Về Đề án cứu DN của Bộ Công thương: “Tháo gỡ” hay “giải cứu” ?

27/07/2012 03:20 GMT+7

Lần đầu tiên, Bộ Công thương - bộ quản lý chính đối với sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước - xây dựng đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhưng đề án chưa nhận định đúng tình hình cũng như phân tích chính xác, nhận diện nguyên nhân khó khăn của DN...

Về Đề án cứu DN của Bộ Công thương: “Tháo gỡ” hay “giải cứu” ?
Đề án chưa đề cập đến nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh: D.Đ.M

DN nhỏ chưa được lợi

 

Phải đánh giá đúng tầm nguy hiểm của tình hình mới có được các giải pháp cứu trợ DN hiệu quả. Đây phải là đề án giải cứu DN chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn cho DN, nếu không đến năm 2013 nền kinh tế cũng chưa thể phục hồi

TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài

Dù đối tượng hướng tới của đề án là các DN trong nước đang gặp khó khăn, trước hết là các DN vừa và nhỏ, nhưng vẫn chưa có nhiều nhóm giải pháp trong đề án dành cho đối tượng này. Trong khi đó, một số ngành lớn như điện, than, khoáng sản lại có những giải pháp khá rõ. Chẳng hạn như ngành điện, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép các DN được điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ, bố trí các nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài; hay ngành than được điều chỉnh giá bán than cho điện. Chưa kể, tại hội thảo góp ý cho đề án tổ chức ngày 26.7 ở Hà Nội, những đại biểu được mời phát biểu đều là đại diện các tập đoàn, tổng công ty lớn, thiếu vắng các ý kiến trực tiếp từ nhóm đối tượng DN đang khó khăn nhất.

Cần “giải cứu” gấp

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, cho biết đề án hướng tới 3 mục tiêu chính: giảm lượng hàng tồn kho, hỗ trợ DN tiếp cận vốn ngân hàng (NH); tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh của DN, hạn chế tình trạng DN thu hẹp sản xuất, ngừng sản xuất hoặc phá sản; tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, làm tiền đề cho năm 2013, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu DN. Tuy nhiên, có lẽ cũng vì phải ôm đồm quá nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nên những giải pháp, chính sách được đề án đưa ra theo nhiều chuyên gia vẫn còn khá chung chung, chưa có nhiều đột phá.

Về giải pháp trước mắt, Bộ Công thương đưa ra 7 nhóm giải pháp lớn về phía Bộ, nhấn mạnh vào việc giảm lượng hàng tồn kho cho DN, đẩy mạnh sản xuất như dồn vốn, xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án điện, đảm bảo tiến độ các dự án bauxite, thép; cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay tín dụng thuận lợi hơn; hỗ trợ xuất khẩu thông qua xúc tiến thương mại, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước...

TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, thẳng thắn nhận xét khó khăn trong 6 tháng qua không phải là tình hình cá biệt, đây chỉ là giai đoạn cuối của một quá trình bắt đầu từ năm 2008, nhưng phần đánh giá nguyên nhân cũng như thực trạng của Bộ Công thương còn sơ sài. Dẫn ra chỉ số công nghiệp của hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM sụt giảm chỉ còn trên dưới 5% (cùng kỳ mọi năm là 17 - 18%) và nhiều thông tin cho thấy trên 100.000 DN đang rất khó khăn, ông Mại cho rằng cần phải đánh giá đúng tầm nguy hiểm của tình hình mới có được các giải pháp cứu trợ DN hiệu quả. Đây phải là đề án giải cứu DN chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn cho DN, nếu không đến năm 2013 nền kinh tế cũng chưa thể phục hồi.

Đồng ý với nhận xét của TS Nguyễn Mại, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận đề án có hạn chế về nhận định tình hình chưa đầy đủ, chưa phân tích chính xác, nhận diện nguyên nhân khó khăn. Ông Hoàng khẳng định, các góp ý sẽ được tiếp nhận, và sớm hoàn thiện đề án để trình Chính phủ và gửi các bộ ngành xem xét, ban hành các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cứu DN là cứu ngân hàng

 

Nhà nước cần mở hầu bao

Chung nhận định phải tháo gỡ vốn cho DN, ông Nguyễn Mại đề nghị lấy kinh nghiệm TP.HCM vừa thực hiện trong tháng vừa rồi, các UBND quận huyện kết nối NH thương mại với DN, nhiều DN đã vay được 5 - 10 tỉ đồng. “Bộ trưởng Bộ Công thương nên bàn với Thống đốc NHNN có chỉ thị chung để tạo thành chiến dịch giải cứu DN, chỉ đạo các DN và NH tiếp cận nhau để cứu trợ khẩn cấp. Nhà nước nên mở hầu bao, hỗ trợ cho DN vay, chứ không phải giảm thuế, vì DN có hoạt động được đâu, có lãi đâu mà đóng thuế”, ông Mại nói.

Bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho biết dù làm trong lĩnh vực hỗ trợ DN 10 năm nay nhưng tới nay bà chưa được biết con số thực tế dư nợ tín dụng cho DN vừa và nhỏ trong hệ thống NH. “Theo điều tra của chúng tôi, vốn ưu đãi lâu nay vẫn chỉ vào các DN lớn”, bà Hằng nói.

Bà Hằng đề xuất hai nhóm giải pháp về vốn và thị trường. Cụ thể, về vốn cho DN vừa và nhỏ, phải đẩy mạnh các giải pháp xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm, hệ thống bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ vốn đang hoạt động thiếu hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp hỗ trợ phi tài chính, để năng lực xây dựng phương án kinh doanh của DN vừa và nhỏ được cải thiện. Về nhóm giải pháp về thị trường, bà Hằng cho rằng cần tập trung các biện pháp liên quan đến phát triển thị trường nội địa, hệ thống phân phối đến nông thôn, vùng sâu xa, khuyến khích DN có biện pháp quảng bá, khuyến mãi sản phẩm, thông qua việc bỏ trần phí quảng cáo.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN thừa nhận từ năm 2008 đến nay thường xuyên lặp đi lặp lại chu kỳ thắt chặt tín dụng quá, đến khi khó khăn lại phải mở ra. “Ngành NH trình Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, nhưng phải đảm bảo ổn định lâu dài. Để hỗ trợ DN, NH cũng đã có chính sách cho các DN đến kỳ trả nợ không trả được cũng được giãn, hoãn, và không đánh giá thấp xếp hạng tín dụng nếu DN vẫn còn khả năng sản xuất, đây là sự hy sinh chất lượng ngành NH”, ông Mạnh nói. Nhưng theo ông Mạnh, nhiều DN có khả năng, được cấp cứu kịp thời sẽ vượt qua, nhưng nhiều DN có cấp cứu cũng khó qua khỏi do quản trị kém, vốn phụ thuộc. NH cũng là DN, khi lựa chọn vốn đầu tư phải cân nhắc, những DN không đủ sức sống thì không cứu. Tuy nhiên, trái với quan điểm này, theo TS Nguyễn Mại, NHNN cần phải thay đổi tư duy, cứu DN cũng chính là cứu NH.

Mai Hà

>> Chính phủ không “cứu” doanh nghiệp một cách tràn lan
>> Cần “thuốc” liều cao để cứu doanh nghiệp
>> Chính phủ cứu doanh nghiệp
>> Cần gấp rút giải cứu doanh nghiệp
>> Giải pháp cứu doanh nghiệp bất động sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.