Nhàn đàm

Về thương mái lá

11/08/2024 07:00 GMT+7

Tôi luôn có một niềm thiết tha dễ chịu khi mỗi lần về quê được thả mình dưới bóng mát của mái lá.

Đó có thể là chái nhà sau hiện diện như miền nhớ thuở hàn vi không ai nỡ lợp tôn. Là căn chòi nhỏ ba cất dưới gốc xoài to để nghỉ trưa có tầm nhìn hướng ra cánh đồng. Là cái trại xuồng dưới mé sông, chỉ cần mắc một cánh võng là có thể đu đưa thả hồn theo đám lục bình trôi dập dềnh giữa mênh mông sóng nước.

Ngày còn nhỏ, tổ ấm đầu tiên của gia đình tôi là một căn nhà lá. Kiểu nhà hai mái mẹ bồng con liền với nhà sau lúc nào cũng dư ra một mái hiên. Người nhà quê làm gì có thể hẹp nhưng xây nhà luôn muốn rộng rãi ra, để đám tiệc hay giỗ quảy có chỗ có nơi cho cháu con đông đủ tụ về. Cũng tốn kém gì mấy đâu khi tre, tràm làm đòn tay siêng đi đốn là có; còn lá nước lợp mái, dừng vách luôn mọc sẵn dưới mé kênh. Ai trong xóm xây nhà chỉ cần ới một tiếng thôi là anh em họ hàng láng giềng xúm nhau lo giúp mọi việc.

Hồi ấy ở quê tôi, lá nước gần như là vật liệu xây dựng chủ yếu. Người làng yêu chuộng sự mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên. Loài thủy sinh mọc dại này lại có sẵn ở địa phương, không phải cất công tìm kiếm, vận chuyển xa xôi mà giá thành lại rẻ. Dù ai cũng rằng qua mấy mùa mưa nắng khắc nghiệt ngôi nhà thể nào cũng xuống cấp, khi giọt nước dột ngay chân giường vào đầu mùa mưa chính là tín hiệu cho biết nó cần được tu bổ, sửa sang...

Xây nhà thường là việc lớn, nhưng cả xóm cùng giúp sức rồi thì cũng xong. Đàn ông đốn lá, đốn cây, đàn bà chẻ lạt, lo việc cơm nước. Sau màn dựng khung, bắt đòn tay sẽ đến công đoạn lợp nhà. Lá lợp thường có hai loại là lá chằm và lá xé. Lá xé, nghĩa là chẻ đôi tàu lá mang phơi, dùng để dừng vách, còn lá chằm để xấp nóc mái nhà. Công việc chằm lá thường được giao cho những người phụ nữ có đôi bàn tay khéo léo. Chằm lá làm sao để khi lợp nhà không bị dột từ nóc luôn là điều quan trọng. Mà ngọn nguồn ý nghĩa sâu xa của điều đó chính là niềm mong ước vào sự ấm êm, hạnh phúc của một gia đình.

Ngày nay dần dà người ta đã rời xa kèo cây vách lá thân thương để tìm đến những nguyên vật liệu bền chắc. Nhưng cứ mỗi lần đi ngang qua một ngôi nhà mái lá hay dừng bằng vách lá, tôi luôn thấy chốn đó thật dễ chịu như thể là nhà. Dường như chính niềm hạnh phúc ở buổi bình minh của đời người đã làm nên những ảo ảnh. Trong ảo ảnh đó ta nhìn một căn nhà đơn sơ, tuềnh toàng vẫn thấy nó đẹp, ăn một bữa đạm bạc vẫn thấy rất ngon. Sau này dù sống trong vật chất tiện nghi, mái lá mộc mạc vẫn luôn là không gian tôi ước thèm được thả hồn mình vào giấc ngủ ban trưa, như một cách trở về với những ngày bình yên, vô lo nghĩ.

Nên tôi không thấy lạ khi người nhà quê dù theo thời đến đâu vẫn chừa lại một góc nhỏ lợp bằng mái lá. Đó là sự thủy chung với nguồn tài nguyên được tự nhiên ban tặng, để khi ở trong không gian đó ta như thấy thiên nhiên hiện diện bên mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.