Đến di sản văn hóa thế giới Hội An tham quan, điểm đến mà nhiều du khách không thể bỏ qua đó là chùa Cầu.
Từ chỗ ghép tranh bằng vỏ ốc, ông Năm đã sáng tạo ghép vỏ ốc lên đĩa giấy
- Ảnh: Hoàng Sơn
|
Có thể chụp ảnh bất cứ nơi đâu ở phố cổ nhưng “minh chứng” rõ ràng nhất của chuyến du lịch có lẽ là bức ảnh chụp có hình ngôi chùa cổ kính ấy. “Từ bao đời nay, chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ Hội An. Khách đến thăm, ra về họ luôn muốn có một chút gì đó để kỷ niệm với chùa Cầu. Tui luôn nghĩ phải đưa ngôi chùa vào tác phẩm của mình nhưng phải gọn, nhẹ để gần gũi hơn với khách du lịch. Những chiếc đĩa ghép bằng vỏ ốc có hình chùa Cầu đã ra đời như thế…”, ông Lữ Ngọc Năm (trú tại 53/10 Phan Châu Trinh, TP.Hội An, Quảng Nam) nói.
Ông Năm từng được nhiều người biết đến là người đầu tiên tại VN “vẽ” tranh bằng vỏ ốc ruốc. Sự độc đáo trong mỗi bức tranh chính là màu sắc tự nhiên của những con ốc ruốc thông qua bàn tay sắp xếp, ghép dán tài hoa của ông Năm. Bức tranh đầu tiên do ông “họa” nên dài 1,6 m, rộng 0,7 m về chùa Cầu đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi ít ai nghĩ rằng, những vỏ ốc vốn là đồ bỏ đi, vô tri vô giác khi xếp cạnh nhau lại tạo thành một bức tranh hoàn mỹ cả cách phối màu lẫn hình khối.
Từng nghĩ ra cách “vẽ” tranh bằng ốc ruốc nên để tranh này gọn hơn với ông Năm không khó. Và thử nghiệm ban đầu của ông chính là “vẽ” lên… chiếc rổ. Sau khi phân loại và chọn màu phù hợp, ông cẩn thận dán từng chiếc vỏ lên cái rổ đan bằng tre. Trong 2 ngày, tác phẩm chùa Cầu trên rổ hiện nguyên hình. “Chiếc rổ ở quê dân dã lắm. Ban đầu tui chọn rổ là vì lý do này. Ấy thế mà khi bức tranh hoàn chỉnh, bê trên tay lại thấy nặng ghê. Mà nặng như thế thì ai dám mua, không mua thì làm sao chùa Cầu của Hội An ra nước ngoài được”, ông tiếp lời.
Để bức tranh nhẹ hơn, ông Năm đã chọn nguyên liệu giấy carton và “đắp” hình chiếc đĩa làm “khung” bức tranh. Ông làm một cái khuôn hình đĩa úp, sau đó nhào giấy cho nhuyễn rồi trát vào khuôn. Khi giấy khô, ông Năm bóc ra và lấy chiếc đĩa giấy ấy để “vẽ”.
Đề tài trên những chiếc đĩa khá phong phú nhưng chủ yếu vẫn là đời sống, sinh hoạt của người dân tại phố cổ. Từng mái ngói thâm nâu, từng góc phố với gánh hàng rong, chùa Cầu… được ông khắc họa rất chân thực. Với nghệ thuật dán vỏ ốc chỉ cần 6 gam màu đó là đã đủ lột tả một phố cổ rêu phong. Nhưng khó nhất là khi nhận những bức tranh theo yêu cầu của khách, 6 màu ốc không đủ sức phô diễn, lột tả hết ý định của mình, ông Năm trải lòng: “Hoạt động hội họa đam mê mới làm được. Và với cách vẽ tranh bằng vỏ ốc, sự đam mê thậm chí phải nhiều hơn mức bình thường”. Bởi nếu tranh vẽ màu có sự dịch chuyển dần về gam màu nhẹ nhàng thì với vỏ ốc, màu sắc là sự “chuyển động” đột ngột. Chỉ cần kém kiên trì, tỉ mẫn một phút, bức tranh sẽ bị phá vỡ do “màu chuyển quá vội”.
“Phố cổ Hội An nhìn ở góc nào cũng đẹp. Tui cũng say mê với từng con hẻm, từng ngôi chùa… cổ kính”, ông Năm nói. Cũng vì yêu phổ cổ nên 10 năm qua, trong số 700 - 800 bức tranh, đĩa giấy bán ra, hầu hết đề tài ông Năm khắc họa là những góc nhìn tâm đắc, khác nhau về chùa Cầu. “Tui làm tranh là vì say mê nên mới đủ sức ngồi hàng giờ dán từng con ốc. Chứ nghĩ làm tranh để bán thì nhác làm lắm và không đủ kiên nhẫn để làm…”, ông Năm nói.
Bình luận (0)