Vừa mở bán đã chỉ còn vé VIP
Cục Hàng không vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV), các cảng Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Thọ Xuân, Vinh, Pleiku và các hãng hàng không về việc khai thác các chuyến bay đêm dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Theo báo cáo của các hãng, nhu cầu khai thác các chuyến bay đêm phục vụ người dân về quê ăn tết thông qua các cảng Hàng không Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Thọ Xuân, Vinh, Pleiku khá cao. Dự kiến, nhu cầu khai thác đêm trong giai đoạn Tết Giáp Thìn (từ 21.1 - 25.2 trong khung giờ từ 21 giờ - 5 giờ 59) đạt hơn 1.800 chuyến bay, chiếm tỷ trọng khoảng 8% so với tổng số chuyến bay nội địa khai thác toàn mạng.
Cũng để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mới đây, Bamboo Airways thông tin bổ sung 2 máy bay vào đội bay để tăng trên 20% tải cung ứng trong giai đoạn cao điểm này. Hãng dự kiến tập trung tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội - TP.HCM, giữa Hà Nội/TP.HCM với Đà Nẵng và các đường bay địa phương có nhu cầu cao như TP.HCM - Vinh/Thanh Hóa/Hải Phòng. Đồng thời, tăng cường các chuyến bay đêm trên đường bay TP.HCM - Hà Nội/Vinh/Đà Nẵng.
Vietravel Airlines cũng vừa thông báo tăng chuyến bay đêm thêm 3 chuyến/ngày trên chặng TP.HCM - Hà Nội. Trước đó, từ đầu tháng 12, các hãng hàng không đã tăng cường thêm nhiều chuyến bay dịp Tết Nguyên đán. Một số chặng bay đã "khóa sổ" đã được bổ sung nhiều vé rải rác từ đêm đến rạng sáng. Đơn cử, chặng bay TP.HCM - Huế giai đoạn từ 26 - 29 tháng chạp (tức từ 5 - 8.2.2024) chỉ có chuyến bay của Vietnam Airlines và Bamboo Airways, nhưng đều thông báo hết sạch vé phổ thông từ đầu tháng 11.
Công nhân nhịn nhậu dành tiền mua vé máy bay tết, rưng rưng: 'Cả năm không có dư!'
Chị Quỳnh Nga (ngụ Q.11, TP.HCM) chờ sau khi các hãng thông báo mở bán vé tăng cường, đã nhanh chóng mua được vé về Huế ngày 6.2 vào lúc 00 giờ 40 của Hãng Vietnam Airlines giá 2,445 triệu đồng/chiều, tương đương năm trước bay tầm trưa. Thời điểm đó, do cơ quan chưa chốt được lịch nghỉ nên chị Quỳnh Nga còn để trống chiều ngược lại từ Huế vào TP.HCM. Vậy mà chưa đầy 1 tuần sau trở lại khảo sát, toàn bộ chuyến bay ở cả 2 chiều của Hãng Vietnam Airlines đã chỉ còn vé hạng thương gia hơn 4,8 triệu đồng/chiều, dù các chuyến bay đều khởi hành vào tối muộn 21 giờ 30 hay rạng sáng từ 1 - 4 giờ.
Bamboo Airways có duy nhất chuyến bay lúc 19 giờ 45 và cũng chỉ còn vé hạng thương gia gần 4,5 triệu đồng/chiều. Chặng Huế - TP.HCM sau tết (ngày mùng 8 tháng giêng (17.2) được Vietnam Airlines bổ sung thêm 2 chuyến bay, 1 chuyến lúc 5 giờ sáng và 1 chuyến lúc 23 giờ 50. Đến thời điểm hiện nay, cả 2 chuyến đều chỉ còn vé hạng thương gia hơn 4,8 triệu đồng/chiều.
"10 ngày trước, em gái tôi "vớt" được tấm vé cuối cùng của Vietjet bay từ Huế vào TP.HCM, lúc gần 12 giờ đêm mà giá vé gần 2,7 triệu đồng/chiều, cao hơn gần 400.000 đồng so với giá vé năm ngoái nhà tôi bay giờ đẹp lúc 2 giờ chiều. Trước đây tưởng chịu khó bay đêm giá vé vừa rẻ hơn, vừa đỡ ùn tắc hơn nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, các hãng phân phối bay đêm nhiều, thành ra giá cao ngang nhau, mà chưa chắc đã được thông thoáng. Gia đình nào có con nhỏ, bay đêm hôm, rạng sáng mà lỡ delay vạ vật ngoài sân bay nữa thì đúng khổ", chị Quỳnh Nga lo ngại.
Tương tự, chặng TP.HCM - Vinh cũng được hãng hàng không quốc gia bổ sung thêm một số chuyến bay đêm giai đoạn 25 - 27 âm lịch. Vừa mở bán chưa được 1 ngày, giá vé đã tăng gần kịch trần - hơn 3,5 triệu đồng/chiều. Trước đó, hãng chỉ duy trì 4 - 5 chuyến bay mỗi ngày giai đoạn cao điểm trước tết ở chế độ "đồng hạng, đồng giá" thương gia gần 6 triệu đồng/chiều. Thế nhưng, cũng chỉ khoảng 1 tuần sau khi mở bán, 7 chuyến bay trải đều từ 00 giờ 30 - 3 giờ 45 của hãng cũng chỉ còn vé thương gia với giá tăng thêm gần 80.000 đồng, lên hơn 6 triệu đồng/chiều. Bamboo Airways sau khi tăng cường máy bay đã bổ sung thêm được 1 chuyến bay trên chặng này, cũng giờ rạng sáng 1 giờ 05 và cũng nhanh chóng "bay màu" dải giá vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia, giá còn cao hơn vé của Vietnam Airlines khoảng 50.000 đồng.
Vé đắt vì các hãng sớm "khóa" dải giá rẻ
Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng không, tổng số chuyến bay dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến đạt xấp xỉ 33.800 chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại. Trong đó, số chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24.200 chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác.
Đến thời điểm ngày 4.1, vé máy bay các chặng chiều từ TP.HCM đi 9 sân bay địa phương Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Quảng Bình, Vinh, Quảng Ninh đã đạt tỷ lệ đặt chỗ từ 85 - 95% (riêng đường bay đến Vân Đồn đạt 100%). Chiều từ 13 sân bay địa phương về TP.HCM, các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao rơi vào các ngày sau tết từ 4 - 10 tháng giêng (từ 13 - 19.2) từ 79 - 93%. Ngoài ra, đường bay Hà Nội đi Vinh trước tết đã lấp đầy 99% số ghế cung ứng.
Trong khi đó, các đường bay trục như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn từ 24 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (từ 3 - 15.2.2024) chỉ đạt trung bình từ 30 - 40%. Nguyên nhân đây là các đường bay có lượng ghế cung ứng cao nhất nhì trong tổng số ghế mà các hãng hàng không mở bán dịp tết, nên lượng vé còn nhiều.
Mặc dù vậy, giá vé máy bay trên các chặng này vẫn không hề "hạ nhiệt". Đơn cử, vé khứ hồi của Hãng Vietravel Airlines chặng TP.HCM - Hà Nội chiều đi ngày 6.2, về 17.2 có giá từ hơn 6,5 đến hơn 7,1 triệu đồng tùy chuyến. Cùng chặng, cùng thời gian, vé của Vietjet "đồng giá" tất cả các chuyến gần 7 triệu đồng/khứ hồi. Bamboo Airways mới bổ sung hơn 10 chuyến bay, bay 2 chiều tốn hơn 7,5 triệu đồng. "Anh cả" Vietnam Airlines thì chỉ còn số ít chuyến bay có giá vé hạng phổ thông hơn 7,3 triệu đồng/khứ hồi. Đa số các chuyến bay của hãng chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 17.2 chỉ còn vé hạng thương gia gần 10 triệu đồng/chiều.
Liên quan phản ánh giá vé máy bay đắt đỏ, Bộ GTVT cho biết hiện tại, các hãng hàng không VN đều kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu của hành khách và đảm bảo trong khung giá quy định. Tuy vậy, theo cơ chế thị trường, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao. Ngược lại, ở những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ tết, nhu cầu tham gia vận chuyển của hành khách thấp (cầu sụt giảm mạnh so với cung) thì các hãng hàng không đều hạ thấp giá vé. Điều này lý giải cho tình trạng những giai đoạn cao điểm lễ, tết, dù hành khách chực chờ "săn" ngay từ khi các hãng bắt đầu mở bán nhưng gần như không thể mua được vé giá tốt. Ngay như dịp Tết Nguyên đán 2024, các hãng hàng không mở bán vé tết từ trước tết nửa năm nhưng hầu hết các chặng vừa mở bán đã chỉ có vé chạm trần, giá cao ngất ngưởng.
Cục Hàng không yêu cầu ACV cùng các cảng xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực (bao gồm cả nhân sự dự phòng), đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng phục vụ các chuyến bay đêm. Đồng thời, không tăng phí phục vụ mặt đất của các cảng hàng không địa phương khi phục vụ các hãng hàng không khai thác ban đêm.
Bình luận (3)
Mỗi năm một lần vé đắt một chút nhưng ngày xuân tươi sáng mà.
Năm nay, nhiều đường cao tốc nên thời gian di chuyển bằng Ôtô nhanh hơn rất nhiều với tình hình giá máy bay quá cao. Tôi lựa chọn về quê bằng xe khách khi kinh tế còn khó khăn như năm nay
Mắc quá. Thì chọn phương tiện khác mà đi.