Về miền Tây, chụp hình với nhà cổ hơn 100 năm có vườn nho trĩu quả

Tấn Đạt
Tấn Đạt
03/09/2022 06:00 GMT+7

Ngoài việc bị thu hút bởi vườn nho trĩu quả, nhà cổ Huỳnh Phủ ở miền Tây, còn được một số người trẻ đến vui chơi, chụp hình bởi phong cách cổ xưa khi nó đã tồn tại hơn 100 năm.

Gần đây, ngôi nhà cổ hơn 100 năm mang tên Huỳnh Phủ, được một số người trẻ đến chụp hình

nvcc

Trong dịp lễ Quốc khánh 2.9, chúng tôi có dịp đến ấp Khu Phố, xã Đại Điền, H.Thạnh Phú, Bến Tre, để ghé thăm nhà cổ Huỳnh Phủ. Ngoài việc bị thu hút bởi vườn nho trĩu quả, nơi đây, còn được một số người trẻ đến vui chơi, chụp hình bởi phong cách cổ xưa khi nó đã tồn tại hơn 100 năm.

Thật sự rất bất ngờ

Nằm cạnh hương lộ dẫn vào trung tâm xã Đại Điền, cách cầu Tân Phong chừng 2 km, thoạt nhìn ít ai nghĩ đây là ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ, bởi bao bọc xung quanh là lớp kiến trúc tường vôi cùng với mái ngói mới trùng tu còn đỏ chói.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, chúng tôi cũng ghé thăm nhà cổ Huỳnh Phủ. Tại đây, mọi người may mắn gặp được cô Lê Thị Hai vui vẻ đón tiếp. Cô Hai là vợ của ông Huỳnh Ngọc Thu-cháu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà, ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927).

Theo lời cô Hai, nhà Huỳnh Phủ hiện do ông Thu quản lý, nhưng do chồng bị bệnh nên cô đảm trách mọi việc trong ngoài, kể cả việc thuyết minh hướng dẫn cho du khách.

Cô Hai vui vẻ đón khách đến tham quan nhà cổ dịp lễ 2.9

nvcc

Người trẻ đến tham quan nhà cổ Huỳnh Phủ vào ngày Quốc khánh 2.9

tấn đạt

“Trước đây, nơi đây ít ai biết đến, đa số người đến tham quan là cô chú lớn tuổi, thích đồ cổ. Tuy nhiên, từ năm 2020, khách đến nhiều hơn, đặc biệt là các bạn trẻ đến chụp hình và vui chơi”, cô Hai nói.

Cô Hai thông tin hầu hết tác phẩm mỹ thuật ở ngôi nhà Huỳnh Phủ đều được thuê thợ từ Huế vào thực hiện. Đặc biệt, các tấm trám trên vách mặt tiền gian chính đều có hai lớp. Lớp mặt trước được chạm các loại hoa trái, chim muông, lớp sau chạm lọng lưới tổ ong.

Các đôi liễn được bổ từ những thân gỗ to, ôm sát thân cột, chạm trổ công phu với các đề tài nhị thập tứ hiếu, ngư tiều canh mục... Chân cột, chân bao lam chạm các đề tài bình dân như trái mãng cầu, trái điều, trái lê, hoa sen, con vịt... là những thổ sản địa phương

tấn đạt

Những chi tiết trong nhà cổ được chạm trổ một cách tinh xảo

tấn đạt

"Năm 1890, ngôi nhà bắt đầu được xây dựng đến 1904 thì hoàn thành. Tính đến nay, ngôi nhà đã tồn tại được hơn 100 năm. Năm 2011, nhà cổ Huỳnh Phủ được trao bằng xếp hạng di tích quốc gia", cô Hai chia sẻ thêm.

Với những nét đẹp đó, nhà cổ thu hút được một số người trẻ đến vui chơi, chụp hình.

Chẳng hạn, Mai Thị Thúy Loan (ngụ xã Giao Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) đã cùng chồng thực hiện bộ ảnh “hai ông bà hội đồng” tại ngôi nhà cổ. Hiện tại, bộ ảnh của cô thu hút hàng trăm lượt yêu thích trên mạng xã hội.

Thúy Loan và chồng của cô chụp hình tại nhà cổ Huỳnh Phủ

nvcc

Bộ ảnh của Thúy Loan được hàng trăm lượt yêu thích

nvcc

“Khi hỏi thăm có nơi nào chụp hình phong cách cổ xưa ở quê nhà không, thì chúng tôi được một số cô chú giới thiệu nhà cổ Huỳnh Phủ. Đến nơi, tôi rất thích thú bởi ngôi nhà được chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu, như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng Nam Bộ”, Loan cho hay.

Đi cùng với gia đình tham quan nhà cổ Huỳnh Phủ dịp lễ Quốc khánh 2.9, anh Huỳnh Duy (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) không quên đem bó hoa, trái cây đến cúng viếng gia tiên.

“Theo dõi báo đài tôi mới biết đến ngôi nhà cổ này, bản thân suy nghĩ đây chính là dòng họ của gia đình mình. Khi được ghé thăm, gia đình tôi thật sự xúc động bởi nơi đây đang được chủ nhân hiện tại bảo tồn, chăm dưỡng một cách rất cẩn thận", anh Duy xúc động nói.

Không gian bên ngoài nhà cổ Huỳnh Phủ

tấn đạt

Khách đến tham quan nhà cổ hơn 100 năm

tấn đạt

Cảm thấy hết mệt vì không khí mát mẻ, trong lành

Bên cạnh đó, phía sau nhà Huỳnh Phủ, chú Huỳnh Ngọc Tám (cũng là cháu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà) trồng một vườn nho trĩu quả.

Vườn nho rộng gần 1.000 m2 có hơn 500 gốc được ươm trồng từ năm 2020. Đến nay, chú Tám đã thu hoạch được hai vụ nho, cho sản lượng hàng trăm ký.

"Mới đầu làm vườn khó lắm, tôi phải hỏi thêm mấy anh em trong nghề và lên mạng học hỏi thêm kinh nghiệm trồng trọt. Tôi đang chuẩn bị mở rộng vườn nho để phục vụ khách du lịch ghé thăm", chú Tám nói.

Chú Tám hy vọng đón được nhiều du khách đến tham quan

tấn đạt

Sau khi tham quan nhà cổ, anh Lê Thành Trung (27 tuổi, ngụ ở Bình Đại, Bến Tre) lập tức xuống vườn nho của chủ Tám để check-in.

"Dịp lễ Quốc khánh 2.9, tôi có chuyến đi du lịch về các xã của H.Thạnh Phú. Tôi nghe mọi người bảo ở vùng biển mà có trồng một vườn nho rất lớn nên đến xem thử. Đây là lần đầu tiên mình thấy một vườn nho mà có trái nhiều đến thế ở miền sông nước, cảm thấy rất thích thú", anh Trung bộc bạch.

Bạn trẻ đến check-in tại vườn nho chú Tám

nvcc

Vườn nho phía sau nhà cổ Huỳnh Phủ thu hút nhiều người trẻ đến tham quan

minh tân

Là đồng hương đến tham quan vườn nho, chị Lê Ngọc Ánh (32 tuổi, sống tại trung tâm tỉnh Bến Tre) cũng phải bất ngờ khi bản thân chứng kiến người dân quê mình trồng được nho. "Do ở đây gần vùng biển mặn nên cũng khó trồng nho lắm, nhưng giờ được chứng kiến trực tiếp, tôi rất nể phục", chị Ánh chia sẻ.

Những chùm nho tươi tốt tại vườn chú Tám

thanh phụng

Nho tại vườn chú Tám

minh tân

Chị Ngọc Ánh còn nói: "Không riêng gì ngôi nhà cổ hơn 100 năm mang tên Huỳnh Phủ, khi đến đây tôi còn cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành bởi vườn nho xanh mát, trĩu quả. Tôi hy vọng đây sẽ là một điểm du lịch thu hút khách mới mẻ ở miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.