Nhiều người từng là cán bộ cấp cao bị đưa ra xét xử, nhưng cũng chủ yếu với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng"; “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” - tức là họ bị xét xử vì vi phạm về trình tự, thủ tục khi ra quyết định, chứ không phải vì tham nhũng khi ra quyết định.
Điều này phát thông điệp đến các công chức, quan chức trong hệ thống, là phải siết trình tự, thủ tục thật chặt. “Quà” họ có nhận hay không còn tùy, nhưng thủ tục là phải đúng y văn bản. Thay vì quy định phải đi theo thực tiễn, thì những người sợ trách nhiệm “gọt” thực tiễn theo quy định, ép thực tiễn phải vừa với quy định.
Và với hệ thống pháp lý còn đang trong quá trình hoàn thiện của VN, thì đó thực sự là một thảm họa.
Sự đình trệ trong khu vực công có thể nhìn thấy bằng các con số. 5 tháng đầu năm nay, Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công được hơn 15%; giải ngân vốn đầu tư công cả nước được 29%. Các đối tác quốc tế cũng than vãn, khi giải ngân vốn vay của WB trong năm tài chính vừa kết thúc được 9,6%, một mốc “thấp nhất trong lịch sử” mới; giải ngân vốn vay JICA, ADB cũng chậm... Mấy năm qua không biết bao nhiêu hội nghị gỡ khó cho giải ngân đầu tư công, nhưng chưa gỡ nổi lòng người.
Một vị thứ trưởng đã về hưu than phiền: “Công chức giờ vô cảm thật”, khi doanh nghiệp kêu chỉ sai lệch vài chữ trong thủ tục cũng không được giải quyết. Rồi ngay lập tức, ông sửa lời luôn: “Nhưng cũng hiểu được”. Ông kể chuyện khi Bộ ông giải trình lý do làm việc a, b, c là để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, một vị cán bộ của một cơ quan kiểm tra cật vấn: “Bộ làm theo văn bản nào? Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ có “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không”?! và ông bình luận: “Thế thì hỏi còn ai dám làm gì nữa?”.
Giám đốc quốc gia WB tại VN Ousmane Dione, người đã có một nhiệm kỳ khó khăn, bày tỏ: “Chúng tôi đã chứng kiến việc ra quyết định bị chậm lại ở mọi cấp độ mà đôi khi không có lý do để lý giải. Tôi nghĩ một mặt, mọi người phải hiểu là tham nhũng là thứ tồi tệ nhất, và phải chống tới cùng. Nhưng ngược lại, những việc đúng đắn vẫn cần phải thực hiện... Cần phải đưa ra thông điệp là ra quyết định đúng đắn thì không phải e sợ bất kỳ điều gì. Và mọi người cần phải có động lực để ra quyết định đúng đắn”.
Đó là vế còn lại của “cuộc chiến”.
Bình luận (0)