Về Quảng Nam tìm ăn bánh đập

01/09/2013 05:35 GMT+7

Bánh đập được hiểu đơn giản theo ngôn ngữ người Quảng Nam là phải được đập rồi mới ăn. Đây là sự kết hợp tinh tế mà từ trong dân gian những người dân Quảng Nôm đã sáng tạo ra.

Nói tới đặc sản ẩm thực Quảng Nam nhiều người hay nghĩ đến mì quảng, cao lầu, bánh đa xúc hến mà vô tình quên mất chiếc bánh đập thơm ngon. Những cư dân trên dòng sông Thu Bồn đã sáng tạo nên rất nhiều đặc sản mà thực khách chỉ thưởng thức một lần đã nhớ. Những ngày lang thang nơi đây tôi có dịp vào nhà dân, tìm hiểu thêm về các đặc sản địa phương.

>> Đến Vũng Tàu nhớ tìm ăn bún súng
>> Về Tân Triều ăn gỏi bưởi

Bánh đập được hiểu đơn giản theo ngôn ngữ người Quảng Nam là bánh phải được đập rồi mới ăn. Bánh làm từ bột gạo, giống như bánh tráng nhưng có điều đây là một sự kết hợp tinh tế mà từ trong dân gian những người dân Quảng Nôm đã sáng tạo ra.

 Đến Quảng Nam vào nhà dân ăn bánh đập 1
Ẩn dưới những mái nhà tường rêu, ngói cũ trên dòng sông Thu Bồn là rất nhiều món ăn gia đình chứa
đựng giá trị truyền thống văn hóa hàng trăm năm của cư dân phố Hội

Gạo làm bánh đập phải chọn gạo trắng trong, loại thơm, dẻo… ngâm nửa ngày cho hạt gạo ngấm đủ nước nở mềm ra sau đó mới nghiền thành bột nước. Bột nghiền xong, chưa mang tráng bánh luôn mà phải ủ từ 3 giờ trở lên. Gọi là ủ bột chứ thật ra là để bột lặng yên trong nước chỉ khi nào tráng thì quậy lên, thêm chút muối cho đậm đà, đây cũng chính là bí quyết của người làm để bánh được phồng, xốp, dễ tráng.

Người Quảng Nam dùng gáo dừa để múc bột tráng bánh, khi bột chín bánh sẽ phồng nổi lên, rắc chút vừng (mè) lên trên, đậy vung lại để bánh phồng lần nữa là chín (bánh ướt thì không rắc vừng). Xếp bánh trên những chiếc trành (dụng cụ làm bằng tre)  phơi ngoài nắng, khoảng nửa ngày là khô. Vào những hôm trời ít nắng phải phơi cả ngày bánh mới có thể khô. Mùa đông trời mưa phùn bánh phơi lâu khô hơn và thường phải mang trành bánh để gần vào trong bếp than củi.

Bánh khô chưa dùng ngay mà mang nướng trên bếp than hồng cho phồng chín vàng. Một chiếc bánh nướng phồng này sẽ được úp vào trong một chiếc bánh ướt vừa tráng xong. Chiếc bánh khô và chiếc bánh ướt sẽ dính vào nhau, khi đó người ta mới dùng dụng cụ để đập, chiếc bánh nướng phồng sẽ vỡ vụn ra dính chặt vào trong chiếc bánh ướt như một sự “kết duyên” tự nhiên.

Một thứ rất quan trọng khi thưởng thức bánh đập đó là nước chấm. Những người lớn tuổi, sành ăn sẽ chọn chén mắm cái nhiều ớt còn nguyên con cá cơm, vừa ăn bánh đập, vừa thưởng thức hương vị biển nồng trong mắm cái, miệng xuýt xoa vì cay của ớt....

Phổ biến nhất bây giờ với người dân Quảng Nam là ăn bánh đập với chén mắm nêm có thêm hành phi và đậu phộng vào trong cho béo ngậy. Có ăn bánh đập, nhai kĩ , nuốt khẽ mới thấy người dân Quảng Nam đã nghĩ ra nhiều món ngon hay và lạ. Vị giòn giòn của bánh tráng quyện với sự dẻo dai của bánh ướt, vị bùi của đậu phộng, thơm của hành phi, mặn của mắm nêm… khiến ai ăn rồi sẽ nhớ mỗi khi có dịp về Quảng Nam lại phải đi tìm chỉ để ăn thứ bánh đập vừa khô vừa ướt này.

 

Cùng xem những hình ảnh thú vị về món ăn dân dã này nhé:

 Đến Quảng Nam vào nhà dân ăn bánh đập 2
Nhiều gia đình ở Quảng Nam từ bao đời nay vẫn làm một nghề duy nhất là tráng, bán bánh đập

Đến Quảng Nam vào nhà dân ăn bánh đập 3
Những chồng bánh ướt được xếp chồng khít lên nhau như thế này nhưng khi dùng chỉ cần lật nhẹ
là từng chiếc bánh sẽ bong ra tự nhiên mà không cần phết dầu mỡ

Đến Quảng Nam vào nhà dân ăn bánh đập 4
Khi ăn người ta sẽ dùng một chiếc bánh ướt, úp lên chiếc bánh đã nướng phồng, như một sự kết duyên
hai chiếc bánh sẽ dính chặt vào nhau

Đến Quảng Nam vào nhà dân ăn bánh đập 5
Bánh khi ăn phải đập, nên gọi là bánh đập. Ăn bánh đập không thể thiếu chén mắm cái nhiều ớt

 

 

Đoàn Xuân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.