Vé tết đảo chiều, doanh nghiệp lo mất công nhân

18/01/2022 06:37 GMT+7

Số người ở TP.HCM về quê ăn tết càng gia tăng khiến các doanh nghiệp lo lắng sợ thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ dài ngày. Vé tết cũng “quay xe”, đang ế rẻ trở nên đắt đỏ, một số đường bay thậm chí đã hết chỗ.

Hàng không tất bật tăng chuyến

Sau thời gian ảm đạm, các hãng hàng không ghi nhận lượng khách mua vé về quê ăn tết đang có xu hướng tăng mạnh. Đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết nhiều đường bay của Vietnam Airlines Group đã có tỷ lệ lấp đầy từ 70 - 90% trong những ngày cận tết, tập trung các chặng TP.HCM đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam... So với mọi năm, hành khách bay sớm hơn thay vì dồn vào một vài ngày trước tết. Nhiều chuyến bay từ ngày 17 - 23.1 đã tương đối đầy chỗ. Vietnam Airlines Group đang tiếp tục mở bán vé tết với nhiều mức giá vé, phù hợp với đa dạng nhu cầu và mức chi trả của hành khách.

Người lao động rập rình về quê ăn tết, doanh nghiệp lo thiếu hụt lao động

Linh Linh

Trước đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã thông báo tăng mạnh tần suất nhiều đường bay, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 300 chuyến bay một chiều, số ghế cung ứng tăng 120% so với hiện tại nhằm phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán 2022. Tương tự, đại diện Bamboo Airways cũng thông tin nhu cầu mua vé tết của hành khách đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Giai đoạn đầu “tung” 800.000 vé tết, lượng vé bán khá chậm, nhưng trong vòng 1 tuần qua bắt đầu tăng tốc và đến nay đã đạt 60 - 70% kế hoạch. Bamboo Airways cũng đang chuẩn bị cung ứng thêm chỗ bổ sung cho những chặng “hot” như TP.HCM - Hà Nội…

Doanh nghiệp lo mất công nhân sau kỳ nghỉ tết

Hoàng Triều

“Giai đoạn đầu, nhiều đường bay bị hạn chế slot nên thị trường vé tết khá trầm lắng. Bên cạnh đó, tâm lý chờ đợi tình hình diễn biến dịch bệnh và e ngại quy định cách ly của địa phương cũng phần nào cản trở nhu cầu về quê ăn tết của bà con. Tuy nhiên hiện nay, các quy định xét nghiệm, phòng chống dịch đã thông thoáng hơn, quy định giữa các địa phương cũng không có nhiều biến động, tết đã đến rất sát rồi nên lượng vé bán khá nhanh”, vị này nhận định.

Theo báo cáo của Cục Hàng không, nhu cầu hành khách bay từ TP.HCM đi Hà Nội hoặc các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc đã tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đạt trên 70%. Tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay này cũng tăng cao, đều trên 50%, có những thời điểm lên đến trên 90%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay được phân bổ.

Nhu cầu tăng cao, đồng nghĩa với giá vé cũng “leo thang” từng giờ. Mặc dù chưa đến mức “cháy” vé tết như mọi năm, các chuyến bay trên chặng “hot” như TP.HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng… vẫn còn nhiều chuyến, nhưng vé giá rẻ thì không còn.

Đơn cử, chỉ cách đây gần một tuần, giá vé cao nhất đi chặng TP.HCM - Hà Nội ngày 26 tháng Chạp (28.1) của hãng Bamboo Airways chỉ hơn 1,9 triệu đồng/chiều, Vietnam Airlines thậm chí chỉ 1,7 triệu đồng/chiều, còn Vietjet chưa tới 1,5 triệu đồng/chiều. Thế nhưng, nếu mua tại thời điểm này, để có vé một chiều của hãng Vietjet từ TP.HCM ra Hà Nội cùng ngày thì mức giá ít nhất 1,7 triệu đồng. Những chuyến bay đêm, rạng sáng của Bamboo Airways đã có giá gần 2 triệu đồng/chiều, nếu bay giờ đẹp hơn buổi chiều thì giá gần 2,7 triệu đồng. Trong khi đó, một số chuyến của Vietnam Airlines đã báo giá tới gần 3,7 triệu đồng/chiều, tương đương giá vé tết cao ngất ngưởng mọi năm.

Canh cánh nỗi lo về quê

Thời điểm mới mở bán vé tết, thị trường đã ghi nhận sự ảm đạm trái ngược với những năm trước. Nhiều khách thường có tâm lý đợi đến sát ngày mới “chốt” vì đằng nào cũng không săn được vé giá rẻ ngày tết. Hầu hết hành khách mua vé thời điểm này đều là những người đã đinh ninh tết này không về.

“Mình mới mua vé cách đây 4 ngày. Mua rồi mà vẫn 50/50, nửa muốn về, nửa không”, chị Anh Thy (ngụ Q.11, TP.HCM) vẫn phân vân khi nhắc đến chuyện về quê ăn tết. Ở TP.HCM sinh sống và làm việc đã 24 năm, chưa năm nào chị Thy bỏ lỡ dịp tết cổ truyền ở Huế. Tết năm ngoái, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở các tỉnh phía bắc, dù lo ngại đi máy bay rủi ro lây nhiễm, nhưng chị Thy cùng con nhỏ vẫn quyết thuê xe ô tô riêng, chạy mất 2 ngày về Huế đón tết cùng gia đình. Thế nhưng, năm nay, đã tiêm 3 mũi vắc xin mà chị vẫn canh cánh nhiều nỗi lo.

“Trải qua 1 năm kinh hoàng, chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương ngay bên cạnh thì mình mới thật sự biết sợ dịch. Con trai nhỏ mới 10 tuổi, chưa tiêm, lo nhất chuyện đó. Lúc đầu mình chắc chắn không về, cũng đã thông báo với cả nhà rồi nhưng sau đó, thấy tất cả đồng nghiệp đều đi thì cũng lung lay. Nghĩ lại, không thể bắt con trai 10 ngày tết ở trong nhà được, mà nếu đi chơi thì cũng có khác gì về quê. Ở nhà ông bà đã gần 90, dịch bệnh xa cách cả năm, biết còn bao nhiêu thời gian bên nhau nữa, nên lại quyết đặt vé máy bay về”, chị Thy kể.

Đồng cảm, anh Thành Đồng (TP.Thủ Đức) cũng cân nhắc tới giữa tháng 1 mới đặt vé máy bay cho vợ con về Hải Phòng vào ngày 20 âm lịch (22.1). Thương hai con mong ngóng về đón tết với ông bà và anh chị họ, ngày nào cũng hỏi bố mua vé chưa nên anh Đồng mới quyết về. Không phải vì sợ đi lại mất an toàn, điều anh lo nhất là dịch bệnh ngoài bắc đang phức tạp. Chẳng may về quê rồi dịch bùng lên, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì khó quay trở lại TP.HCM.

“Đợt rồi bạn bè tôi có nhiều người kẹt dịch ở quê tới 3 - 4 tháng. Giờ mà thế thì chết. Công việc làm ăn vừa mới khởi động lại công ty, kết nối lại với các khách hàng. Nhỡ chẳng may tết về, rồi kẹt luôn ngoài đó thì ai lo. Bởi vậy tôi mua vé cho vợ con về trước, tôi ở lại đến 27 - 28 xem tình hình thế nào rồi tính”, anh Đồng chia sẻ.

Doanh nghiệp cũng thấp thỏm

Người lao động rập rình mua vé về quê, các ông chủ doanh nghiệp (DN) ở lại cũng thấp thỏm lo họ “một đi không trở lại”. Theo nhiều công ty, thông thường mỗi dịp tết thì lượng nhân sự sẽ bị biến động khoảng 10%.

Thậm chí, ở nhiều DN, tỷ lệ biến động này còn cao hơn, có khi lên đến 20 - 25%, nhất là ở những ngành có nhiều công nhân từ các tỉnh, thành khác đến TP.HCM làm việc. Năm nay, việc thiếu hụt nguồn lao động đã có từ quý 4/2021 và có thể sẽ kéo dài đến hết quý 1/2022.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, cho hay hiện công ty vẫn đang thiếu 20% lượng lao động thời vụ dịp cuối năm dù đã tuyển dụng thường xuyên trong mấy tháng qua. Các nhà máy đang gấp rút sản xuất do đơn hàng trong và ngoài nước đều dồn dập. Việc thiếu hụt lao động, nhất là những người làm thời vụ dịp cuối năm đã được dự báo kể từ đầu quý 4/2021 sau khi nhiều người về quê và chưa quay trở lại TP. Thế nên giờ đây, nỗi lo thiếu lao động lại càng lớn hơn khi hiện tại vẫn có nhiều nơi kiểm soát gắt gao khiến người lao động lo ngại “đi dễ khó về”.

Theo kế hoạch, công ty sẽ mở cửa lại từ sáng mùng 4 tết chuẩn bị cho chuyến hàng xuất sang Hàn Quốc vào mùng 6. Để giữ chân người lao động, công ty đã đưa ra nhiều chương trình chăm lo đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho họ như tổ chức các chương trình pháo hoa, hội chợ, bốc thăm trúng thưởng lớn gồm xe máy, ti vi, đồ dùng thiết yếu; tặng phần quà tết trị giá 600.000 đồng/phần và lì xì mỗi công nhân 500.000 đồng. Đồng thời, công ty đưa ra thêm 100 bao lì xì có giá trị 1 triệu đồng/bao để rút thăm lấy hên....

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cũng thừa nhận các DN vẫn lo lắng sẽ bị thiếu hụt lao động. Hiện tại nguồn lao động cho ngành may tại TP.HCM vẫn thiếu gần 10% sau khi một số lao động về quê sau đại dịch vẫn chưa trở lại. Dịp tết cũng thường xảy ra tình trạng tương tự nên từ lúc này, các DN lo sau tết tình trạng này sẽ trầm trọng hơn.

“Tết năm nay dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, e là các DN muốn tuyển thêm người cũng rất khó. Vì vậy từ giờ, nhiều công ty đã vận động công nhân giới thiệu thêm người. Đồng thời, dù còn khó khăn thì hầu hết các công ty đều cố gắng chăm sóc cho người lao động bằng những phần quà thiết yếu, gia tăng tiền thưởng, quà cho gia đình con cái trước và sau tết để mong muốn giữ chân họ. Đơn hàng xuất khẩu của ngành may đa số đều có đủ đến giữa năm nên quan trọng hiện nay là tập trung cải thiện năng suất, gia tăng thu nhập để người lao động gắn bó với công ty”, ông Hồng nhấn mạnh.

Hành khách đi máy bay cần lưu ý

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lưu ý hành khách mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng cần yêu cầu xuất hóa đơn để tránh mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Để hạn chế tiếp xúc và tiết kiệm thời gian ở sân bay, các hãng hàng không khuyến cáo hành khách làm thủ tục trước qua website, ứng dụng di động, qua điện thoại (telephone check-in) hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in) trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Đồng thời, hành khách lưu ý khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid trước khi đến sân bay. Hành khách người lớn hoặc trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm đầy đủ mũi vắc xin hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 đáp ứng quy định của cơ quan chức năng, thì khi làm thủ tục trước chuyến bay, cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.