VĐV Việt Nam đối mặt nguy cơ dính doping từ thức ăn

17/07/2017 08:40 GMT+7

Đoàn thể thao VN dự SEA Games 29 đang phải đối mặt với một số vấn đề mà mới thoạt nghe thì rất “lạ tai”, đó là chất cấm trong thể thao (doping) chứa trong thức ăn hằng ngày, như chất tạo nạc ở thịt lợn.

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao VN, nói: “Cứ mỗi lần đọc thông tin về chuyện nơi này nơi kia sử dụng thịt lợn có chất tạo nạc là chúng tôi lại lo lắng, hoang mang. Chất tạo nạc thuộc danh sách doping bởi nó làm gia tăng sự phát triển của mô cơ, hạn chế sự phát triển của mô mỡ, gây kích thích tim… Thịt lợn có chất tạo nạc không chỉ có ở nước ta mà còn được đưa sang từ Trung Quốc. Bởi vậy, chúng tôi yêu cầu các VĐV phải hết sức cẩn trọng, không thì dính doping như chơi”.

Không được ra ngoài ăn
Bác sĩ Phạm Thị Thủy của đội tuyển bóng đá nữ VN cho hay hoạt chất salbutamol chủ yếu dùng để cấp cứu bệnh nhân hen lên cơn co thắt phế quản, không thở được. Chất này cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe và bị ngành nông nghiệp cấm sử dụng trong chăn nuôi như một loại hormone tăng trưởng. Tại VN salbutamol đã bị cấm từ năm 2002 nhưng nhiều nơi vẫn cố tình sử dụng. “Đội nữ vẫn ăn uống tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN nên yên tâm vì nhà bếp rất cẩn thận. Nhưng tôi vẫn phải nhắc các cầu thủ không được rủ nhau đi ăn ở ngoài, ví dụ như thèm đi ăn bún chả (thịt lợn nướng than), nhỡ đâu ăn phải thịt lợn kém chất lượng. Vì mắt thường đâu có thể phát hiện ra chất cấm trong thịt. Kể cả lượng tồn dư ít đi chăng nữa cũng khiến người ăn bị dính rồi”, bác sĩ Thủy nói.
Tập trung nhiều đội tuyển nhất, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Nhổn) mỗi ngày phục vụ hàng trăm suất ăn nên khâu kiểm soát nguồn thực phẩm rất được chú trọng. Lãnh đạo Nhổn cho biết: “Từ nhiều năm nay chúng tôi không mua thực phẩm ở chợ Nhổn. Rau phải nhập từ các công ty rau sạch, thủy hải sản mua ở những địa chỉ rất có uy tín; thịt lợn cũng lấy từ các công ty thực phẩm lớn. Chất lượng thực phẩm và bữa ăn phải được đặt lên hàng đầu. Cho tới nay chưa có VĐV nào bị ngộ độc thực phẩm và chúng tôi sẽ cố gắng đến mức tối đa để đảm bảo VĐV không bị ảnh hưởng, không bị dính doping từ bữa ăn”.
Coi chừng những thuốc thông thường
Ngoài thức ăn, các đội tuyển cũng luôn đặc biệt chú ý đến việc sử dụng thuốc khi VĐV đau ốm, chấn thương hoặc dùng thực phẩm chức năng, như HLV đội tuyển điền kinh Vũ Trọng Lợi cho biết: “Dùng gì cũng phải xin phép bác sĩ hoặc cẩn thận hơn là phải hỏi ý kiến Ủy ban Olympic VN và Trung tâm kiểm soát doping VN. Như tôi vẫn thường xuyên nhắc Nguyễn Thị Huyền là tuyệt đối không tự ý uống thuốc, kể cả vitamin”. Còn bác sĩ Phạm Thị Thủy lưu ý: “Loại thuốc cảm viên sủi có chứa codein bán rộng rãi ngoài thị trường, VĐV không được phép dùng vì đây là chất cấm. Tôi không cho bất kỳ cầu thủ nào tự ý mua thuốc về uống”.
Theo ông Trần Đức Phấn, đoàn thể thao VN đã cho tiến hành thử 30 mẫu doping và sẽ công bố kết quả vào ngày 5.8, trước lễ xuất quân 3 ngày.
Ông Phấn cũng chỉ đạo bộ phận y tế của đoàn và các bác sĩ phải thường xuyên cập nhật danh mục các chất cấm từ Cơ quan Phòng chống doping thế giới WADA.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.