Về quê chăn nuôi khép kín

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/01/2019 09:38 GMT+7

Mê chăn nuôi từ nhỏ, chàng trai 9X ở Quảng Nam học ngành điện tử đã bỏ phố về quê, rẽ ngang lập nghiệp với mô hình chăn nuôi khép kín.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành điện tử Trường CĐ Đức Trí, Nguyễn Văn Thành (29 tuổi, ở thôn 7B, xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước, Quảng Nam) được nhận vào làm tại một công ty ở TP.HCM đúng với chuyên ngành gần 3 năm. Nhưng rồi, từ năm 2016, anh đã về quê và chọn nghề nuôi thỏ để khởi nghiệp.

Ban đầu, Thành vay mượn gần 250 triệu đồng đầu tư chuồng trại trên khu đất hơn 200 m2, mua 50 con thỏ nái giống về nuôi thử nghiệm. Anh đã tìm đến các trại chăn nuôi lớn ở miền Trung để học hỏi kinh nghiệm thực tế và kết nối với các nhà hàng, thương lái để không bị động đầu ra. Cứ thế, sau hơn 2 năm, trang trại của anh đã có 100 con thỏ giống và hơn 600 con thỏ thịt. Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn thịt thỏ, giá 80.000 đồng/kg.
Ăn nên làm ra, quy mô hiện tại 700 con thỏ/lứa nhưng trong quá trình nuôi Thành nhận thấy phân thỏ thải ra mỗi ngày khá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường nên anh nảy ra ý định “tận dụng” luôn nguồn chất thải này để... nuôi trùn lai, tạo thức ăn cho gia cầm. Nguồn thức ăn từ trùn lai, anh “cung ứng” cho 2.000 con cút nuôi trong trại và 100 con gà ta thả vườn vừa đầu tư mới. Tính ra, anh tự tiết kiệm khoảng từ 30 - 50% thức ăn cho gia súc mà lại đảm bảo an toàn, giúp gà và cút có sức đề kháng tốt, đảm bảo sản phẩm sạch. “Cái khó của mô hình khép kín này là mình cần xử lý môi trường ổn định để hạn chế mầm bệnh gây hại cho thỏ”, Thành tâm sự.
Ngoài ra, mỗi tháng Thành còn cung ứng ra thị trường 30 - 50 kg trùn tinh với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Cũng nhờ vậy, mô hình chăn nuôi khép kín của Thành đã thu về tổng cộng hơn 200 triệu đồng/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.