Về công trình 'nhốt' đài phun nước vườn hoa Con Cóc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/05/2023 07:26 GMT+7

Một công trình bốn bề là gương đã "nhốt" đài phun nước thân thuộc của vườn hoa Con Cóc, một tên khác của vườn hoa Diên Hồng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), để mang đến thông điệp tới người dân: "Có không giữ, mất đừng tìm".

Công trình "nhốt" vườn hoa Con Cóc

Một diễn đàn kiến trúc được mở trên Facebook của TS Trương Ngọc Lân, Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng Hà Nội), nói về công trình tại vườn hoa Diên Hồng. "Mình thấy rất nhiều đánh giá tích cực về tác phẩm này nên xin phép làm một khảo sát nhỏ. Anh/chị thấy ý tưởng thiết kế công trình này hay ở điểm nào nhất, điểm hay đầu tiên mà anh chị nghĩ đến? Đặc biệt, rất mong nhận được câu trả lời của các kiến trúc sư (KTS) để phục vụ công tác phê bình kiến trúc", ông Lân viết.

Về công trình 'nhốt' đài phun nước vườn hoa Con Cóc - Ảnh 1.

Vườn hoa Con Cóc là công trình kiến trúc Pháp thân quen ở Hà Nội

Công trình ông Lân nói đến là pavilion, tại đó trưng bày các tác phẩm được vinh danh trong Top 10 thiết kế nhà ở và nội thất nổi bật của năm (Top 10 Awards) - một giải thưởng thường niên do Hội KTS VN bảo trợ. Nói cách khác, nó như một phòng triển lãm ngoài trời có bốn bề bằng gương lớn, bao quanh đài phun nước của vườn hoa Diên Hồng. Đài phun nước con cóc phun nước lên tháp, nước sau đó lại chảy dần xuống những tầng đĩa nước thấp hơn. Công trình này quen thuộc với người dân Hà Nội đến mức mọi người ít nhớ tên Diên Hồng, mà quen gọi nó là vườn hoa Con Cóc.

"Tác giả của pavilion là Nguyễn Đình Hùng và Nguyễn Hoàng Kim của Công ty kiến trúc NOWA. Hằng năm, lễ trao giải đều có dựng pavilion. Kiến Việt (một mạng lưới thông tin kiến trúc thuộc Hội KTS VN - PV) mời các KTS có tiềm năng, tài năng, tổ chức thiết kế và thi công công trình. Họ sẽ bộc lộ tài năng qua công trình đó", ông Vương Đạo Hoàng, Trưởng ban tổ chức giải thưởng kiến trúc Top 10 Awards, nói.

Trên thực tế, công trình này khiến người dân sẽ không còn nhìn thấy đài phun nước Con Cóc khi đi ngang qua đây như thường lệ. Họ sẽ chỉ nhìn thấy các công trình đối diện soi bóng trong gương, hòa lẫn trong không gian. Có thể thấy Bắc bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), khách sạn Metropole, Trung tâm văn hóa Ý bao quanh. Nhất là, rất nhiều cây ở vườn hoa này cũng soi bóng trong gương, tạo cảm giác cây nhiều gấp mấy lần. Đi qua cửa của công trình với con chó đá đứng canh kiểu truyền thống, người xem bước vào không gian có đài phun nước cùng các tác phẩm đạt giải thưởng kiến trúc năm nay được giới thiệu.

Theo ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia truyền thông văn hóa, qua công trình ban tổ chức muốn khơi gợi thông điệp về di sản "Có không giữ, mất đừng tìm". Ông nêu vấn đề: "Điều gì xảy ra nếu Tháp Rùa biến mất? Điều gì xảy ra nếu nhiều công trình tiêu biểu khác mà người Hà Nội tự hào và yêu mến biến mất? Đâu là giới hạn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái đơn giản và cái phức tạp, giữa cái mới và cái cũ, giữa bên trong và bên ngoài? Đâu là ranh giới giữa sáng tạo kiến trúc và việc lấy con người làm trung tâm?".

Về công trình 'nhốt' đài phun nước vườn hoa Con Cóc - Ảnh 2.

Người dân “thả tim” cho công trình

Trinh Nguyễn

"Tuổi thọ" công trình kéo dài theo mong muốn của người dân

Trong diễn đàn mà ông Lân mở ra, có ý kiến lo ngại về việc pavilion này là một hệ sắt - kính đặt giữa mùa hè Hà Nội nắng nóng gay gắt và cho rằng phương án này vào mùa mát/lạnh sẽ ổn hơn. Về điều này, ông Vương Đạo Hoàng cho rằng hiệu ứng nhà kính chỉ xảy ra khi ánh sáng xuyên qua kính và bị giữ lại trong đó. Công trình bằng gương sẽ không cần lo ngại hiệu ứng này.

Mặt khác, cũng theo ông Hoàng, việc sử dụng gương có điều rất thú vị. Phía chính tây công trình là tòa nhà Bắc bộ phủ. Tòa Bắc bộ phủ đó đã chắn hết nắng cho pavilion này. Công trình cũng không cao như những tòa nhà lớn nên không phản xạ ánh nắng mặt trời. "Tức là toàn bộ khối đó chìm dưới tán cây của vườn hoa. Tán cây còn cao hơn khối gương đó, hình phản chiếu trong gương làm khối gương như chìm đi và biến mất luôn, chỉ còn nhìn thấy cây. Nghĩa đen là công trình biến mất", ông Hoàng nói.

Về công trình 'nhốt' đài phun nước vườn hoa Con Cóc - Ảnh 3.

Công trình in bóng cây xanh

Hưng Đào

"Một pavilion bằng kính bao bọc lấy một trong những công trình kiến trúc đầu tiên tại Hà Nội thời Pháp thuộc, vườn hoa công cộng đầu tiên tại Hà Nội, sẽ rất gợi cảm hứng suy nghĩ và thảo luận về vấn đề di sản. Điều đó có nghĩa là, tuy "nhốt" song pavilion lại mở ra suy tư về công trình rất mạnh", ông Nguyễn Đình Thành nhận định.

KTS - nhà thiết kế nội thất Nguyễn Phương Chi cho rằng pavilion tại vườn hoa Con Cóc có câu chuyện và ý đồ rất sâu sắc vì nó chạm tới tầng tâm linh của người Việt. "Nếu được tham quan pavilion, bạn sẽ thấy công trình không chỉ tồn tại như một tác phẩm nghệ thuật, mà nó còn tạo ra cho người xem nhiều cảm xúc: tự hào, nuối tiếc, lo lắng, yêu thương, trách nhiệm, quá khứ và tương lai... Những di sản hàng trăm năm vừa được bao bọc, vừa in bóng phản chiếu qua những lớp "da" của công trình khiến nó như một chất xúc tác của cảm xúc", nhà thiết kế này nói.

Là một công trình thiết kế cho trưng bày giải thưởng và gửi quan điểm giữ gìn di sản, công trình này không thuộc diện được giữ lâu dài. Về "tuổi thọ" của công trình cũng có nhiều ý kiến. Trước mắt, tác phẩm dự kiến được trưng bày đến ngày 5.6. Trong thời gian đó, công trình cũng tiêu tốn nguồn lực của ban tổ chức. "Phải có người trông, vận hành nó. Chi phí thuê bảo vệ cao, cộng thêm tiền thuê dàn giáo dựng công trình nữa", ông Hoàng cho biết.

Hiện tại, phía UBND Q.Hoàn Kiếm cũng muốn tái sử dụng pavilion này vào lễ hội âm nhạc Monsoon của nhạc sĩ Quốc Trung. Về khả năng kéo dài hơn nữa công trình này để người dân tiếp tục được tương tác, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết: "Chúng tôi sẽ cân nhắc dựa trên mong muốn và sự ủng hộ của người dân". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.