Kiến trúc sư 'tây học' giật mình vì sự thông minh của làng quê Việt

30/12/2021 10:30 GMT+7

Trong số giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2020-2021 được trao tối 29.12 tại Hà Nội, có một giải đồng dành cho ấn phẩm rất đáng được lưu ý từ cái tên của nó Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam - một cơ hội cho cảnh quan đô thị.

Đây là cuốn sách song ngữ Pháp - Việt của tác giả, tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy, do Nhà xuất bản (NXB) Khoa học xã hội ấn hành.

Tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy

* Được biết điểm xuất phát ban đầu của cuốn sách chính là luận án tiến sĩ quy hoạch đô thị tại Trường đại học Paris-Panthéon của anh?

- Tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy: Ông nội tôi từng là giáo viên tiếng Pháp từ thời Pháp, dạy cho trẻ em cả Pháp lẫn Việt. Như một duyên nợ, cả tôi cả anh trai đều học bên Pháp. Luận án tôi viết bằng tiếng Pháp, sau này được NXB động viên, tôi cố gắng dịch bằng tiếng Việt, nhờ hiệu đính cho hợp với ngữ cảnh, ngôn ngữ của Việt Nam hơn. Xuất phát từ luận án tiếng Pháp, dòng suy nghĩ cũng là tiếng Pháp, mà từ đó viết lại tiếng Việt cho dễ đọc hơn cũng không hề dễ với một kiến trúc sư thuần túy như tôi. Tôi nhờ nhiều người dịch và họ đều từ chối, vì chuyên môn sâu quá. Vì thế tôi đành phải viết thô, nhờ biên tập viên Nguyễn Thu biên tập, trau chuốt lại. Khi cô ấy hỏi lại những gì chưa sáng rõ, tôi viết lại để làm sao tới bạn đọc phải dễ hiểu nhất. Tôi cũng phải cảm ơn Nguyễn Thùy Linh và Đặng Thị Dưỡng với vốn tiếng Việt rất tốt đã hỗ trợ tôi nhiều trong quá trình dịch thô này.

Bìa sách Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam: Một cơ hội cho cảnh quan đô thị?

* Luận án tiến sĩ kiến trúc hay quy hoạch thì có nhiều. Nhưng từ một luận án thành sách song ngữ có giá trị khảo cứu ở Việt Nam như cuốn sách này thì không hề dễ, vì thực sự là một quá trình tái sinh khác biệt đúng không?

- Sự thực khi trở về Việt Nam tôi tham gia công việc giảng dạy, vì rất muốn chia sẻ với các bạn trẻ kinh nghiệm làm kiến trúc trên thế giới. Tôi thường nhắc sinh viên của mình, có lý thuyết nhưng phải đi đôi với thực hành thì công việc mình làm mới có chiều sâu. Vì vậy ngoài thực hành các công trình cụ thể, tôi tham gia giảng dạy và cố gắng viết những kiến thức mà mình trau dồi được thành những trang sách.

Điều này có một nguyên do sâu xa. Tôi có một người cha tuyệt vời, là một trong những kỹ sư địa chất rất giỏi, học trò cưng của cây đại thụ ngành địa chất Giáo sư Lê Như Lai. Năm nay cha tôi đã 76 tuổi, nhưng tất cả các vấn đề về địa chất từ Khánh Hòa trở ra ngoài Bắc, hỏi đến bất cứ nơi nào ông cũng trả lời vanh vách. Nhưng rất buồn là ông không để lại một cuốn sách nào. Trong giới kiến trúc của chúng tôi cũng có những câu chuyện như vậy. Khi kiến thức, tri thức không được tiếp nối thì thực sự lãng phí, rất đáng tiếc. Cứ nhìn sang khoa học phương Tây: càng chia sẻ thì càng làm đội ngũ mạnh lên, bao nhiêu kiến thức văn hóa đã được trao truyền qua các thế hệ hàng ngàn năm qua sách vở.

Cũng vì thế, khi được động viên nên đưa những thông tin hàn lâm khoa học thành dạng sách đại chúng hơn, tôi đã cố gắng thực hiện. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm chia sẻ những gì hiểu biết được. Phát triển đô thị, phát triển công nghiệp hóa sẽ làm mất đi những yếu tố văn hóa không thể lấy lại được thì chúng ta phải lưu giữ bằng sách.

* Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam có những gì đáng chú ý trong việc quy hoạch, phát triển đô thị?

- Đi học, đi làm ở Pháp, tôi được tiếp cận rất nhiều những kiến thức mới về thành phố thông minh, đô thị thông minh… Khi nghiệm lại tôi mới giật mình nhận ra, hóa ra làng quê Việt Nam, làng quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có những cái đó từ lâu lắm rồi. Ngay từ những phân tích về địa điểm, nơi chốn, tinh thần, văn hóa… tưởng phải có những kiến trúc sư đại tài mới tạo nên được, thì đã có hết ở những ngôi làng đồng bằng Bắc bộ. Nó hài hòa với thiên nhiên, tỷ lệ với con người, sử dụng những vật liệu của địa phương. Từ cây đa, bến nước, đến sân đình… Đấy là kiến trúc mà sau rất nhiều năm người ta nghiên cứu để hướng tới sự “thông minh”, thì trong bản chất chúng ta đã sẵn có rồi. Chúng ta ở bên làng quê, như ở bên một viên ngọc mà đã không thấy quý.

Quê gốc tôi ở làng Chờ (Bắc Ninh), một cái làng chẳng có nghề gì, duy nhất có một cách để tiến lên thoát nghèo đó là học hành. Xung quanh có rất nhiều làng nghề giàu có như Văn Môn, Đồng Kỵ…, nhưng làng tôi chỉ nổi tiếng về học, nên khung cảnh làng quê chúng tôi được thừa hưởng quá thanh bình, quá thông minh, đầy đủ những yếu tố mà bây giờ phải mất rất nhiều chất xám người ta mới làm được. Nhưng nó cũng đứng trước vấn đề của toàn xã hội, đó là toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, dẫn tới việc không gian bị cắt ra, bị thay đổi. Toàn bộ quyển sách của tôi xoay quanh một giả thiết, một câu hỏi mà cũng không hẳn là câu hỏi: Đó là, kiến trúc, cảnh quan của làng đồng bằng Bắc bộ này liệu chăng có là một cơ hội hay một may mắn cho việc thiết kế quy hoạch của những khu đô thị mới ngày nay trong nhu cầu phát triển đô thị hóa? Tại sao chúng ta lại phá hết đi, lại san phẳng cái nguồn cội tuyệt vời như vậy?

* Và cuốn sách đồng thời cũng chứng minh cho cho giả thiết đó chứ?

- Trên thế giới, đô thị xuất phát từ hai nguồn. Một là, sinh ra đã là đô thị, như Rome từ thời La Mã. Còn lại đa số như Paris, Bắc Kinh, Tokyo, Hà Nội… đều là từ những làng xã dịch chuyển dần thành đô thị. Hà Nội là một ví dụ rất điển hình, khi người Pháp đã xây dựng đô thị và vẫn giữ tính bản địa của khu 36 phố phường, để có dịch vụ phục vụ cho họ. Thực tế hiện nay phát triển đô thị, nhất là những dự án bất động sản nhiều khi chỉ quan tâm đến làm sao có hiệu quả trước mắt, sẵn sàng copy nguyên bản một hình ảnh nào đó của châu Âu mang về Việt Nam để bán cho nhanh. Nhưng đến thế hệ sau thì sẽ như thế nào? Đâu là thật đâu là giả, đâu là những giá trị nhất thời?

Cuốn sách này tôi viết với mong muốn, khi người đọc là người làm quy hoạch thì hãy bình tâm lại, hãy mạnh dạn chứng minh với chủ đầu tư rằng: không, anh đừng san phẳng nó, hãy giữ lại những cái đó, nó còn có giá trị hơn rất nhiều.

Tôi có thể ví dụ thực tế từ câu chuyện của chúng tôi khi được mời tham gia tiếp dự án Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) từ 2019. Ngay cạnh đó, phía bắc dự án có ngôi làng - vừa là làng vừa là xã, tên Lại Yên, đã tồn tại cả nghìn năm, có những di tích vẫn còn lại như cái đình, cái quán và đặc biệt ở đó có sự giao thoa về văn hóa, có cả nhà thờ Công giáo. Thực ra dự án Bắc An Khánh vốn xây dựng từ cánh đồng của làng Lại Yên. Đó là điều mà những người làm quy hoạch trước đây đưa ra phương án đã không quan tâm đến. Nhưng khi chúng tôi được mời tham gia, phân tích kỹ hiện trạng, đưa ra quan điểm và bảo vệ việc xây dựng một cái mới trên nền của cái cũ, thì chúng tôi đã thuyết phục được chủ đầu tư ngay lập tức. Chúng tôi tìm lại yếu tố kết nối từ ngôi làng tới dự án là nòng cốt của việc phát triển. Nghĩa là chúng ta phải làm tăng giá trị của yếu tố hiện trạng để lấy cái đó làm bàn đạp xây dựng nên cá tính riêng cho khu vực quy hoạch.

Đây cũng là câu chuyện tranh cãi hiện nay, toàn cầu hóa hay bản địa hóa. Để phát triển chúng ta phải toàn cầu hóa, nhưng để tạo ra giá trị cao cấp hơn thì chúng ta lại phải lưu giữ những nét đặc sắc nhất của bản địa hóa. Khách du lịch tham quan Việt Nam là để chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của Việt Nam chứ không thể vì có một Venise giữa lòng Phú Quốc hay Paris giữa lòng Hà Nội. Có một thực tế là tất cả các dự án đều bắt đầu từ các kiến trúc sư và những người đồng nghiệp của chúng tôi. Nếu như họ dám nói không, nếu như họ dám từ chối với những gì họ cho là sai, tôi nghĩ sẽ hạn chế được rất nhiều những vấn đề sai lệch trong phát triển đô thị như: đánh mất đi những giá trị của truyền thống, giá trị của bản địa, giá trị của văn hóa.

* Một điểm đặc biệt tôi có thế thấy là cuốn sách có rất nhiều hình ảnh, bản đồ…minh họa, rất dễ nhìn và rất đẹp. Nhưng mà khi viết, anh nghĩ cuốn sách có thu hút được bạn đọc phổ thông?

- Thực ra quyển sách về Làng xã đồng bằng châu thổ sông Hồng tôi viết không chỉ dành cho kiến trúc sư hay nhà quy hoạch. Cuốn sách này rất đời thường. Tôi viết nó như một món quà tặng ông nội tôi, vì ông cũng rất yêu những cây đa bến nước sân đình, những hình ảnh rất đặc trưng của làng quê Bắc bộ.

Chắc chắn những độc giả bình thường, những người yêu Việt Nam, những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc sẽ yêu nó vì họ sẽ tìm thấy một chút những quá khứ của họ nếu họ sinh ra ở những làng quê. Đặc biệt những người đi xa xứ họ sẽ thấy tại sao những vấn đề tác giả nghiên cứu ở Bắc Ninh, nhưng sao lại giống ở Hải Dương, sao lại giống ở Thái Bình… như thế.

Tôi nghiên cứu khá kỹ cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (viết 1931 - 1933) của nhà địa lý nổi tiếng người Pháp Pierre Gourou, từ đó so sánh những cái trước đây và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã gây ảnh hưởng thế nào, không gian kiến trúc, không gian làng xã đã thay đổi ra sao do quá trình xây dựng. Tôi hy vọng với thế hệ sau cuốn sách này sẽ có giá trị như một công trình khảo cứu, lưu trữ. Các số liệu nghiên cứu, địa danh trích dẫn trong quyển sách là từ thời kỳ Pháp thuộc đến cuối năm 2013 để phản ánh đúng giai đoạn tôi đã nghiên cứu.

Đặc biệt tôi cũng cố gắng xuất bản cuốn sách song ngữ để giúp các sinh viên khối Pháp ngữ có thể đọc thêm, bởi những từ rất chuyên môn trong quy hoạch, trong kiến trúc, kể cả những người rất giỏi tiếng Pháp, hay người Pháp nếu không đúng chuyên môn có thể cũng không chú ý hết.

KTS Nguyễn Việt Huy sau thời gian dài du học và làm việc tại Pháp, đã trở về Hà Nội làm việc gần 7 năm (là Giám đốc đại diện Công ty cổ phần ADA và cộng sự (Pháp) tại Việt Nam và giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường đại học Xây dựng. Khi được hỏi lý do trở về, anh nói: Có những người bạn cũng có chí hướng như tôi, muốn được chia sẻ những gì mình đã học hỏi, muốn cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn. Làm kiến trúc với quan niệm:Kiến trúc có thể thay đổi cuộc sống người dân và cộng đồng, thực hiện nhiều công trình và cũng giành nhiều giải thưởng kiến trúc, Nguyễn Việt Huy còn là tác giả của cuốn Kiến trúc xanh, xây dựng và phát triển bền vững (NXB Khoa học kỹ thuật - 2021).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.