Kiến trúc sư Phạm Minh Nhựt:

'Hãnh diện khi góp sức mình cho công trình văn hóa của TP.HCM'

Nguyên Vân
Nguyên Vân
08/05/2023 07:13 GMT+7

Về nước dự lễ khởi công Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (TP.HCM) cuối tháng 4 qua, kiến trúc sư Phạm Minh Nhựt (sinh sống, làm việc ở Bỉ) chia sẻ với Thanh Niên rằng, ông vô cùng hạnh phúc và xúc động vì tâm huyết được đóng góp cho công trình văn hóa quê nhà đã thành hiện thực sau 20 năm.

Đi hơn 15 nước, đến hơn 60 nhà hát…

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Minh Nhựt cho biết: "Tuy năm 2012 công ty chúng tôi (công ty kiến trúc A_Fine mà ông là giám đốc điều hành - một trong những công ty thuộc AFMEA Circus Group, tổng thầu chính) mới ký hợp đồng chính thức để tư vấn thiết kế Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, nhưng trước đó, từ năm 2003, những phác thảo đầu tiên về mô hình rạp xiếc đã được trình đến Sở VH-TT TP.HCM. Trải qua thời gian dài, với những thay đổi về ban lãnh đạo Sở, hồ sơ chuyển giao… nên tôi không biết tiến trình công việc sẽ thế nào cho đến khi UBND TP.HCM lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, trực thuộc UBND TP (khoảng cuối 2018, đầu 2019), cũng là chủ đầu tư dự án, chúng tôi mới có khái niệm rõ ràng nhất về dự án này…".

'Hãnh diện khi góp sức mình cho công trình văn hóa của TP.HCM' - Ảnh 1.

KTS Phạm Minh Nhựt

Ông Nhựt chia sẻ: "Trong thời gian đó, chúng tôi tiếp tục sửa - thay đổi phác thảo, từ thiết kế mô hình cho mảnh đất 6.000 m2 thành 10.000 m2, từ chỉ tiêu ban đầu là khán phòng 1.500 chỗ ngồi lên 2.000 chỗ. Vậy nên, tôi gần như thiết kế lại từ đầu".

Theo đó, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM, dự kiến hoàn thành tháng 4.2025. Công trình gồm 12 tầng nổi và 2 tầng ngầm. Trong đó, khán phòng chính (2.000 chỗ) gồm một sân khấu tròn di động, một sân khấu hình chữ nhật nối tiếp tạo thành sân khấu đa năng với hệ thống nâng xoắn ốc, có thể di chuyển trong nước (hoặc không). Phòng biểu diễn nhỏ/tập luyện (300 chỗ) gồm hai sân khấu hình tròn và có thể thu vào 300 chỗ ngồi, được trang bị nhiều thiết bị trên cao như: đu dây, hình thang đôi, hình thang ba, xe hai bánh, dây đai trên không, cột buồm gắn liền với lưới kỹ thuật, máy dẫn đầu trên không để nhào lộn... Trên mái có trung tâm hội nghị triển lãm có 1.100 m2 khai thác ngoài trời, là nơi để du khách có thể thưởng ngoạn xung quanh khu vực này từ trên cao...

"Nhận thấy quy mô và tầm quan trọng của công trình, nên từ hơn 10 năm qua, tôi đã đến hơn 60 nhà hát/nhà biểu diễn khác nhau ở 15 nước để học hỏi những cái hay, cái tiến bộ của họ. Cùng với công ty chúng tôi - chuyên về kiến trúc, còn có các công ty phối hợp: về kết cấu, về cơ điện, về công nghệ sân khấu; và với các đối tác địa phương", ông Nhựt thông tin thêm.

'Hãnh diện khi góp sức mình cho công trình văn hóa của TP.HCM' - Ảnh 2.

Phối cảnh Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, TP.HCM

NVCC

Văn hóa là trái tim…

Sau khi giới thiệu mô hình này ở lễ khởi công, anh nhận được những ý kiến gì?

KTS Phạm Minh Nhựt: Từ ban quản lý dự án đến lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM, ai cũng hoan nghênh mô hình công trình này, vừa hiện đại mà vẫn giữ được chất liệu văn hóa truyền thống của VN và đáp ứng các tiêu chuẩn nghệ thuật biểu diễn xiếc quy mô lớn cũng như các loại hình khác.

Bên cạnh đó, chính phủ Bỉ rất chú ý công trình này. Tôi (hiện là thành viên Hội đồng giám đốc của Hiệp hội Kiến trúc Vương quốc Bỉ, lần đầu tiên có người châu Á tham gia hội đồng này - PV) mong muốn chính phủ Bỉ sẽ hỗ trợ thêm để Sở VH-TT TP.HCM có thể tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ nghệ sĩ trẻ cho nghệ thuật xiếc. Tôi cũng đang kết nối, làm việc với Đại sứ VN và cộng đồng châu Âu tại Bỉ để đặt vấn đề với Bộ Ngoại giao Bỉ cũng như Đại sứ quán Bỉ tại VN (ông đại sứ rất say mê và ngạc nhiên sau khi xem dự án của tôi) về quỹ hỗ trợ đào tạo để có thể chuẩn bị cho thế hệ nghệ sĩ trong tương lai…

42 năm sống ở Bỉ, bằng cách nào anh có thể sâu sát được sự phát triển của nghệ thuật xiếc VN cũng như tâm tư nguyện vọng của nghệ sĩ để đồng hành và triển khai dự án này một cách thực tế nhất?

Gần như các anh chị em đoàn xiếc TP.HCM coi tôi như thành viên của họ. Tôi thường xuyên qua lại, gặp gỡ mọi người từ khi bắt đầu dự án cho tới nay, cùng lãnh đạo đoàn xiếc đi thăm nhiều công trình khác nhau… Những nghệ sĩ trẻ ngày xưa nay đã trưởng thành, có người bỏ nghề, có người về hưu, người thì tiếp tục công việc đào tạo… Mỗi lần đoàn xiếc mình sang biểu diễn châu Âu đều "a lô" tôi để cùng đi xem với họ, cùng sẻ chia và lắng nghe nguyện vọng của mọi người.

Mong muốn của chúng tôi là chúng ta phải cho các em, các cháu một cơ sở để các cháu tự tin: À, tôi chọn xiếc vì loại hình này có tương lai. Tôi hy vọng đây sẽ trở thành nơi gặp gỡ của các thế hệ nghệ sĩ, nơi mà văn hóa, bảo tồn văn hóa là trái tim để sẻ chia, giao tế với bạn bè thế giới.

Dự án này nếu tính thời gian, công sức đầu tư qua lại giữa Bỉ - VN của tôi (với đoàn xiếc hay đoàn múa rối) thì chắc tiền thù lao thiết kế công trình không đủ (cười). Nhưng hãnh diện và cả may mắn của mình là sau khi học kiến trúc, hành nghề kiến trúc ở quê hương thứ hai, tôi đã có thể quay trở về nơi tôi sinh ra và lớn lên đến 17 tuổi (Sài Gòn) để góp một phần tâm sức của mình dành cho công trình văn hóa nhiều ý nghĩa của TP, đóng góp phần nào trong việc gìn giữ nền tảng văn hóa quê nhà. Nên có thể xem đó là công trình cho tôi niềm hạnh phúc rất lớn trong cuộc đời và sự nghiệp kiến trúc của mình…

Các công trình do KTS Phạm Minh Nhựt (và công ty ông) tư vấn thiết kế: Đại sứ quán VN và Đại sứ quán Singapore tại Vương quốc Bỉ; sửa chữa bộ mặt của TTXVN tại Bỉ… hay công trình liên kết như: Tòa nhà Nghị viện Châu Âu tại Bỉ, Tòa nhà chính quyền TP.Uccle, Bỉ…

Phát biểu tại lễ khởi công, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Thế Thuận cho rằng việc đầu tư xây dựng dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ là việc làm cần thiết và cấp bách, có tính khả thi, phù hợp với quá trình phát triển đô thị. Công trình này sẽ là biểu tượng văn hóa, dấu ấn lịch sử của TP trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.