‘Vệ tinh do thám’ của Triều Tiên được Hàn Quốc kết luận ra sao?

Khánh An
Khánh An
05/07/2023 09:38 GMT+7

Giới chuyên môn Hàn Quốc và Mỹ phân tích những mảnh vỡ tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên phóng lên bất thành hôm 31.5 và chính thức đưa ra nhận định.

‘Vệ tinh do thám’ của Triều Tiên được Hàn Quốc kết luận ra sao? - Ảnh 1.

Mảnh vỡ tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên được Hàn Quốc trục vớt

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CHOSUNONLINE

Hãng Yonhap ngày 5.7 đưa tin Hàn Quốc đã trục vớt xong những mảnh vỡ vệ tinh do thám của CHDCND Triều Tiên và đưa ra kết luận rằng chúng "không có ứng dụng quân sự".

Quân đội Hàn Quốc đưa ra kết luận trên, chấm dứt chiến dịch kéo dài 36 ngày nhằm trục vớt những mảnh vỡ tên lửa sau khi Triều Tiên phóng lên không thành công và rơi xuống biển hôm 31.5.

Vệ tinh Triều Tiên bị Hàn Quốc thu giữ không có lợi ích quân sự

Bộ Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho hay quân đội nước này đã vớt lên nhiều bộ phận then chốt của tên lửa và vệ tinh. Các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành phân tích chi tiết và nhận thấy rằng mảnh vỡ vệ tinh được trục vớt không có ứng dụng quân sự.

Bình Nhưỡng phóng vệ tinh vào ngày 31.5, nhưng tên lửa gặp sự cố bất thường ở đầu giai đoạn phóng thứ 2 và rơi xuống biển không lâu sau khi phóng lên.

Vệ tinh Malligyong-1 được cho là có thiết kế nhằm ghi lại những hình ảnh có độ phân giải cao của mặt đất để cung cấp tình báo cho quân đội Triều Tiên.

Sau khi tên lửa Chollima Type 1 rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, Hàn Quốc lập tức tiến hành tìm kiếm và những mảnh vỡ dần dần được trục vớt.

Gần 180 mảnh vỡ được cho là đã rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, theo Yonhap. Sau khi trục vớt, chúng đã được đưa đến một cơ sở nghiên cứu quân sự ở Daejeon để phân tích.

Triều Tiên từng 2 lần phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 2012 và 2016, nhưng cả 2 đều được cho là không có thiết kế thu thập tình báo như vệ tinh do thám Malligyong-1. Một số nhà phân tích cho rằng 2 cuộc phóng đó nhằm che đậy hoặc nghiên cứu chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.