Về miền Đông đất đỏ

Mai Lý
Cần Thơ
05/12/2023 15:00 GMT+7

Thành phố Đồng Xoài là thủ phủ của tỉnh Bình Phước, từng là một địa danh nổi tiếng trong những năm chiến tranh với đường 13.

Qua cầu Sông Bé, chúng tôi dừng lại một đỗi để ngắm nhìn con sông nổi tiếng của miền Đông đã đi vào lịch sử. Dấu vết của chiến tranh còn lại là cây cầu cũ bị sập mất nhịp giữa. Năm xưa, nơi đây là chiến trường, có rất nhiều trận quyết chiến ác liệt xảy ra giữa quân giải phóng và quân Sài Gòn ở khu vực này.

Núi Bà Rá, Phước Long

Núi Bà Rá, Phước Long

TGCC

Thành phố Đồng Xoài thoáng, đẹp nằm ở ngã tư có đường Hồ Chí Minh đi qua. Ta có thể đi Tây nguyên theo đường 14, lên Phước Long theo lộ 741, về Chơn Thành rồi đi Lộc Ninh theo quốc lộ 13 đến cửa khẩu Hoa Lư giáp với Campuchia.

Đêm ở Đồng Xoài tĩnh lặng hơn so với những thành phố khác.

Sóc Bom Bo và núi Bà Rá

"Người đi xa vắng rồi cũng có ngày

Tìm đường này thăm sóc Bom Bo"(*)

Ngày thứ hai của chuyến "du hành" về miền Đông, chúng tôi đến với địa danh Sóc Bom Bo rất nổi tiếng, cách thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng chừng 10 km đường đồi dốc.

Trước đây, Sóc Bom Bo là một làng S'tiêng, còn giữ được nhiều nét nguyên thủy của tổ tiên họ. Đàn bà mặc váy, có khi để ngực trần. Đàn ông chỉ vấn một chiếc khố. Tiếng chày trên Sóc Bom Bo năm xưa vẫn còn âm vang, gây nhiều cảm xúc trong lòng người…

Đền thờ liệt sĩ núi Bà Rá

Đền thờ liệt sĩ núi Bà Rá

TGCC

Ngày nay, Sóc Bom Bo đã thay đổi rất nhiều, xóm làng, chợ búa đông vui như phố chợ của người Kinh. Ông Đỗ Mạnh Côn - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bù Đăng cho chúng tôi biết, người Bom Bo đa phần đã hòa nhập cộng đồng, sinh hoạt như các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nhà văn hóa sóc Bom Bo được đầu tư xây dựng rất rộng rãi, bề thế trên một ngọn đồi thoáng đãng, trong phòng trưng bày cối giã gạo, gùi đeo vai, vòng trang sức, khung dệt, xa quay sợi, thổ cẩm, cung nỏ, hồ lô (bầu) đựng nước…

Nằm sát cạnh thị trấn, núi Bà Rá sừng sững, uy nghi, cao 733 m, là một thắng cảnh đẹp, hùng vĩ của huyện Phước Long. Có một con đường nhựa chạy quanh co lên đến hơn lưng chừng núi. Đứng trên đỉnh Bà Rá ta có thể thấy một khu vực rộng lớn chung quanh bạt ngàn một màu xanh bất tận. Rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên vẹn với rất nhiều cổ thụ to. Có một cây bằng lăng khổng lồ cao có đến 100 m, vòng tròn cỡ 10 người dang tay chưa giáp. Đây là một ngọn đồi thuần cây thau lau, tên gọi là đồi Bằng Lăng, hoa tím ẩn hiện trong sương rừng và gió núi trông rất đẹp và lãng mạn.

Về miền Đông đất đỏ - Ảnh 3.

Sông Bé

TGCC

Hồ Long Thủy dưới chân núi mênh mông, có diện tích trên 12.000 ha, như một mặt gương khổng lồ, phẳng lặng và đẹp như tranh vẽ. Hồ có dung tích khoảng 1,7 tỉ m3. Đây là nơi cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Mơ hiện đại. Ở lưng chừng núi có nhà bia kỷ niệm rất trang trọng. Dưới chân núi có di tích nhà tù Bà Rá, được xây từ thời Pháp thuộc.

Lộc Ninh với nhà "cao cẳng"

Vào những năm 1930, 1940 của thế kỷ trước, đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh nổi tiếng đã đi vào ca dao, văn học:

" Ai đi xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh

Mẹ theo ông đội về dinh

Bỏ con ở lại một mình quạnh hiu

Ai đi xe lửa Lộc Ninh - Sài Gòn"

Con đường xe lửa thời Pháp được mở ra để vận chuyển hàng hóa khai thác về "mẫu quốc", và đưa những người phu cạo mủ, những người nghèo khổ tứ xứ lên các đồn điền của Tây ở Bình Long, Phước Long, Phú Riềng, Lộc Ninh. Con đường ấy bây giờ chỉ còn lại một đoạn ngắn cạnh nhà Văn hóa Lộc Ninh, đa phần chỉ còn trong ký ức của một thời lịch sử đầy biến động.

… Mùa hè năm 1972, quân đội VNCH buộc phải rút lui khỏi Lộc Ninh. Đây là huyện đầu tiên ở miền Nam trong chiến tranh (1954-1975) được quân giải phóng miền Nam hoàn toàn kiểm soát (7.4.1972). Lộc Ninh hồi ấy, có một ngôi nhà rất nổi tiếng, đó là "nhà giao tế" còn gọi là nhà "cao cẳng" vì trông giống nhà sàn của người dân tộc.

Bên trong nhà ''Cao Cẳng''

Bên trong nhà "cao cẳng"

TGCC

Nhà giao tế Lộc Ninh do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thiết kế sau hiệp định Paris 1973. Những bàn ghế, hiện vật, không gian vẫn còn nguyên vẹn và bảo quản tốt.

Nhà có hai tầng. Do vấn đề tế nhị về ngoại giao, nên phải thiết kế lối đi riêng dành cho các bên, mỗi phe đối thoại đi theo lối đi của mình lên tầng trên họp. Có hai cái bàn tròn ở giữa phòng. Bàn tròn trước dành cho đại diện phái đoàn quân sự của bốn bên có gắn cờ và biển hiệu. Bàn tròn sau dành cho đại diện ICCS (Ủy ban Quốc tế về kiểm soát và giám sát đình chiến Việt Nam) gồm có 4 nước: Canada, Hungary, Ba Lan và Indonesia. Đây là nơi gặp gỡ, hội họp của các phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên và các ủy ban kiểm tra kiểm soát, giám sát thi hành hiệp định Paris 1973.

Khi chúng tôi đến di tích sân bay Lộc Ninh - nằm giữa hai vạt rừng cao su xanh tốt, có một đường băng dài đã bị hư hỏng khá nhiều do để nguyên trạng và bị thời gian, mưa nắng tàn phá. Tại sân bay này, sau hiệp định Paris 1973, phía cách mạng đã nhận hơn 43.000 tù binh được trao trả. Chị Võ Thị Thắng, người sinh viên Sài Gòn, về sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch cũng được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. 

Chúng tôi đứng bên cầu Thác Mơ nhìn dòng suối đổ nước đỏ như máu cuồn cuộn chảy về xuôi, lòng bồi hồi bao cảm xúc! Tôi hình dung vào những năm 1970 của thế kỷ trước, những chàng trai, cô gái, áo xanh sắc rừng cao su đã qua đây, đã đánh nhau ác liệt với quân địch cố thủ ở Phước Long trong những ngày gần cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và Phước Long đã được giải phóng (là tỉnh đầu tiên miền Nam được giải phóng trong năm 1975). Đã có không ít những cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…, như những câu hát trong bài Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Việt: "Miền Đông gian lao mà anh dũng, hăng hái chiến đấu chống quân thù…"

Miền Đông ngày nay vẫn mênh mông màu xanh trùng điệp, dù rừng đại ngàn năm xưa đã bị tàn phá rất nhiều! Núi Bà Rá mây mù lãng đãng, sừng sững trên thảo nguyên đất đỏ. Thác Mơ ầm ì đổ vào sông Bé sản sinh ra dòng điện hòa vào mạng lưới quốc gia. Đồng Xoài, Bù Đăng, Phước Long, Lộc Ninh hay Hớn Quản, Chơn Thành, giờ bạt ngàn màu xanh của cao su, điều, tiêu với những xóm làng trù phú ven những sườn đồi xa tít tắp… Miền Đông đất đỏ, nơi chiến trường xưa ác liệt, chỉ còn trong ký ức một thời chiến tranh!

(*): Tiếng chày trên sóc Bom Bo - nhạc sĩ Xuân Hồng

Về miền Đông đất đỏ - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.