|
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa thể thao qui tụ hàng ngàn cư dân địa phương và nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung về tham dự… Đây là một lễ hội dân gian đã có từ hơn một thế kỷ nay. Nhiều người dân đã đến lăng Bà để cầu mong một năm mới an khang, tài lộc... Lễ hội rước cộ Bà là một hình thức nghệ thuật thông qua các trò diễn xướng dân gian mang tính cộng đồng, chứa nhiều giá trị tâm linh, văn hoá, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, luật tục, lễ nghi... “Cộ” có nghĩa là “Kiệu”, các nghệ nhân trang trí một bàn cộ để khiêng đi trong buổi lễ. Rước cộ Bà là dùng kiệu để nghinh Bà, nghinh sắc phong của Bà đi quanh chợ và khu vực lân cận. Bởi vậy, ở khu vực các xã phía đông H.Thăng Bình, từ lâu đã có câu ca: Hằng năm mười một tháng Giêng/Chưng cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân...
|
Theo tài liệu bằng chữ Hán “Thần Nữ Linh Ứng Truyện” còn giữ tại lăng, đây là một truyền thuyết về nữ thần thuần Việt. Bà có tên là Nguyễn Thị Của sinh ngày 11 tháng Giêng 1799 tại Châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hoà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Đại Cường, H.Đại Lộc (Quảng Nam) và mất ngày 25.2 âm lịch năm 1817. Bà là con nhà giàu có, sinh nơi khuê các nhưng ngày sinh Bà lại có “bụi hồng mù mịt, mây trắng bồng bềnh”. Càng lớn lên Bà lại có giọng nói sang sảng, người đẫy đà, trắng trẻo như tuyết, bước đi khác thường; lúc chết Bà rất linh thiêng và linh hiển, biến hoá thần thông để trị tội bọn quan tham, giúp kẻ thế cô, người gặp tai họa. Bà mất năm 18 tuổi và một lần đã hiển linh tại làng Phước Ấm (nay là khu vực chợ Được, xã Bình Triều, H.Thăng Bình) và muốn tụ tập dân lành, xây dựng nơi đây thành chợ để mua bán, phát triển. Bà hoá thành một thiếu nữ xinh đẹp làm nghề bán nước, đổi trầu; dần dần chợ Được trở thành nơi mua bán sầm uất của cả một vùng, đời sống người dân nhờ vậy ngày thêm no đủ…
Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương còn gọi “Chợ Được” có nghĩa là “Đắc thị”. Ngoài là một vị thần hiển linh, người dân vùng đông Thăng Bình từ xưa đã coi Bà là vị sáng lập ra chợ Được, hay còn gọi là chợ Bà - một trong ba chợ lớn nhất ở xứ Quảng từ xưa… và lấy ngày 11 tháng Giêng âm lịch (ngày sinh của Bà - có người lại cho là ngày nhận sắc phong đầu tiên) làm ngày Lệ Bà để tưởng nhớ công đức. Lễ hội cộ ngoài bàn kiệu chính là Sắc phong và Ngai của Bà, các nghệ nhân còn dựng lên các tích tuồng truyền thống của dân tộc Việt Nam để lễ hội thêm đa dạng, góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc hoặc các chuyện cổ mang tính giáo huấn sâu sắc của ông cha. Nội dung các cộ thường được thay đổi hàng năm nhờ vậy đã tạo ra sự sinh động và thu hút. Trong lễ rước hàng năm thường có 3 cộ thể hiện các sự tích trong lịch sử và truyện cổ mang tính giáo dục đạo đức do các nghệ nhân trong làng dàn dựng đã thu hút hàng ngàn người dân các xã vùng đông Thăng Bình và thị trấn Hà Lam. Nhiều người dân tại các tỉnh Bình Định, Nha Trang và TP.HCM cũng góp tiền thuê xe về dự…
Lễ hội rước cộ lăng Bà - chợ Được thực sự đã có sức sống lâu dài trong dân gian vì những sắc thái thiết thực của nó. Chính sự tự nguyện đóng góp kinh phí của người dân địa phương cũng như công sức của các thợ thủ công cùng nhau sáng tạo các mô hình cộ từ ngay sau ngày mùng 3 tết đã nói lên điều đó. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND H.Thăng Bình, từ lễ hội có ý nghĩa này, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu để kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, tạo ra một chuỗi sự kiện không chỉ để thu hút du lịch mà quan trọng hơn là tạo ra sự sinh động trong nỗ lực phát huy, giáo dục các truyền thống văn hóa dân tộc cho giới trẻ.
Trương Điện Thắng
>> Về lăng Bà - chợ Được xem rước cộ
>> Hàng ngàn người leo rào, chen lấn đi xem rước kiệu Bà
Bình luận (0)