Lần đầu tiên nhìn thấy
Từ trung tâm tỉnh Bến Tre, chúng tôi chạy dọc theo quốc lộ 60 rồi đến quốc lộ 57, hỏi người dân thì mất gần 1 tiếng mới đến được nhà của ông Trần Văn Thiết hay còn gọi là ông Bảy Thiết (ấp Thạnh Hưng A, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Đến nơi, trông thấy vườn nho xanh rì, trĩu quả và thưởng thức một ly đá bào si rô mật nho thì sẽ quên ngay cái nắng gây gắt.
Lúc bấy giờ vườn nho của ông Bảy Thiết đã có rất nhiều bạn trẻ đến tham quan và chụp hình.
Cầm chiếc điện thoại “check- in” liên tục cùng với bạn bè của mình, chị Nguyễn Thị Tú Quyên, 26 tuổi, trú ngụ tại Q.4, TP.HCM, hào hứng nói: "Dịp hè này có chuyến đi du lịch các tỉnh miền Tây, nghe mọi người “bàn tán” ở vùng biển mà có trồng một vườn nho rất lớn nên đến xem thử. Thật sự đây là lần đầu tiên mình thấy một vườn nho mà có trái nhiều đến thế ở miền sông nước, cảm thấy rất thích thú".
|
|
|
|
Còn chị Phan Thị Mai Phương, 38 tuổi, sống ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho rằng có thể nói đây là vườn nho đầu tiên mình thấy ở quê hương, cảm giác rất bất ngờ và thú vị.
“Mình biết được nơi đây qua lời giới thiệu của mấy người bạn. Lúc đầu tìm đường cũng hơi khó khăn, phải hỏi người dân thì mới đến được. Tuy đi đường xa nhưng khi đến đây tự nhiên cảm thấy hết mệt vì không khí mát mẻ, trong lành lắm”, chị Mai Phương nói.
Là người tại địa phương nhưng anh Hồ Văn Trực, 32 tuổi, trú ngụ tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, cũng phải thừa nhận hồi đó đến giờ đây lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một vườn nho ra trái nhiều đến thế.
“Do ở đây là vùng biển mặn nên cũng khó trồng lắm, chủ yếu là trồng dưa hấu, sắn. Có nhiều hộ cũng trồng thử nhưng không ra trái được hoặc vài tuần là chết. Nên trồng được một vườn cho trĩu quả như thế là quý lắm rồi”, anh Trực chia sẻ.
|
Mong du lịch tại quê nhà được phát triển
Ông Bảy Thiết chia sẻ, vườn nho này đã hơn 1 năm tuổi với gần 50 gốc, có ba loại: Nho đỏ, nho xanh, và nho hồng ngọc.
“Lúc đầu con gái tôi chỉ có ý định trồng chơi với gốc cây nho mua ở tỉnh Ninh Thuận về. Tôi sợ đất vùng biển mặn không trồng được, ai ngờ cây nho bén rễ ra trái liên tục. Đầu tiên nó ra 5 chùm, hái ăn rồi nó tiếp tục ra 8 chùm, rồi đến mười mấy chùm…. Thấy vậy, gia đình cố gắng chăm sóc vườn nho đến bây giờ”, ông Bảy Thiết nói.
|
Ông Bảy Thiết còn chia sẻ: “Trước khi trồng cần phải bón phân hữu cơ cho đất tươi xốp, rồi để dây nho bò như giàn bầu bí. Khoảng chừng 2 thước rồi cắt cành cho ra trái. Đến khi ra trái phải bón phân kali cho trái được ngọt hơn”.
Hiện tại gia đình ông Bảy Thiết chuẩn bị mở rộng thêm vườn nho để phục vụ khách du lịch ghé thăm.
“Đến tuổi này vui là chính, sống khỏe là tốt quá rồi. Thấy bà con ghé chơi mà mừng lắm, mấy tuần nay gia đình đang cố gắng trồng thêm một vườn nữa để phục vụ cho bà con ở xa, và chỉ mong là du lịch quê nhà mình được phát triển hơn”, ông Bảy Thiết tâm sự.
Là một trong 3 huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, huyện Thạnh Phú gồm những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát và những khu rừng ngập mặn. Ở ven biển, ven sông là những dải rừng ráng, chà là, dừa nước, bần, mắm, đước, vẹt ... Diện tích chung toàn huyện là 41.180 ha, phần lớn đất đai do ảnh hưởng thủy triều của Biển Đông nên bị nhiễm mặn, còn các xã từ thị trấn Thạnh Phú trở lên giáp với huyện Mỏ Cày thuộc vùng nước lợ. Việc phát triển nông nghiệp, nhất là cây lúa, gặp nhiều khó khăn, năng suất thường bấp bênh. |
Bình luận