Trail Dalat được tổ chức. Ngoài các cự ly 10 km, 21 km, 45 km, 70 km, giải năm nay lần đầu đưa vào tranh tài cự ly 100 km. Cự ly này có 200 VĐV tranh tài, thi đấu xuyên đêm, xuất phát lúc 22 giờ và giới hạn thời gian thi đấu là 24 giờ, tức hoàn thành vào 22 giờ đêm hôm sau. Thành tích thi đấu ở giải marathon Ultra Trail Dalat được tích lũy tính điểm trong hệ thống Asia Trail Master của châu Á để tham dự các giải châu lục.
Ở marathon Ultra Trail Dalat, các VĐV chủ yếu băng rừng, lội suối, chưa khắc nghiệt bằng giải Vietnam Mountain Marathon tại Lào Cai khi các VĐV phải chinh phục đường núi hiểm trở. Đây được xem là 2 giải đấu khắc nghiệt nhưng đầy cuốn hút giới chơi marathon mạo hiểm, mỗi giải thu hút hàng ngàn VĐV tranh tài. Theo đánh giá của các VĐV từng tham dự 2 giải thì BTC Vietnam Mountain Marathon chuyên nghiệp hơn nhờ đội ngũ chuyên gia giỏi đến từ Đan Mạch.
Để tham dự giải thi đấu khắc nghiệt như vậy, các VĐV phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm từ sức khỏe, rủi ro trên đường đua cũng như tuân thủ những quy định của BTC. Với những cự ly dài 45 km, 70 km, 100 km, BTC quy định VĐV phải mang theo các dụng cụ bắt buộc như đèn pin đội đầu, nước, điện thoại di động đồng thời khuyến cáo mang theo gậy leo núi, áo mưa...
H.Quỳnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.